NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SIÊU ÂM TIM BÀO THAI
SIÊU ÂM TIM BÀO THAI LÀ GÌ?
Siêu âm tim bào thai là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để khảo sát hình thái và chức năng của tim trẻ em từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Kỹ thuật này được thực hiện bởi các bác sĩ đã được đào tạo chuyên sâu về tim mạch Nhi khoa và Tim bẩm sinh. Siêu âm tim bào thai giúp khảo sát, đánh giá tình trạng tim mạch của thai nhi như nhịp tim, các bất thường về cấu trúc và chức năng tim thai. Siêu âm tim là một kỹ thuật không xâm lấn, không gây hại nhưng rất đáng tin cậy, có giá trị cao không chỉ trong lĩnh vực tim bẩm sinh, các rối loạn tim mạch ở trẻ em và người lớn mà còn trong lĩnh vực tim bào thai. Siêu âm tim thai được khuyến cáo thực hiện trong giai đoạn tiền sản giúp tầm soát, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, các dị tật bẩm sinh tim của thai nhi.
VÌ SAO THAI PHỤ CẦN ĐƯỢC SIÊU ÂM TIM BÀO THAI?
Siêu âm tim bào thai là một phần không thể thiếu trong đánh giá trước sinh. Các bất thường ngoài tim có thể ảnh hưởng đến tim và ngược lai, những bất thường của tim có thể tác động không thuận lợi đến sự phát triển của các cơ quan khác.
Phát hiện sớm những bất thường này giúp thầy thuốc có thể can thiệp điều trị sớm và phù hợp nhằm giảm thiểu những biến chứng trên sự phát triển của trẻ.
Dị tật bẩm sinh tim có thể là một phần trong các hội chứng đa dị tật của thai nhi. Phát hiện những dị tật bẩm sinh ở tim giúp cung cấp thông tin nhằm hoàn chỉnh chẩn đoán và tiên lượng các bệnh đa dị tật, bất thường nhiễm sắc thể, bất thường về gen.
Một trong những mục đích quan trọng nhất của siêu âm tim bào thai là để phát hiện dị tật tim bẩm sinh. Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý tim thai nhi giúp bác sĩ và gia đình có kế hoạch xử lý và phương pháp can thiệp, điều trị kịp thời để có thể chăm sóc thai nhi và bệnh nhi một cách tốt nhất.
BỆNH TIM BẨM SINH LÀ GÌ?
Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai.
Bệnh tim bẩm sinh là nguyên nhân hàng đầu trong số các dị tật bẩm sinh ở các cơ quan gây tử vong ở trẻ em, với tỷ lệ ước tính khoảng 8-12/1000 trường hợp trẻ sinh ra và sống. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 1950 đến năm 1994, dị tật tim mạch chiếm đến 42% số ca tử vong do bất thường bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Ảnh hưởng của bệnh tim bẩm sinh với sức khoẻ của trẻ thay đổi tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh TBS mà trẻ mắc phải. Có thể chia bệnh TBS được phát hiện trong thai kỳ thành các nhóm từ nhẹ đến nặng như sau: - Những dị tật tim bẩm sinh đơn giản không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong bào thai và cũng không có nguy cơ cấp cứu ngay trong giai đoạn sau sinh. - Những dị tật tim bẩm sinh không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong bào thai nhưng có thể diễn tiến nặng ngay sau sinh. Việc chẩn đoán được các bệnh này trong giai đoạn trước sinh giúp lập kế hoạch chăm sóc và điều trị phù hợp ngay trong giai đoạn
trẻ vừa được sinh ra nhằm giảm tử vong và tai biến. - Một số bất thường tim mạch có thể diễn tiến xấu ngay trong bào thai có nguy cơ gây thai chết lưu. Những trường hợp này cần phải được theo dõi sát sao và điều trị tích cực. - Nhóm dị tật tim nặng, phức tạp có tiên lượng rất xấu sau khi sinh.
Trong những trường hợp như vậy, thầy thuốc sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho thai phụ và gia đình để gia đình đưa ra quyết định tiếp tục giữ thai hay chấm dứt thai kỳ.
CÁC HÌNH THỨC SIÊU ÂM TIM THAI NÀO THAI PHỤ CẦN BIẾT?
Có hai hình thức siêu âm tim thai là siêu âm tầm soát và siêu âm chẩn đoán.
- Siêu âm tim thai tầm soát được thực hiện bởi các bác sĩ sản khoa, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong các lần siêu âm hình thái định kỳ. Siêu âm tầm soát chỉ có tác dụng theo dõi sự hình thành và phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện một số bất thường hoặc nghi ngờ bất thường. Một khi nghi ngờ có bất thường, thai phụ sẽ được giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa siêu âm tim mạch bào thai để xác định.
- Siêu âm chẩn đoán được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhi hoặc các bác sĩ sản khoa có chuyên khoa sâu về Tim bẩm sinh. Siêu âm tim chẩn đoán nhằm chẩn đoán và tiên lượng các bệnh tim bẩm sinh. Dựa trên kết quả siêu âm này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho thai phụ những kiến thức cần thiết.
NHỮNG THAI PHỤ NÀO CẦN SIÊU ÂM TIM THAI?
Siêu âm tim thai tầm soát được khuyến cáo thực hiện ở tất cả thai phụ. Tuy nhiên, cần lưu ý đặc biệt với những trường hợp sau:
- Gia đình có tiền sử bệnh tim bẩm sinh.
- Thai phụ mắc các bệnh di truyền, đái tháo đường, phenyl ketones niệu, lupus ban đỏ,...
- Thai phụ có sử dụng ma tuý hoặc rượu khi mang thai.
- Thai phụ có sử dụng các loại thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm,….
- Trong thời kì mang thai, thai phụ có mắc bệnh cúm, sởi, rubella, thuỷ đậu,…đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ.
- Thai nhi thụ tinh nhân tạo.
- Thai phụ mang song thai một bánh nhau.
- Phát hiện bất thường ở thai nhi trong lần khám thai định kỳ trước đó như bất thường các cấu trúc ngoài tim (thoát vị hoành, teo hành tá tràng, thông nối khí quản- thực quản, u nang,…), bất thường nhiễm sắc thể, bất thường phổ sóng ống tĩnh mạch, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, phù thai, rối loạn nhịp tim, độ mờ da gáy tăng ở tuần thứ 12 của thai kỳ.
THỜI ĐIỂM NÀO LÀ THÍCH HỢP ĐỂ THAI PHỤ THỰC HIỆN SIÊU ÂM TIM THAI?
Siêu âm tim thai thường được thực hiện vào tam cá nguyệt thứ hai, từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 24. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt cần theo dõi sát, siêu âm tim bào thai có thể tiếp tục được thực hiện ở giai đoạn muộn hơn của thai kỳ.
Trong trường hợp có nguy cơ cao mắc TBS, siêu âm tim thai có thể thực hiện sớm hơn, từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 14.
THAI PHỤ CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI SIÊU ÂM TIM THAI?
Thai phụ hầu như không cần chuẩn bị gì trước quá trình kiểm tra. Siêu âm tim thai có thể được thực hiện mà sản phụ không cần nhịn đói hoặc giữ bàng quang đầy. Thai phụ không nên uống cà phê hay các chất kích thích và cần giữ tinh thần thật thoải mái.
QUÁ TRÌNH SIÊU ÂM TIM THAI DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
Trong quá trình siêu âm tim thai, thai phụ được yêu cầu nằm ngửa hoặc nghiêng, để lộ bụng và sau đó được thoa một loại gel bôi trơn đặc biệt lên da. Lớp gel này nhằm làm giảm ma sát để bác sĩ có thể di chuyển đầu dò siêu âm và cũng giúp dẫn truyền sóng âm tốt hơn. Gel này không gây độc.
Đầu dò siêu âm phát ra sóng âm với tần số cao di chuyển qua mô của cơ thể thai phụ và thai nhi, rồi chúng vọng lại khi va vào một cấu trúc đặc như tim của thai nhi. Những sóng âm được phản xạ trở lại đầu dò và gửi đến máy tính để xử lý, từ đó tạo nên hình ảnh trái tim thai nhi trên màn hình máy siêu âm. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò quanh bụng thai phụ để có được hình ảnh về các cấu trúc của tim thai nhi từ nhiều góc độ khác nhau. Siêu âm tim thai hoàn toàn không gây đau đớn hay khó chịu gì cho thai phụ ngoại trừ cảm giác hơi ẩm ướt ở phần bụng do ảnh hưởng của gel siêu âm. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn tất kiểm tra, gel sẽ được làm sạch và thai phụ có thể trở lại các hoạt động bình thường.
Thông thường, quá trình kiểm tra kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ.
Đôi khi, vì tư thế thai không thuận lợi để khảo sát rõ tim em bé, quá trình siêu âm tim có thể kéo dài hơn.
SIÊU ÂM TIM THAI CÓ HẠI CHO MẸ VÀ THAI NHI KHÔNG?
Siêu âm tim thai sử dụng công nghệ sóng siêu âm, không có bức xạ, hoàn toàn không gây tổn thương cho thai nhi và mẹ.
VÌ SAO THAI PHỤ NÊN THỰC HIỆN SIÊU ÂM TIM THAI TẠI ĐƠN VỊ HÌNH ẢNH TIM MẠCH, BV ĐẠI HỌC Y DƯỢC TPHCM?
Đơn vị Hình ảnh Tim mạch thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là một đơn vị chẩn đoán, đào tạo và nghiên cứu về vai trò siêu âm tim trong điều trị bệnh lý tim mạch có uy tín trong cả nước.
- Trang thiết bị: Đơn vị Hình ảnh Tim mạch được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và đạt chuẩn. Máy siêu âm tim EpiQ 7C và máy siêu âm tim Affiniti 70G của hãng Philips cho chất lượng hình ảnh tối ưu.
- Chuyên gia thực hiện: Siêu âm tim thai được thực hiện bởi một đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm được đào tạo từ các đại học lớn trong nước cũng như có nhiều năm tu nghiệp ở các nước có nền y học tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật, Thụy sĩ, Malaysia... Đơn vị Hình ảnh Tim mạch trực thuộc Trung tâm Tim mạch, là trung tâm có nhiều kinh nghiệm về điều trị can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch nên luôn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều chuyên khoa.
Tính ưu việt của phối hợp đa chuyên khoa sâu: Đội ngũ liên chuyên khoa của Bệnh viện Đại học Y Dược gồm nhiều chuyên khoa gồm Sản, Nhi, Nhi Tim mạch, Can thiệp, Phẫu thuật tim mạch nhi và phối hợp chặt chẽ từ khâu tầm soát, chẩn đoán, theo dõi, tư vấn, thực hiện chuyển viện ngay trong tử cung, can thiệp cấp cứu và phẫu thuật ngay trong giai đoạn sơ sinh. Một số can thiệp cấp cứu tim bẩm sinh cho bệnh nhi sơ sinh tại Bệnh viện ĐHYD TP HCM: đặt stent ống động mạch trong điều trị bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc ống, phá vách liên nhĩ trong chuyển vị đại động mạch, nong van động mạch phổi điều trị hẹp phổi nguy hiểm, không lỗ van động mạch phổi ở trẻ sơ sinh,… Thực hiện siêu âm tim thai, đặc biệt ở Đơn vị Hình ảnh Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, việc phát hiện, chẩn đoán sớm, xử lý và điều trị kịp thời cho thai nhi và bệnh nhi giúp đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho em bé trước và sau khi chào đời.
Xem thêm bài viết tại đây.
Nguồn: ThS. BS Trần Châu Bích Hà - Tạp Chí Sống Khỏe - BV ĐH Y Dược Tp.HCM.