Sức khỏe sản phụ và thai nhi

TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ SAU SINH (Chuẩn quốc gia )

TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ SAU SINH (Chuẩn quốc gia )

Chuyển dạ là thời kỳ kết thúc quá trình mang thai, diễn ra trong nhiều giờ bao gồm giai đoạn xóa mở cổ tử cung, giai đoạn đẻ thai và giai đoạn bong rau, sổ rau. Giai đoạn chuyển dạ và những ngày đầu sau đẻ có nhiều nguy cơ nhất đối với sức khỏe, tính mạng bà mẹ và thai nhi do tai biến nhiều khi không lường hết được. Vì thế thông tin tư vấn cho sản phụ trong chuyển dạ là việc làm hết sức cần thiết giúp cho họ giảm nỗi lo sợ, dễ dàng vượt qua thời kỳ khó khăn này.

TƯ VẤN TRONG CHUYỂN DẠ

CHUYỂN DẠ

- Cần luôn luôn động viên sản phụ để giảm bớt nỗi lo âu là điều sản phụ nào cũng có do:

  • Họ đang ở thời kỳ nguy hiểm nhất kể từ khi thai nghén: việc sinh nở liệu có suôn sẻ, "mẹ tròn con vuông" hay không.

  • Người đã trải qua sinh đẻ rồi thì lo không biết diễn biến có nặng nề hơn lần trước hay không. Người con so thì không biết cuộc chuyển dạ sẽ diễn ra thế nào, có đau đớn như người ta nói là phải "banh da xẻ thịt" mới đẻ được ra con hay không.

  • Họ phải ở một nơi xa lạ, không quen biết, không có người thân thích bên cạnh.

  • Liệu các nhân viên y tế có phục vụ chu đáo hay không.

  • Con họ sắp sinh ra có bình thường không, có đáp ứng lòng mong mỏi của họ không (con trai hay gái, khỏe mạnh bình thường, có dị tật nào không).

  • Khi họ đang chuyển dạ ở đây thì ở nhà chồng con họ ra sao. Ai sẽ chợ búa, cơ nước cho gia đình họ... và còn biết bao nhiêu lý do, hoàn cảnh trong gia đình khiến sản phụ không thể thoải mái được. Trong hoàn cảnh đó những lời lẽ thăm hỏi, động viên, khuyến khích, an ủi của nữ hộ sinh (NHS) sẽ giúp họ an tâm, giải tỏa nỗi lo rất nhiều.

- Phải lắng nghe những điều bản thân và gia đình họ lo lắng: có lắng nghe mới hiểu, cảm thông và đưa ra được những lời khuyên nhủ, động viên phù hợp tâm trạng sản phụ lúc đó.
- Phải tôn trọng những truyền thống văn hóa và tôn giáo của sản phụ. Trước nỗi lo âu và đau đớn của bản thân trong thời kỳ chuyển dạ, mỗi sản phụ biểu hiện một cách ứng xử khác nhau: người cắn răng chịu đựng, người rên rỉ hay la hét, người cầu kinh, niệm phật, người khấn tổ tiên cha mẹ phù hộ, cá biệt có người văng tục, chửi bậy trong mỗi cơn đau. Với bất cứ biểu hiện nào của sản phụ lúc này người NHS cần tôn trọng, không bày tỏ thái độ phân biệt, khó chịu mà luôn tìm cách nhẹ nhàng trấn an sản phụ. Với người có lời nói, việc làm kích động cũng cần vui vẻ, nhã nhặn nói chuyện, can ngăn họ. Tuyệt đối không được bày tỏ thái độ phản ứng, gắt gỏng, chê bai hay coi thường.
- Nói (thông báo) với sản phụ và gia đình những điều sẽ diễn ra đối với trường hợp cụ thể của họ như: giờ nào có thể đẻ, diễn biến từ lúc đó tới khi đẻ ra sao, điều gì thuận lợi, điều gì trở ngại cho quá trình tiến triển của cuộc chuyển dạ, đánh giá tiên lượng về trường hợp này của thầy thuốc và NHS ra sao... Nếu có lý do bất thường nào cần sự can thiệp trong lúc sinh (thủ thuật, phẫu thuật) cũng cần thông báo cho sản phụ và gia đình họ biết và bàn bạc, thuyết phục họ chấp nhận.
- Khi cần thiết cũng nên cho sản phụ và gia đình biết những tai biến có thể gặp trong quá trình chuyển dạ, nhất là khi bàn bạc với họ về chỉ định chuyên môn để xử trí trường hợp cụ thể đó. Tuy vậy không được đưa các tai biến để đe dọa, ép buộc sản phụ và gia đình chấp nhận một chỉ định chuyên môn. Khi nói cần tránh các từ chuyên môn khó hiểu và không bao giờ được nói đến từ "không thể cứu được", "không thể qua khỏi", "chết", "tử vong" trước mặt sản phụ. Nếu không may sản phụ bị tai biến đã lâm vào tình trạng quá nặng thì những thông tin về tiên lượng chỉ cung cấp riêng cho người thân thích có trách nhiệm nhất trong gia đình.

TƯ VẤN TRƯỚC SINH

CHUYỂN DẠ

Thời gian từ khi bắt đầu chuyển dạ đến lúc sinh con là khoảng thời gian lâu nhất trong quá trình chuyển dạ, có thể từ 12 đến 16 tiếng và càng gần lúc đẻ tình trạng sản phụ càng nhiều bức xúc (mệt mỏi, đau đớn, lo âu, sợ hãi).
- Trong giai đoạn này nếu có thể nên khuyến khích người chồng, người thân trong gia đình sản phụ hoặc bạn bè cùng có mặt với NHS chăm nom, săn sóc sản phụ. Đây không chỉ đơn giản là hành động "nhân đạo hóa" cơ sở y tế mà còn góp phần quan trọng trong chăm sóc sản phụ nhất là về mặt tinh thần, làm cho cuộc sinh nở không còn là một cực hình mà sản phụ phải một mình chịu đựng.
- Cần thường xuyên cung cấp thông tin qua mỗi lần khám để sản phụ yên tâm chờ đợi, hi vọng.
- Nói rõ phương hướng xử trí khi sản phụ vào cuộc đẻ thực sự (đẻ thường hay đẻ can thiệp và tại sao).

Hướng dẫn sản phụ vận động, đi lại trong phòng (tự đi hay có người dìu đi), các động tác hít vào mạnh và thở ra nhanh khi có cơn đau, cách thư dãn cơ thể, thở sâu đều đặn sau mỗi cơn rặn và cách thổi hơi ra liên tục khi không được rặn nữa. Cũng cần nhắc nhở việc đi tiểu, đại tiện, làm vệ sinh trước mỗi lần thăm khám và cả việc uống nước, uống sữa (nếu không có chống chỉ định).
- Nếu có gì khó khăn, bất thường cũng cần thông báo cho sản phụ và gia đình biết để an tâm và tin ở cách thức chăm sóc, xử trí của cán bộ y tế.

TƯ VẤN SAU SINH

CHUYỂN DẠ

Ngay sau khi sinh, tâm trạng sản phụ thường mỗi người một khác: đa số thấy thoải mái, vì đã "qua cầu thoát nạn". Có người vui sướng khi sinh được đứa con cả gia đình đang mong mỏi nhưng cũng có người buồn phiền, thất vọng vì những hoàn cảnh đặc biệt như con ngoài giá thú, con không đúng với điều mong ước, chồng hoặc gia đình nhà chồng thiếu quan tâm, con bị suy yếu, dị tật... Tất cả các đối tượng này đều cần được tư vấn ngay sau đẻ và cả những ngày đầu sau đẻ.
- Trước hết cung cấp cho sản phụ các thông tin về cuộc sinh nở vừa diễn ra và tình trạng con của họ khi ra đời; chia sẻ với sản phụ niềm vui và hỗ trợ tình cảm của họ trong những tình huống trắc trở. Nếu không có gì cần tránh né, nên bế cháu bé cho bà mẹ nhìn và đặt nằm ngay bên cạnh mẹ để tạo tình cảm mẹ con.
- Cố gắng thuyết phục bà mẹ và gia đình rằng sữa mẹ là thức ăn bổ nhất và an toàn nhất cho sơ sinh. Nhưng cần tôn trọng lòng tin truyền thống, phong tục tập quán và giúp đỡ gia đình họ những điều cần thiết. Ví dụ: gia đình đã chuẩn bị nước đường hay nước cam thảo để đổ cho cháu bé, nếu giải thích họ không nghe thì cần hướng dẫn cho họ cách luộc kỹ chén, thìa và cho trẻ uống tí chút trước khi cho bú sữa non của mẹ.
- Cần hướng dẫn cho sản phụ và gia đình cách theo dõi và chăm sóc cho cả mẹ và con. Nhấn mạnh việc phát hiện băng huyết của sản phụ, tình trạng ngạt và hạ thân nhiệt của sơ sinh trong những giờ đầu.

Hướng dẫn chu đáo việc bú mẹ ngay sau sinh 
- Giải thích những diễn biến bình thường của sản phụ trong những ngày sau đẻ như cơn đau do tử cung co rút, sự thay đổi của sản dịch, xuống sữa, tình trạng đại, tiểu tiện. Giải thích những diễn biến bình thường về con như ngủ gần như cả ngày, các phản xạ bẩm sinh như mút vú, trương lực cơ gấp tăng, cuống rốn khô dần và rụng nhằm giúp sản phụ giảm nỗi lo âu. Ngoài ra cũng cần hướng dẫn những dấu hiệu bất thường có thể diễn ra ở mẹ và con biểu hiện một bệnh hay một biến chứng sau sinh như sốt, sưng nề, nhìn mờ, ra sản dịch hôi; cuống rốn hôi hoặc chảy máu, sưng đau cuống rốn của con, bé bú yếu, li bì... nhằm giúp bà mẹ phát hiện sớm các triệu chứng bất thường để đi khám.
- Khi tư vấn cần chú ý lắng nghe những điều sản phụ bày tỏ, nhất là những điều tâm sự, những nỗi éo le sản phụ muốn được chia sẻ. Tôn trọng các ý kiến, tình cảm cũng như nỗi xúc động của họ và nếu có thể, đưa ra những lời khuyên thích hợp.

Xem thêm thông tin tại đây.

 

 

 

Đang xem: TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ SAU SINH (Chuẩn quốc gia )

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng