Isoprenalin - Thuốc điều trị nhịp tim chậm, block tim, co thắt phế quản
Thông tin dành cho chuyên gia
Isoprenalin là một chất chủ vận beta-adrenergic không chọn lọc catecholamin thường được sử dụng để điều trị nhịp tim chậm và block tim. |
Nguồn gốc: Nghiên cứu isoprenalin vào những năm 1940 cho thấy chất tương tự isopropyl này của epinephrin làm giãn phế quản, cũng như nâng cao nhịp tim và cung lượng tim mà không gây co mạch. Bằng sáng chế của Hoa Kỳ từ năm 1943 tuyên bố rằng hợp chất này có chỉ số điều trị rộng hơn và tác dụng mạnh hơn adrenalin. Isoprenalin được FDA chấp thuận vào ngày 19 tháng 2 năm 1948.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Isoprenalin (Isoproterenol)
Tên biệt dược thường gặp: Isoprenaline , Isoproterenol, Isuprel.
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Viên nén, khí dung, ống tiêm.
Các loại hàm lượng:
Isoprenalin hydroclorid:
- Ống tiêm 2 mg/2 ml; 0,2 mg/1 ml; 1 mg/5 ml; 2 mg/10 ml.
- Viên nén đặt dưới lưỡi 10 mg; 15 mg. Viên nén uống 30 mg.
- Bình xịt khí dung 30 mg/15 ml; 45 mg/22,5 ml; 37,5 mg/15 ml. Bình phun mù 1,24 mg/4 ml; 2,48 mg/4 ml; 1,25 mg/0,5 ml; 75 mg/30 ml; 2,5 mg/0,5 ml; 50 mg/10 ml; 300 mg/60 ml; 100 mg/10 ml.
Isoprenalin sulfat:
- Bình xịt khí dung 30 mg/15 ml; 45 mg/22,5 ml; 32,5 mg/15 ml.
3. Chỉ định
Dạng hít được chỉ định để giảm co thắt phế quản trong hen phế quản cấp và giảm co thắt phế quản còn hồi phục trong đợt cấp hoặc viêm phế quản mạn nặng lên, giảm co thắt phế quản trong gây mê.
Dạng viên nén dùng cho bệnh phân ly nhĩ thất mạn tính như là thuốc điều trị hàng thứ 2, tạm thời khi không có máy tạo nhịp.
Dạng ống tiêm dùng trong trạng thái sốc do tim hoặc nội độc tố, trong các cơn Stockes – Adams cấp tính và các trường hợp cấp cứu tim khác, trong nhịp tim chậm nặng do các thuốc đối kháng adrenergic và disopyramid, và trong nghẽn nhĩ thất do đóng lỗ thông liên thất hoặc bệnh nhân có nhịp chậm sau phẫu thuật.
Isoprenalin truyền tĩnh mạch được dùng để tăng tuần hoàn phổi, giảm huyết áp động mạch phổi và giảm sức cản tĩnh mạch phổi trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn.
Isoprenalin dùng để hỗ trợ chấn đoán bệnh mạch vành: Truyền tĩnh mạch isoprenalin ở bệnh nhân tắc mạch vành sẽ làm tăng cung lượng tim và giảm sức cản ngoại vi nhiều hơn ở người không bị tắc mạch vành.
Isoprenalin dùng để chấn đoán phân loại hở van hai lá.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc chủ vận beta adrenergic không chọn lọc, giãn phế quản, cường giao cảm.
Ở liều điều trị, thuốc ít hoặc không tác dụng lên thụ thể alpha- adrenergic. Tác dụng chủ yếu là giãn cơ trơn; làm giãn phế quản thường dùng dạng hít, còn tác dụng làm tăng tần số tim chỉ xuất hiện khi dùng thường xuyên. Trường hợp nhịp tim nhanh và run do isoprenalin gây khó chịu cho người bệnh, nên giảm liều và dùng thêm ipratropium sẽ duy trì được giãn phế quản kèm theo giảm tác dụng phụ.
Isoprenalin kích thích thần kinh trung ương nhưng hiếm gặp ở liều điều trị. Isoprenalin làm tăng thủy phân glycogen ở gan đồng thời tăng tiết insulin, do đó ít làm tăng glucose huyết
Cơ chế tác dụng:
Isoprenalin tác dụng trực tiếp lên thụ thể beta-adrenergic. Isoprenalin làm giãn phế quản, cơ trơn dạ dày ruột và tử cung bằng cách kích thích thụ thể beta2-adrenergic. Thuốc cũng làm giãn mạch ở tất cả các mạch máu. Ngoài ra, khi dùng đường tiêm hoặc hít, isoprenalin ức chế giải phóng histamin do kháng nguyên gây ra, ức chế chất phản ứng chậm của phản vệ SRS-A, giảm nhẹ co thắt phế quản, làm tăng dung tích sống của phổi, làm giảm thể tích cặn trong phổi và làm các dịch tiết ở phổi dễ dàng thoát ra ngoài. Isoprenalin tác động lên các thụ thể betaj- adrenergic ở tim, làm tăng tần số thông qua nút xoang nhĩ, tăng co bóp cơ tim.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Isoprenalin hấp thu nhanh sau khi hít bằng đường miệng, mức độ hấp thu dạng đặt dưới lưỡi và đặt trực tràng rất biến động. Isoprenalin chuyển hóa nhanh ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, dạng uống, khí dung, đặt dưới lưỡi và đặt trực tràng không còn được bán ở Mỹ.
Giãn phế quản xảy ra nhanh ngay sau khi hít thuốc vào và kéo dài khoảng 1 giờ. Tác dụng của thuốc tồn tại vài phút sau khi tiêm tĩnh mạch và 2 giờ sau khi tiêm dưới da hoặc đặt dưới lưỡi, và 2 – 4 giờ sau khi đặt trực tràng một viên ngậm dưới lưỡi.
Phân bố
Hiện chưa rõ thuốc có phân bố trong sữa không.
Chuyển hóa
Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan và các mô khác, nhờ enzym catecholamin-O- methyltransferase.
Thải trừ
Trong vòng 48 giờ sau khi uống hoặc hít, 50 – 80% liều bài tiết qua nước tiểu dưới dạng liên hợp isoprenalin sulfat, khoảng 5 – 15% ở nguyên dạng và dưới 15% ở dạng 3-O-methylisoproterenol liên hợp hoặc tự do.
Ở người lớn bị hen, 75% isoprenalin bài tiết qua nước tiểu sau 15 giờ, khi tiêm tĩnh mạch cả liều và sau 22 giờ, khi truyền tĩnh mạch 30 phút.
Khi hít, isoprenalin tác dụng giãn phế quản nhanh và cũng thải trừ nhanh khỏi máu và do vậy không gây tích tụ thuốc
* Nhi khoa
Ở trẻ em mắc bệnh nặng, sau khi tiêm tĩnh mạch, 40 – 50% liều dùng bài xuất qua nước tiểu nguyên dạng và phần còn lại dưới dạng 3-O-methylisoproterenol.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Có nhiều dạng bào chế cho đường uống, đường tiêm hoặc đường khí dung.
5.1.1 Đường khí dung
Giảm co thắt phế quản trong hen cấp:
Trẻ em:
- Khí dung qua miệng: 1 – 2 liều xịt, cho tới 6 lần/ngày.
- Phun sương: 0,01 ml/kg, dung dịch 1%, liều tối thiểu 0,1 ml; liều tối đa 0,5 ml pha vào 2 – 3 ml dung dịch natri clorid đẳng trương; liều tương đương khi dùng dung dịch 0,25% và 0,5% có thể không pha loãng.
- Bình xịt isoprenalin sulfat 0,4% chỉ được dùng cho trẻ em đáp ứng với thuốc giãn phế quản dưới sự giám sát của người lớn.
Người lớn:
- Khí dung qua miệng: 1 – 2 liều xịt, 4 – 6 lần/ngày.
- Phun sương: 0,25 – 0,5 ml dung dịch 1% pha vào 2 – 3 ml dung dịch natri clorid đẳng trương; liều tương đương khi dùng dung dịch 0,25% và 0,5%, có thể không pha loãng.
- Khi dùng bình khí dung có định liều, phải chờ đủ 1 phút để xác định tác dụng của thuốc trước khi xem xét cho hít lần thứ 2.
- Nếu 3 – 5 lần xịt trong vòng 6 – 12 giờ mà không đỡ hoặc đỡ rất ít thì không nên tiếp tục điều trị khí dung đơn độc.
5.1.2 Đường uống
Điều trị hen mạn tính ở người lớn và trẻ em.
Điều trị phân ly nhĩ thất mạn tính, dùng thuốc hàng thứ hai isoprenalin, phương pháp tạm thời trong điều kiện không có tạo nhịp:
Người lớn và cao tuổi:
- Liều lượng phải phù hợp cho từng người bệnh. Bắt đầu điều trị, tốt nhất nên thực hiện ở bệnh viện với các phương tiện sẵn sàng để giám sát điện tâm đồ và hồi sức tim mạch.
- Liều khởi đầu là 1 viên nén (30 mg) cách 6 giờ một lần và có thể tăng nhanh nếu cần. Liều hàng ngày trong khoảng từ 90 mg ở một số người bệnh đến 840 mg ở một số người bệnh khác với khoảng cách cho thuốc khác nhau từ 8 giờ tới 2 giờ. Liều tối ưu là liều kiểm soát tốt tần số tim và có tác dụng phụ tối thiểu.
- Phải nuốt cả viên, không dùng loại viên này để đặt dưới lưỡi.
Trẻ em: Chống chỉ định.
5.1.3 Thuốc tiêm
Thuốc tiêm thường được truyền tĩnh mạch với dextrose 5% hoặc nước cất pha tiêm theo tỷ lệ 1:50 000 (20 microgam/ml) và được dùng trong các trường hợp sau:
Người lớn và cao tuổi:
- Tình trạng sốc: Truyền 0,5 – 5 microgam/phút.
- Cơn Stokes – Adams cấp tính: Truyền 4 – 8 microgam/phút
- Nhịp tim chậm nặng: Truyền 1 – 4 microgam/phút
- Trẻ em: Điều chỉnh liều trên theo trọng lượng cơ thể.
- Loạn nhịp: 0,1 microgam/kg/phút
5.2. Chống chỉ định
- Dị ứng với sulfit hoặc isoprenalin hoặc các amin tác dụng giống thần kinh giao cảm khác.
- Bệnh tim nặng.
- Các loại loạn nhịp nhanh.
- Cường giáp không kiểm soát; hội chứng cường giáp.
- Bệnh mạch vành cấp; tăng huyết áp nặng.
- Người bệnh dễ bị rung thất hoặc nhịp nhanh thất.
- Tiền sử bị loạn nhịp thất.
- Nhịp nhanh hoặc blốc nhĩ thất gây ra do ngộ độc glycosid trợ tim.
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
Người cao tuổi, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tim mạch, cường giáp. Sử dụng thuốc quá nhiều và kéo dài sẽ giảm tác dụng.
Isoprenalin chỉ được dùng trong phản vệ ở người bệnh được điều trị với thuốc chẹn beta. Ngoài trường hợp đó ra, bao giờ cũng phải dùng adrenalin để điều trị phản vệ.
Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.
Cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.
5.4. Tác dụng không mong muốn
ADR nặng rất ít xảy ra đặc biệt khi dùng thuốc dạng hít. Phần lớn các ADR giảm nhanh khi ngừng thuốc hoặc có thể giảm đi trong khi vẫn đang dùng thuốc.
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Hệ thần kinh | Bồn chồn, lo lắng, đau đầu, chóng mặt, yếu cơ. | x | |||||
Nội tiết và chuyển hóa | Tăng glucose huyết thanh, giảm kali huyết thanh. | x | |||||
Tim | Nhịp nhanh, đánh trống ngực, đau vùng trước tim, đau kiểu đau thắt ngực. | x | |||||
Mạch máu | Huyết áp thấp / Huyết áp cao | x | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Khó thở. | x | |||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, nôn. | x | |||||
Da và mô dưới da | Da bừng đỏ, run, ra mồ hôi. | x |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Thuốc đã được dùng nhiều năm cho phụ nữ mang thai mà không gây hậu quả xấu rõ rệt. Vì vậy, nếu cần thiết, có thể dùng thuốc cho phụ nữ mang thai khi không có thuốc thay thế an toàn hơn.
Cho con bú
Chưa có thông tin về sự bài tiết ra sữa. Khi dùng cho phụ nữ cho con bú cần thận trọng
Khả năng sinh sản
Chưa có thông tin.
5.6. Tương tác thuốc
- Dùng đồng thời với adrenalin, aminophylin và phần lớn các thuốc giãn phế quản giống thần kinh giao cảm khác có thể làm tăng tác dụng và tăng độc với tim.
- Dùng isoprenalin cho người bệnh đang dùng cyclopropan hoặc thuốc mê họ halogen có thể gây loạn nhịp. Dùng thuốc phải thận trọng hoặc không dùng khi người bệnh đang dùng các thuốc mê này. Tác dụng isoprenalin lên tim, tác dụng giãn phế quản và giãn mạch sẽ bị đối kháng bởi thuốc chẹn beta-adrenergic như propranolol. Có thể dùng propranolol để điều trị nhịp tim nhanh do isoprenalin nhưng không nên dùng cho người bị hen vì có thể làm tăng co thắt phế quản.
- Khi dùng đồng thời với các glycosid tim, thuốc chống trầm cảm, dẫn chất xanthin, các thuốc mê, thyroxin, có thể làm cơ tim thêm nhạy cảm.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Run, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp, tăng tần số tim, kích thích hệ thần kinh trung ương.
Xử trí
Ngừng ngay thuốc, hỗ trợ các chức năng sống cho đến khi người bệnh ổn định. Thuốc chẹn beta-adrenergic có thể làm giảm tác dụng độc và phải theo dõi sát tần số tim. Thấm phân máu không có tác dụng trong trường hợp này.
Viết bình luận