Thuốc nhỏ mắt Natamycin - Thuốc chống nấm
Thông tin dành cho chuyên gia
Natamycin là một loại thuốc kháng nấm macrolid được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm ở mắt. |
Nguồn gốc: Natamycin, còn được gọi là pimaricin, là một loại thuốc kháng nấm được sử dụng để điều trị nhiễm nấm quanh khu vực mắt. Natamycin là một chất do Streptomyces natalensis tạo ra trong quá trình phát triển. Natamycin được phát hiện vào năm 1955 và được chấp thuận cho sử dụng y tế tại Hoa Kỳ vào năm 1978.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Natamycin
Tên biệt dược thường gặp: Aumnata
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: hỗn dịch nhỏ mắt
Các loại hàm lượng: Hỗn dịch 5% (Natamycin 50 mg).
3. Chỉ định
Điều trị tại chỗ: Viêm bờ mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc do các chủng nấm nhạy cảm, bao gồm cả Fusarium solani. Thuốc thâm nhập kém và hầu như không có tác dụng đối với nhiễm nấm ở vị trí sâu như nấm sừng.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: thuốc chống nấm tại chỗ
Cơ chế tác dụng: Natamycin có tác dụng chống nấm do liên kết với các sterol ở màng tế bào nấm, làm biến đổi tính thấm và chức năng của màng, nên kali và các thành phần tế bào thiết yếu khác bị cạn kiệt. Cơ chế tác dụng này tương tự như cơ chế của amphotericin B và nystatin.
In vitro, ở nồng độ 1 - 25 mcg/ml thuốc có thể ức chế các chủng nấm Aspergillus, Candida, Cephalosporium, Curvularia, Fusarium, Penicillinum, Microsporum, Epidermophyton, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis, Cryptococcus neoformans, Histoplasma capsulatum và Sporothrix schenckii. Nồng độ tối thiểu ức chế (MIC) hầu hết các nấm nhạy cảm là 1 - 10 mcg/ml. Ngoài ra, natamycin còn có tác dụng lên Trichomonas vaginalis. Thuốc không có tác dụng lên các vi khuẩn Gram dương, Gram âm và các virus.
Thuốc có tác dụng diệt nấm nhưng người bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm nếu không giữ vệ sinh và tránh lây nhiễm từ nguồn có nấm (quần áo, khăn mặt…).
4.2. Dược động học
Khi nhỏ vào mắt, thuốc có trong tổ chức đệm giác mạc với nồng độ có tác dụng điều trị, nhưng không vào được các dịch nhãn cầu và không hấp thu vào trong cơ thể.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
- Viêm bờ mi, viêm kết mạc do nấm nhạy cảm: Điều trị ban đầu, nhỏ 1 giọt hỗn dịch 5% vào túi kết mạc, từ 4 – 6 lần mỗi ngày.
- Viêm giác mạc do nấm nhạy cảm: Điều trị ban đầu, nhỏ 1 giọt hỗn dịch 5% vào túi kết mạc mắt bị nhiễm, cứ 1 – 2 giờ/lần. Sau 3 – 4 ngày điều trị, thường có thể giảm số lần nhỏ thuốc khoảng 6 – 8 lần mỗi ngày. Trong nhiều trường hợp, liều có thể giảm dần cách nhau 4 – 7 ngày/1 lần giảm. Nếu sau 7 – 10 ngày điều trị mà không có dấu hiệu cải thiện, cần thay đổi thuốc khác. Nếu có đáp ứng tốt, natamycin thường phải tiếp tục dùng trong 14 – 21 ngày hoặc cho tới khi không còn dấu hiệu viêm giác mạc tiến triển nữa.
5.2. Chống chỉ định
- Dị ứng với natamycin.
- Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Để tránh bị bội nhiễm, không được dùng natamycin đồng thời với corticosteroid tại chỗ trong thời gian điều trị nhiễm nấm ở mắt.
5.3. Thận trọng
- Để tránh vấy bẩn, không được chạm vào đầu nhỏ thuốc.
- Nên lắc kỹ thuốc trước khi sử dụng.
- Nếu không giảm viêm kết mạc sau 7 – 10 ngày điều trị thì tác nhân gây bệnh có thể không nhạy cảm với natamycin. Nên đánh giá lại kết quả lâm sàng và làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để quyết định có tiếp tục điều trị hay không.
- Thường xảy ra sự kết dính của hỗn dịch với vùng biểu mô bị loét và sự kết tụ hỗn dịch ở túi cùng kết mạc. Vì số bệnh nhân sử dụng natamycin có hạn chế nên có thể có những tác dụng ngoại ý chưa được biết. Do đó nên theo dõi bệnh nhân dùng natamycin ít nhất hai lần một tuần. Ngưng thuốc nếu thấy nghi ngờ có độc tính.
5.4. Tác dụng không mong muốn
- Kích ứng mắt, mắt đỏ, sưng mắt.
- Sưng huyết và phù nề kết mạc cũng được báo cáo, nguyên nhân được cho là dị ứng tự nhiên.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Chưa có nghiên cứu về natamycin đối với sự sinh sản trên súc vật. Natamycin cũng chưa được xác định là có gây quái thai hay ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Thuốc này chỉ nên dùng cho phụ nữ có thai khi thật cần thiết.
Cho con bú
Chưa biết được thuốc có bài tiết qua sữa hay không. Bởi vì nhiều thuốc bài tiết qua sữa mẹ, nên thận trọng khi dùng natamycin cho phụ nữ đang nuôi con bú..
5.6. Tương tác thuốc
Dùng đồng thời với corticosteroid tại chỗ, có nguy cơ thúc đẩy nhiễm khuẩn lan rộng.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Không có tài liệu. Tuy nhiên ít có khả năng quá liều vì thuốc chủ yếu được dùng tại chỗ và hấp thu kém ở đường tiêu hóa.
Xử trí
Do không có thuốc giải độc đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ nâng đỡ cơ thể.
Viết bình luận