Thuốc tiêm Alteplase - Thuốc chống huyết khối
Thông tin dành cho chuyên gia
Alteplase là một dạng tái tổ hợp của chất hoạt hóa plasminogen mô người được sử dụng trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, nghẽn mạch phổi. |
Nguồn gốc: Alteplase, một chất hoạt hóa plasminogen mô của người (t-PA) sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp, là thuốc tan huyết khối. Alteplase được chấp thuận sử dụng trong y tế tại Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1987 để điều trị nhồi máu cơ tim.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Alteplase
Tên biệt dược thường gặp: Actilyse
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Bột đông khô pha tiêm
Các loại hàm lượng: Alteplase 50 mg
3. Chỉ định
- Nhồi máu cơ tim cấp
- Nghẽn mạch phổi cấp, nặng
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp (chỉ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thần kinh)
- Khôi phục chức năng thông tĩnh mạch trung tâm
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc tan huyết khối
Cơ chế tác dụng: Alteplase làm tan cục huyết khối bằng cách gắn vào fibrin và làm tăng tốc độ chuyển plasminogen thành plasmin. Plasmin là một serin protease tương đối không đặc hiệu có khả năng thoái biến fibrin, fibrinogen và các protein đồng yếu tố đông máu khác, ví dụ các yếu tố V, VIII và XII. Alteplase có ái lực cao với fibrin, nhưng rất ít tác dụng đến các giai đoạn khác trong hệ đông máu. Thuốc không có tính chất kháng nguyên. Trong nhồi máu cơ tim cấp, điều trị bằng chất hoạt hóa plasminogen mô nhằm tăng tái tưới máu của động mạch vành, giảm được kích cỡ nhồi máu, giảm được nguy cơ suy tim sau nhồi máu và giảm tử vong. Cần phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 6 giờ, chậm nhất là 12 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Alteplase dùng tiêm tĩnh mạch. Thuốc không hấp thu qua đường tiêu hóa. Alteplase nội sinh tồn tại trong huyết tương dưới dạng tự do và dưới dạng phức hợp trong tuần hoàn với các chất ức chế protease trong huyết tương.
Phân bố
Chưa có thông tin.
Chuyển hóa
Alteplase được chuyển hóa chủ yếu qua gan.
Thải trừ
Thuốc đào thải nhanh ra khỏi máu chủ yếu qua gan với độ thanh thải khoảng 550 - 650 ml/phút.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
- Nhồi máu cơ tim cấp:
- Alteplase tiêm tĩnh mạch càng sớm càng tốt sau khi có triệu chứng đầu tiên với tổng liều là 100 mg; tổng liều không được quá 1,5 mg/kg cho người bệnh cân nặng dưới 65 kg.
- Tổng liều 100 mg có thể cho trong 1,5 giờ (phác đồ nhanh) hoặc trong 3 giờ. Nên dùng phác đồ nhanh khi điều trị nhồi máu cơ tim trong vòng 6 giờ; còn phác đồ 3 giờ nên dùng khi nhồi máu cơ tim quá 6 giờ.
- Tiêm trong 1,5 giờ (phác đồ nhanh): Tiêm ngay cả liều 15 mg vào tĩnh mạch, sau đó truyền tĩnh mạch 0,75 mg/kg trong 30 phút, tối đa không quá 50 mg, số còn lại truyền tiếp trong 60 phút sau.
- Tiêm trong 3 giờ: Tiêm ngay cả liều 10 mg vào tĩnh mạch, sau đó tiêm truyền tĩnh mạch 50 mg trong 1 giờ, tiếp theo truyền 40 mg còn lại trong 2 giờ tiếp sau.
- Nghẽn mạch phổi nặng, cấp:
- Cho tổng liều 100 mg; tổng liều không được quá 1,5 mg/kg cho người bệnh có thể trọng dưới 65 kg.
- Khởi đầu tiêm tĩnh mạch cả liều 10 mg trong 1 - 2 phút.
- Lượng thuốc còn lại tiêm truyền tĩnh mạch trong 2 giờ. Dùng kết hợp heparin tiêm tĩnh mạch với điều trị thuốc hoạt hóa plasminogen mô.
- Phải bắt đầu điều trị heparin trong giờ đầu và tiếp tục trong 24 - 48 giờ.
- Liều thích hợp là 60 đvqt/kg (tối đa 4000 đvqt) tiêm cả liều một lúc, sau đó truyền liên tục 12 đvqt/kg/giờ (tối đa 1000 đvqt/giờ).
- Cần điều chỉnh liều để đạt aPTT ấn định (thời gian hoạt hóa từng phần thromboplastin) ở trong khoảng 1,5 - 2 giá trị bình thường.
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp:
- Cho liều trong vòng 3 giờ đầu từ khi có triệu chứng đầu tiên.
- Tổng liều: 0,9 mg/kg (tối đa 90 mg) trong 60 phút.
- Người bệnh ≤ 100 kg: Tiêm ngay cả liều 0,09 mg/kg (10% liều 0,9 mg/kg) vào tĩnh mạch trong 1 phút, tiếp tục truyền tĩnh mạch liên tục 0,81 mg/kg (90% liều 0,9 mg/kg) trong 60 phút.
- Người bệnh > 100 kg: Tiêm ngay cả liều 9 mg (10% liều 90 mg) vào tĩnh mạch trong 1 phút, tiếp tục truyền tĩnh mạch liên tục 81 mg (90% liều 90 mg) trong 60 phút.
- Khôi phục chức năng thông tĩnh mạch trung tâm:
- Nhỏ giọt alteplase nồng độ 1 mg/ml vào catheter.
- Liều dùng cho một xoang; đối với catheter đa xoang, xử lý mỗi lần một xoang.
- Liều thường dùng là 2 mg, sau 2 giờ nhắc lại liều nếu cần thiết. Tổng liều không quá 4 mg.
- Người bệnh < 30 kg: Liều dùng là 110% thể tích bên trong của catheter, không được quá 2 mg/2 ml, giữ trong catheter từ 0,5 đến 2 giờ. Sau 2 giờ có thể nhắc lại liều nếu catheter vẫn còn bị tắc.
- Người bệnh ≥ 30 kg: Liều dùng là 2 mg (2 ml), giữ trong catheter từ 0,5 đến 2 giờ. Sau 2 giờ có thể nhắc lại liều nếu catheter vẫn còn bị tắc.
5.2. Chống chỉ định
- Chống chỉ định dùng liệu pháp alteplase trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp vì làm tăng nguy cơ chảy máu trong những trường hợp sau:
- Cơ địa chảy máu, nguy cơ chảy máu và đang điều trị chống đông uống
- Có tiền sử đột quỵ chảy máu, tiền sử tai biến mạch máu não
- Chảy máu nội tạng nhiều (đường tiêu hóa hoặc tiết niệu - sinh dục)
- Mới qua phẫu thuật trong não hoặc trong cột sống trong vòng 2 tháng trở lại
- Phình động mạch - tĩnh mạch hoặc biến dạng động mạch - tĩnh mạch
- U ác tính trong sọ
- Tăng huyết áp nặng không kiểm soát.
- Chống chỉ định dùng liệu pháp alteplase trong điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp vì làm tăng nguy cơ chảy máu có thể dẫn tới bất lực đáng kể hoặc tử vong trong những trường hợp sau:
- Đột quỵ kèm theo co giật
- Đột quỵ nặng
- Tiền sử đột quỵ ở người đái tháo đường
- Đột quỵ hoặc tổn thương nặng ở đầu trong vòng 3 tháng
- Giảm glucose huyết (< 50 mg/100 ml)
- Tăng glucose huyết (> 400 mg/100 ml)
- Có bằng chứng chảy máu nội sọ hoặc nghi chảy máu dưới màng nhện (đánh giá trước điều trị)
- Mới qua phẫu thuật nội sọ hoặc nội cột sống (trong vòng 3 tháng)
- Xoa bóp tim ngoài lồng ngực kéo dài
- Nghi có mổ động mạch chủ
- Phẫu thuật lớn hoặc chấn thương nặng ở đầu trong vòng 2 tuần
- Tiền sử xuất huyết nội sọ
- Tăng huyết áp không kiểm soát ở thời điểm điều trị (tâm thu > 185 mmHg hoặc tâm trương > 110 mmHg)
- Tăng huyết áp phải điều trị ngay lúc bắt đầu đột quỵ
- Chảy máu nội tạng nhiều (trong vòng 3 tuần)
- U ác tính nội sọ
- Biến dạng hoặc phình động mạch - tĩnh mạch
- Cơ địa chảy máu bao gồm mà không giới hạn vào người bệnh hiện đang sử dụng thuốc chống đông, đang có thời gian prothrombin > 15 giây hoặc có INR (tỉ lệ chuẩn hóa quốc tế) > 1,7
- Sử dụng heparin trong vòng 48 giờ trước khi bắt đầu có đột quỵ và có thời gian hoạt hóa từng phần thromboplastin (aPTT) tăng (đánh giá trước điều trị)
- Có số lượng tiểu cầu < 100000/mm3.
- Những tiêu chuẩn loại bỏ khác:
- Điều trị tấn công bắt buộc để hạ thấp huyết áp
- Chọc động mạch tại vị trí không ép được
- Mới qua chọc đốt sống thắt lưng trong vòng 1 tuần
- Đánh giá lâm sàng gợi ý có viêm ngoại tâm mạc sau nhồi máu cơ tim.
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Mới qua phẫu thuật lớn (ghép động mạch có tim nhân tạo, sinh đẻ của sản phụ, sinh thiết một cơ quan của cơ thể, trước đây đã chọc vào mạch máu không ép được)
- Bệnh mạch não
- Mới bị chảy máu đường tiêu hóa hoặc đường sinh dục - tiết niệu
- Mới bị chấn thương
- Tăng huyết áp (tâm thu > 175 mmHg và/hoặc tâm trương > 110 mmHg)
- Có nhiều khả năng có cục đông máu ở tim trái (hẹp van 2 lá có rung tâm nhĩ)
- Viêm ngoại tâm mạc cấp
- Viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn
- Các khuyết tật cầm máu bao gồm khuyết tật do rối loạn nghiêm trọng gan và thận
- Rối loạn gan đáng kể
- Bệnh võng mạc xuất huyết do đái tháo đường hoặc những bệnh mắt khác bị xuất huyết
- Viêm tĩnh mạch huyết khối nhiễm khuẩn huyết hoặc ống thông nhĩ thất bị tắc tại vị trí bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng
- Tuổi cao (trên 75 tuổi)
- Người bệnh đang dùng thuốc uống chống đông, bất cứ bệnh nào trong đó chảy máu gây nguy hiểm đáng kể hoặc do vị trí chảy máu khiến phải xử trí đặc biệt khó khăn.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Hệ miễn dịch | Phản ứng quá mẫn | X | |||||
Sốc phản vệ nghiêm trọng | X | ||||||
Hệ thần kinh | Co giật, rối loạn ngôn ngữ, mê sảng, hội chứng não cấp tính, lích động, lú lẫn, trầm cảm | X | |||||
Tim | Tái phát thiếu máu cục bộ, suy tim | X | |||||
Shock tim, ngừng tim | X | ||||||
rối loạn nhịp tim, trào ngược van hai lá, thông liên thất | X | ||||||
Mạch máu | Hạ huyết áp | X | |||||
Thuyên tắc có thể dẫn đến hậu quả tương ứng ở các cơ quan liên quan | X | ||||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Thuyên tắc phổi | X | |||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn | X | |||||
Nôn | X | ||||||
Sự xuất huyết | Xuất huyết trong não | X | |||||
Tụ máu não, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết hầu họng, xuất huyết đường tiêu hóa (xuất huyết dạ dày, xuất huyết trực tràng, chảy máu lợi), xuất huyết niệu sinh dục (tiểu ra máu), xuất huyết tại chỗ tiêm | X | ||||||
Xuất huyết phổi, chảy máu cam, xuất huyết tai | X | ||||||
Xuất huyết mắt, xuất huyết màng ngoài tim, chảy máu sau phúc mạc | X | ||||||
Xuất huyết gan | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Chất hoạt hóa plasminogen mô làm tăng nguy cơ chảy máu, vì vậy chỉ được phép dùng thuốc này cho những chỉ định khẩn cấp trong điều kiện và cơ sở có sẵn thiết bị và cán bộ có khả năng xử trí được chảy máu.
Cho con bú
Không có dữ liệu về tích tụ alteplase trong sữa mẹ, nhưng không chắc là glucopeptid này có thể hấp thu nguyên vẹn qua đường tiêu hóa của đứa trẻ. Cần thận trọng khi dùng alteplase trong thời kỳ cho con bú.
5.6. Tương tác thuốc
- Aspirin và heparin đã được dùng cùng và sau khi tiêm truyền alteplase trong xử trí nhồi máu cơ tim cấp và nhồi máu phổi. Vì heparin, aspirin hoặc alteplase có thể gây biến chứng chảy máu, nên cần theo dõi cẩn thận về chảy máu, đặc biệt ở vị trí chọc động mạch.
- Cefamandol, cefoperazon, cefotetan, acid valproic: Những thuốc này có thể gây hạ prothrombin huyết, ngoài ra acid valproic có thể ức chế kết tụ tiểu cầu. Dùng đồng thời với thuốc tiêu huyết khối có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nặng, vì vậy không nên dùng.
- Corticosteroid, acid ethacrynic hoặc salicylat: Có thể xảy ra loét hoặc chảy máu dạ dày trong khi điều trị bằng những thuốc này và gây tăng nguy cơ chảy máu nặng ở những người bệnh dùng liệu pháp tiêu huyết khối.
- Tăng tác dụng/độc tính: Alteplase có thể làm tăng mức độ/tác dụng của các chất chống đông, của drotrecogin alfa.
- Mức độ/tác dụng của alteplase có thể tăng lên bởi các tác nhân kháng tiểu cầu, các dược thảo (có tính chất chống đông, kháng tiểu cầu), các chất chống viêm không steroid, các salicylat.
- Giảm tác dụng: Mức độ/tác dụng của alteplase có thể giảm bởi aprotinin, nitroglycerin.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Thông tin về ngộ độc cấp alteplase còn giới hạn. Nhìn chung, alteplase ở người với liều quy định vẫn có thể gây tăng quá mức các tác dụng dược lý và ngoại ý, chủ yếu là tác dụng trên cầm máu. Vì vậy phải thận trọng khi sử dụng thuốc này.
Xử trí
Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần chờ sự tái tạo sinh lý của các yếu tố này sau khi kết thúc liệu pháp alteplase. Tuy nhiên, nếu chảy máu nghiêm trọng, nên truyền huyết tương tươi đông lạnh và nếu cần, có thể dùng thuốc chống tiêu sợi huyết tổng hợp.
Viết bình luận