Thuốc tiêm Eptifibatid - Thuốc chống huyết khối
Thông tin dành cho chuyên gia
Eptifibatid là chất ức chế glycoprotein IIb/IIIa có cấu trúc peptid, được sử dụng trong nhồi máu cơ tim. |
Nguồn gốc: Eptifibatid là một heptapeptid mạch vòng tổng hợp có chứa sáu acid amin, bao gồm một cystein amid và một gốc mercaptopropionyl (desamino cysteinyl), là một chất ức chế kết tập tiểu cầu và thuộc nhóm RGD (arginin-glycin-aspartat). Heptapeptid này có nguồn gốc từ protein disgrin được tìm thấy trong nọc độc của rắn Sistrurus miliarius barbouri.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Eptifibatid
Tên biệt dược thường gặp: Integrilin
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Dung dịch tiêm truyền
Các loại hàm lượng: Eptifibatid 0,75 mg/ml; 2 mg/ml
3. Chỉ định
Eptifibatid chỉ định phối hợp với aspirin và heparin không phân đoạn (UFH) để phòng ngừa:
- Nhồi máu cơ tim sớm ở người lớn có biểu hiện đau thắt ngực không ổn định.
- Nhồi máu cơ tim không sóng Q, với cơn đau ngực cuối cùng xảy ra trong vòng 24 giờ và có biến đổi trên điện tâm đồ (ECG) và/hoặc tăng men tim
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu
Cơ chế tác dụng: Eptifibatid ức chế một cách thuận nghịch sự kết tập tiểu cầu bằng cách ngăn chặn sự gắn kết của fibrinogen, yếu tố Von Willebrand và các phối tử kết dính khác vào các thụ thể glycoprotein (GP) IIb/IIIa. Khi tiêm tĩnh mạch, eptifibatid ức chế kết tập tiểu cầu ex vivo theo cách phụ thuộc vào liều lượng và nồng độ. Sự ức chế kết tập tiểu cầu có thể đảo ngược sau khi ngừng truyền eptifibatid; điều này được cho là kết quả của sự phân ly eptifibatid khỏi tiểu cầu.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Dược động học của eptifibatid là tuyến tính và tỷ lệ với liều lượng đối với liều truyền tĩnh mạch nhanh từ 90 đến 250 mcg/kg và tốc độ truyền từ 0,5 đến 3 mcg/kg/phút. Đối với liều tiêm truyền 2,0 microgam/kg/phút, nồng độ eptifibatid trong huyết tương ở trạng thái cân bằng trung bình nằm trong khoảng từ 1,5 đến 2,2 microgam/ml ở bệnh nhân bệnh mạch vành. Nồng độ này trong huyết tương đạt được nhanh chóng khi sử dụng trước 1 liều bolus 180 microgram/kg.
Phân bố
Mức độ liên kết của eptifibatid với protein huyết tương của người là khoảng 25%.
Chuyển hóa
Chuyển hóa thành các chất phân cực.
Thải trừ
Các chất chuyển hóa đào thải qua thận. Thời gian bán thải eptifibatid trong huyết tương khoảng 2,5 giờ. Độ thanh thải khoảng 55 mL/kg/h.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
- Người lớn (≥ 18 tuổi) có biểu hiện đau thắt ngực không ổn định (UA) hoặc nhồi máu cơ tim không sóng Q (NQMI):
- Liều khuyến cáo tiêm tĩnh mạch bolus là 180 microgram/kg, tiêm càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán, sau đó là truyền liên tục 2 microgram/kg/phút trong tối đa 72 giờ, cho đến khi bắt đầu thực hiện phẫu thuật bắt cầu động mạch vành (CABG) hoặc cho đến khi xuất viện (tùy điều kiện nào xảy ra trước).
- Nếu can thiệp mạch vành qua da (PCI) được thực hiện trong khi điều trị bằng eptifibatid, tiếp tục tiêm truyền trong vòng 20-24 giờ sau PCI nên tổng thời gian điều trị là 96 giờ.
- Phẫu thuật cấp cứu hoặc phẫu thuật bán cấp:
- Nếu bệnh nhân cần cấp cứu hoặc phẫu thuật tim khẩn cấp trong quá trình điều trị bằng eptifibatid, ngừng truyền thuốc ngay lập tức.
- Nếu bệnh nhân cần phẫu thuật bán cấp, ngừng truyền eptifibatid và chờ đợi trong 1 khoảng thời gian thích hợp cho chức năng tiểu cầu trở lại bình thường.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với eptifibatid
- Có bằng chứng về xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết đường niệu sinh dục hoặc xuất huyết bất thường khác trong vòng 30 ngày trước khi điều trị.
- Tiền sử đột quỵ trong vòng 30 ngày hoặc tiền sử xuất huyết não.
- Tiền sử bệnh lý nội sọ đã biết (ung thư, dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch não).
- Đại phẫu hoặc chấn thương nặng trong vòng 6 tuần qua.
- Tiền sử mắc các bệnh ưa chảy máu.
- Giảm tiểu cầu (< 100.000 tế bào/mm3).
- Thời gian prothrombin > 1,2 lần giá trị chứng hoặc tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR) ≥ 2,0.
- Tăng huyết áp nặng (huyết áp tâm thu > 200 mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg trong khi đang điều trị với thuốc hạ áp).
- Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút) hoặc phụ thuộc vào lọc thận.
- Suy gan nghiêm trọng trên lâm sàng.
- Dùng đồng thời hoặc có ý định sử dụng một chất ức chế glycoprotein (GP) IIb/IIIa đường tiêm khác.
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Bệnh nhân làm thủ thuật can thiệp động mạch vành qua da vì chảy máu thường gặp nhất tại vị trí tiếp cận động mạch. Các vị trí có thể chảy máu (ví dụ, vị trí đặt catheter; động mạch, tĩnh mạch hoặc nơi tiếp xúc với kim tiêm; vị trí các vết cắt; đường tiêu hóa và sinh dục) phải được theo dõi cẩn thận.
- Khi sử dụng với các sản phẩm thuốc khác có ảnh hưởng đến quá trình đông máu, bao gồm ticlopidin, clopidogrel, thuốc tiêu sợi huyết, thuốc chống đông đường uống, dung dịch dextran, adenosin, sulfinpyrazon, prostacyclin, thuốc chống viêm không steroid, hoặc dypyridamol.
- Ở những bệnh nhân được chỉ định điều trị tiêu sợi huyết (nhồi máu cơ tim cấp tính xuyên thành với sóng Q bệnh lý mới hoặc đoạn ST chênh lên hoặc block nhánh trái trên điện tâm đồ) vì kinh nghiệm điều trị với eptifibatid còn hạn chế.
- Bệnh nhân cần điều trị tiêu sợi huyết hoặc nếu bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật bắt cầu mạch vành (CABG) khẩn cấp hoặc cần bơm bóng trong động mạch chủ, nên ngưng truyền eptifibatid ngay lập tức.
- Giảm tiểu cầu, bao gồm giảm tiểu cầu nặng cấp tính, đã được quan sát thấy sau khi eptifibatid được đưa ra thị trường. Cần theo dõi số lượng tiểu cầu trước khi điều trị, trong vòng 6 giờ kể từ khi dùng thuốc và ít nhất một lần mỗi ngày sau đó và kiểm tra số lượng tiểu cầu ngay lập tức khi có dấu hiệu lâm sàng về xuất huyết.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Hệ thần kinh | Xuất huyết nội sọ | X | |||||
Thiếu máu não | X | ||||||
Tim | Ngừng tim, rung thất, nhịp nhanh thất, suy tim sung huyết, block nhĩ thất, rung nhĩ | X | |||||
Mạch máu | Sốc, hạ huyết áp, viêm tĩnh mạch | X | |||||
Hệ máu và hạch bạch huyết | Xuất huyết, hemoglobin giảm, hematocrit giảm | X | |||||
Giảm tiểu cầu | X | ||||||
Hệ tiêu hóa | Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết sau phúc mạc, nôn ra máu, chảy máy ở miệng và hầu họng | X | |||||
Thận và tiết niệu | Chảy máu sinh dục, tiểu ra máu | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Không có dữ liệu đầy đủ về việc dùng eptifibatid ở phụ nữ có thai. Không nên sử dụng ở phụ nữ có thai trừ khi thật cần thiết.
Cho con bú
Chưa rõ eptifibatid có qua sữa hay không. Nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị.
5.6. Tương tác thuốc
- Warfarin và dipyridamol: Eptifibatid dường như không làm tăng nguy cơ xuất huyết lớn và nhỏ liên quan đến việc sử dụng đồng thời với warfarin và dipyridamol.
- Eptifibatid và các thuốc tiêu sợi huyết: Dữ liệu còn hạn chế về việc sử dụng eptifibatid ở bệnh nhân dùng thuốc làm tan huyết khối. Không có bằng chứng nhất quán cho thấy eptifibatid làm tăng nguy cơ xuất huyết lớn hoặc nhỏ liên quan đến các thuốc tiêu sợi huyết trong nghiên cứu PCI hoặc nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Dùng đồng thời thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc tiêu sợi huyết, heparin, aspirin và sử dụng NSAID lâu dài làm tăng nguy cơ chảy máu. Nên tránh điều trị đồng thời với các thuốc ức chế thụ thể tiểu cầu GP IIb/IIIa khác.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Kinh nghiệm ở người khi sử dụng quá liều eptifibatid là rất hạn chế. Không có dấu hiệu về phản ứng có hại nghiêm trọng liên quan đến việc vô tình truyền nhầm một liều tĩnh mạch nhanh và lớn. Nếu có thể, biểu hiện quá liều là tình trạng xuất huyết.
Xử trí
Do thời gian bán hủy ngắn và khả năng thanh thải nhanh, hoạt tính của eptifibatid có thể bị ngừng ngay khi ngừng truyền.
Viết bình luận