Thuốc tiêm Ertapenem - Thuốc chống nhiễm khuẩn nhóm beta-lactam
Thông tin dành cho chuyên gia
Ertapenem là một loại kháng sinh carbapenem được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn từ trung bình đến nặng do các sinh vật nhạy cảm cụ thể gây ra. |
Nguồn gốc: Ertapenem là một loại thuốc kháng sinh carbapenem, có cấu trúc tương tự như meropenem và mang nhóm 1-beta-metyl. Ertapenem được tiếp thị với tên biệt được Invanz bởi công ty dược phẩm Merck & Co.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Ertapenem
Tên biệt dược thường gặp: Invanz, Farvinem 1 g
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: bột pha tiêm
Các loại hàm lượng: Ertapenem (dưới dạng ertapenem natri) 1 g.
3. Chỉ định
Ertapenem được sử dụng để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn từ vừa đến nặng ở người lớn, gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng có biến chứng.
- Nhiễm khuẩn vùng chậu cấp tính.
- Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da ở chân người bệnh đái tháo đường.
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật ở người lớn trong phẫu thuật đại trực tràng.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: kháng sinh nhóm carbapenem.
Cơ chế tác dụng: Ertapenem ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Ertapenem có cấu trúc và tác dụng dược lý tương tự các thuốc trong nhóm là imipenem và meropenem. Khác với imipenem, ertapenem bền vững với tác dụng thủy phân của dehydropeptidase 1 (DHP-1) có ở vi nhung mao của tế bào ống lượn gần của thận, vì vậy không cần dùng cùng với chất ức chế DHP-1 như cilastatin.
Tác dụng của ertapenem có phần mạnh hơn so với imipenem in vitro, tuy nhiên phổ tác dụng của ertapenem hẹp hơn của imipenem. Ertapenem không có tác dụng đối với Acinetobacter và Pseudomonas aeruginosa. Ertapenem có tác dụng trên các vi khuẩn Gram dương và Gram âm hiếu khí, các vi khuẩn kị khí. Thuốc bền vững với nhiều loại beta-lactamase (bao gồm penicilinase, cephalosporinase và beta- lactamase phổ rộng).
Ertapenem có tác dụng trên các vi khuẩn in vitro và trên lâm sàng sau: Staphylococcus aureus (chỉ bao gồm các chủng nhạy cảm với methicilin), Streptococcus pneumoniae (chủng nhạy cảm penicilin), S. pyogenes, S. agalactiae, Escherichia coli, Haemophylus influenzae (chỉ bao gồm các chủng không tiết beta-lactamase), Klebsiella pneumoniae, Moxarella catarrhalis, Bacteroides fragilis, B. distasonis, B. ovatus, B. thetaiotaomicron, B. uniformis, Clostrium clostridioforme, Eubacterium lentum, Peptostreptococcus spp., Porphyromonas asaccharolytica và Prevotella bivia.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Sau khi truyền tĩnh mạch 1 g ertapenem trong 30 phút cho người lớn, nồng độ đỉnh trong huyết tương thu được là 155 mcg/ml, ngay khi kết thúc truyền, giảm xuống còn 9 mcg/ml sau 12 giờ và 1 mcg/ml sau 24 giờ. Sinh khả dụng của thuốc khi tiêm bắp là 90%.
Phân bố
Một phần ertapenem bị thủy phân vòng beta-lactam bởi dehydropeptidase I ở thận thành chất chuyển hóa vòng mở không còn hoạt tính.
Chuyển hóa
Doripenem được chuyển hóa chủ yếu nhờ dehydropeptidase-I tạo thành chất chuyển hóa mở vòng không có hoạt tính.
Thải trừ
Khoảng 80% liều dùng được thải trừ qua thận, khoảng 38% ở dạng không đổi và 37% ở dạng đã chuyển hóa. Khoảng 10% liều dùng được thải trừ qua phân ở dạng không đổi. Thẩm tách máu giúp loại trừ khoảng 30% lượng ertapenem. Thời gian bán thải của thuốc khoảng 4 giờ ở người lớn và khoảng 2,5 giờ ở trẻ từ 3 tháng đến 12 tuổi.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Người lớn:
Liều thông thường là 1 g, một lần mỗi ngày. Thời gian điều trị tùy thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn.
- Nhiễm khuẩn ổ bụng có biến chứng: 5 - 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da có biến chứng: 7 - 14 ngày. Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng: 10 - 14 ngày; sau 3 ngày dùng đường tiêm, có thể chuyển sang điều trị kháng sinh đường uống nếu phù hợp trên lâm sàng.
- Nhiễm khuẩn vùng chậu cấp tính: 3 - 10 ngày.
- Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật đại trực tràng: Một liều duy nhất 1g, truyền tĩnh mạch trước khi phẫu thuật khoảng 1 giờ.
Trẻ từ 3 tháng đến 12 tuổi: Truyền tĩnh mạch 15 mg/kg, 2 lần mỗi ngày (tổng liều hàng ngày không vượt quá 1 g).
Bệnh nhân suy thận: Không cần giảm liều ertapenem khi dùng cho bệnh nhân suy thận có ClCr ≥ 30 ml/phút. Bệnh nhân có ClCr ≤ 30 ml/phút dùng liều 500 mg mỗi 24 giờ.
Bệnh nhân thẩm tách máu: Nếu liều ertapenem hàng ngày được dùng trong vòng 6 giờ trước khi thẩm tách, cần sử dụng thêm một liều 150 mg sau khi thẩm tách xong. Không cần bổ sung thêm liều nếu ertapenem được dùng trên 6 giờ trước khi thẩm tách máu.
Bệnh nhân suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều ertapenem.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn cảm với ertapenem hoặc carbapenem.
- Có tiền sử bị phản ứng phản vệ khi dùng beta-lactam.
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các thuốc gây tê loại amid không được sử dụng dung dịch ertapenem hòa tan trong lidocain clorid để tiêm bắp.
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Bệnh nhân quá mẫn với kháng sinh nhóm beta-lactam (bao gồm các penicilin, cephalosporin), do tăng nguy cơ xảy ra phản ứng phản vệ đe dọa tính mạng. Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với nhiều dị nguyên khác nhau cũng tăng nguy cơ bị phản ứng quá mẫn đe dọa tính mạng với beta-lactam.
- Bệnh nhân nhi bị viêm màng não do khả năng thấm vào dịch não tủy của thuốc không đầy đủ.
- Bệnh nhận suy thận nặng và vừa, cần giảm liều và thường xuyên theo dõi.
- Bệnh nhân sẵn có bệnh ở hệ thần kinh trung ương (như tổn thương não, tiền sử động kinh)
- Khi bệnh nhân bị tiêu chảy thứ phát trong quá trình điều trị bằng ertapenem, cần theo dõi và chẩn đoán xem có phải là tiêu chảy do C.difficile và viêm ruột kết giả mạc hay không, vì sử dụng kháng sinh có thể làm bội nhiễm các loại nấm và vi khuẩn không nhạy cảm.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chung | Thoát mạch, suy nhược, sốt, phù | x | |||||
Xơ cứng tại chỗ tiêm | x | ||||||
Chuyển hóa và dinh dưỡng | Chán ăn | x | |||||
Hạ đường huyết | x | ||||||
Hệ miễn dịch | Dị ứng | x | |||||
Sốc phản vệ | x | ||||||
Hệ thần kinh | Đau đầu | x | |||||
Choáng váng, buồn ngủ, nhầm lẫn vị giác, co giật | x | ||||||
Run, ngất | x | ||||||
Ảo giác, ý thức suy giảm, rối loạn vận động, giật cơ, rối loạn dáng đi, bệnh não | x | ||||||
Tâm thần | Mất ngủ, lú lẫn | x | |||||
Kích động, lo lắng, trầm cảm | x | ||||||
Tình trạng tâm thần thay đổi (bao gồm hung hăng, mê sảng, mất phương hướng) | x | ||||||
Mắt | Rối loạn xơ cứng ở mắt | x | |||||
Tim | Nhịp chậm xoang | x | |||||
Rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh | x | ||||||
Mạch máu | Viêm tắc tĩnh mạch | x | |||||
Hạ huyết áp | x | ||||||
Xuất huyết, tăng huyết áp | x | ||||||
Hệ bạch huyết và máu | Giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu | x | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Khó thở, khó chịu ở họng | x | |||||
Nghẹt mũi, ho, chảy máu cam, ram ẩm, thở khò khè | |||||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, nôn, tiêu chảy | x | |||||
Táo bón, trào ngược acid, khô miệng, khó tiêu, đau bụng | x | ||||||
Khó nuốt, đại tiện không tự chủ, viêm phúc mạc vùng chậu | x | ||||||
Nhiễm máu răng | x | ||||||
Gan, mật | Viêm túi mật, vàng da, rối loạn gan | x | |||||
Da và mô dưới da | Phát ban, ngứa | x | |||||
Ban đỏ, mày đay | x | ||||||
Viêm da, bong vảy, viêm mạch quá mẫn | x | ||||||
Mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng DRESS | x | ||||||
Cơ xương và mô liên kết | Chuột rút cơ, đau vai | x | |||||
Yếu cơ | x | ||||||
Thận và tiết niệu | Suy thận, suy thận cấp | x | |||||
Hệ sinh sản | Chảy máu bộ phận sinh dục | x | |||||
Nhiễm trùng và nhiễm độc | Nhiễm nấm Candida ở miệng, nhiễm nấm, viêm âm đạo, viêm ruột giả mạc | x | |||||
Viêm phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng vết mỗ sau phẫu thuật, nhiễm trùng đường tiết niệu | x |
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Chưa có nghiên cứu đầy đủ về sử dụng ertapenem cho phụ nữ mang thai nên chưa rõ ảnh hưởng của thuốc khi sử dụng cho đối tượng này. Vì vậy, chỉ sử dụng ertapenem cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích cho mẹ vượt trội hơn nguy cơ gây hại cho thai nhi.
Cho con bú
Ertapenem bài tiết vào sữa. Do nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ với trẻ bú mẹ, nên tránh sử dụng ertapenem cho bệnh nhân đang nuôi con bú.
5.6. Tương tác thuốc
- Probenecid: Làm giảm thải trừ ertapenem. Không khuyến cáo sử dụng đồng thời để kéo dài thơi gian bán thải của ertapenem.
- Acid valproic: Khi sử dụng đồng thời với carbapenem, nồng độ acid valproic trong huyết tương bị giảm xuống dưới giới hạn điều trị mong muốn, có nguy cơ gây cơn động kinh, vì vậy cần thận trọng khi dùng phối hợp.
- Không có tương tác được ghi nhận giữa ertapenem và các thuốc chuyển hóa nhờ hệ enzym cytochrom tại gan hay các thuốc thải trừ nhờ p-glycoprotein.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Chưa có thông tin cụ thể về điều trị quá liều ertapenem. Rất ít khả năng quá liều do cố ý. Tiêm tĩnh mạch thuốc với liều 2 g trong 30 phút hoặc 3 g trong 1 - 2 giờ ở người tình nguyện khỏe mạnh làm tăng tần suất nôn. Trong nghiên cứu lâm sàng ở người lớn, tiêm quá liều đến 3 liều ertapenem 1g (3 g - biệt dược: Invanz) trong thời gian 24 giờ, làm 1 người bệnh bị tiêu chảy và chóng mặt nhất thời.
Trong nghiên cứu lâm sàng ở trẻ em, tiêm tĩnh mạch duy nhất 1 liều 40 mg/kg cho tới tối đa 2 g không gây độc.
Xử trí
Phải ngừng ngay thuốc và cho điều trị hỗ trợ cho tới khi thuốc thải trừ hết qua thận. Nếu bệnh nhân bị co giật, tiêm tĩnh mạch benzodiazepin, barbiturat. Theo dõi tình trạng dịch và điện giải ở bệnh nhân bị nôn/tiêu chảy nặng.
Một phần ertapenem có thể được thải trừ nhờ thẩm tách máu. Tuy nhiên, chưa có thông tin về dùng thẩm phân máu ở điều trị quá liều. Thường thì không cần thẩm tách máu khi dùng quá liều ertapenem, tuy nhiên cần cân nhắc ở bệnh nhân bị ngộ độc nghiêm trọng.
Viết bình luận