Thuốc, hoạt chất

Thuốc tiêm Idarubicin - Thuốc điều trị ung thư

Thuốc tiêm Idarubicin - Thuốc điều trị ung thư

Thuốc tiêm Idarubicin - Thuốc điều trị ung thư

Thông tin dành cho chuyên gia


Idarubicin là một chất chống ung thư anthracyclin được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) ở người lớn.

Nguồn gốc: Idarubicin được FDA chấp thuận trong việc kết hợp với các loại thuốc chống bạch cầu đã được phê duyệt khác để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) ở người lớn vào 27/9/1990. Nó được phân phối dưới tên thương mại Zattedos (Anh) và Idamycin (Hoa Kỳ).

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Idarubicin hydrochlorid

Tên biệt dược thường gặp: Idarubicin, Saidarcin , Zaverucin, Zavedos.

Thuốc tiêm Idarubicin - Thuốc điều trị ung thư


2. Dạng bào chế

Dạng bào chế: dung dịch tiêm, bột pha tiêm, viên nang.

Các loại hàm lượng:

Dung dịch tiêm 1 mg/ml. Lọ 5 ml, 10 ml, 20 ml.

Lọ thuốc bột để tiêm dùng 1 lần: 5 mg, 10 mg, 20 mg.

Viên nang: 5 mg.


3. Chỉ định

  • Dùng phối hợp với các thuốc khác để điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy ở người lớn và dùng trong điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho ở trẻ em. 

  • Điều trị ung thư vú giai đoạn muộn sau thất bại với hóa trị liệu trước đó (không bao gồm anthracyclin).


4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Thuốc chống ung thư loại anthracyclin bán tổng hợp.

Idarubicin là 4-demethoxy daunorubicin. Idarubicin là một thuốc tương tự daunorubicin, Idarubicin là một tác nhân gây độc tế bào có liên quan đến DNA và tương tác với topoisomerase II và có tác dụng ức chế tổng hợp acid nucleic.

Idarubicin đã được chứng minh là có hiệu lực cao hơn daunorubicin và là một tác nhân có hiệu quả chống lại bệnh bạch cầu và u lympho máu cả đường tĩnh mạch và đường uống.

Các nghiên cứu in vitro trên các tế bào kháng anthracycline ở người và chuột đã cho thấy mức độ kháng chéo thấp hơn đối với idarubicin so với doxorubicin và daunorubicin. Nghiên cứu độc tính trên tim ở động vật đã chỉ ra rằng idarubicin có chỉ số điều trị tốt hơn so với daunorubicin và doxorubicin. Chất chuyển hóa chính, idarubicinol, in vitro và in-vivo có tác dụng chống ung thư trong các mô hình thử nghiệm. Ở chuột, idarubicinol, dùng cùng liều với thuốc đơn, ít độc hơn so với idarubicin.

Cơ chế tác dụng:

Thuốc xen vào giữa các cặp base của DNA, có tác dụng ức chế tổng hợp acid nucleic, tương tác với topoisomerase II và cũng tương tác với màng tế bào và làm biến đổi chức năng màng; điều này có thể góp một phần quan trọng trong cả tác dụng chống ung thư và gây độc cho tim của thuốc. Trong cấu trúc anthracyclin của idarubicin, không có nhóm methoxy ở vị trí 4, nên thuốc có ái lực cao với lipid và do đó tăng khả năng thâm nhập vào tế bào so với các anthracyclin khác.

4.2. Dược động học

Hấp thu

Khác với các anthracyclin khác (doxorubicin, daunorubicin), sau khi uống, idarubicin được hấp thu rất nhanh ở ống tiêu hóa. Sinh khả dụng khác nhau trên mỗi người bệnh.

Ở người lớn bị bệnh bạch cầu với chức năng thận và gan bình thường, sau khi được tiêm tĩnh mạch idarubicin 10 – 12 mg/mmỗi ngày trong 3 – 4 ngày, điều trị đơn độc hoặc phối hợp với cytarabin thấy có một giai đoạn phân bố nhanh với thể tích phân bố rất cao, điều đó chứng tỏ thuốc gắn mạnh vào mô. Nồng độ đỉnh trong các tế bào có nhân của máu ngoại vi và trong tủy xuất hiện trong vòng vài phút sau khi tiêm thuốc vào tĩnh mạch và cao gấp hơn một trăm lần nồng độ trong huyết tương.

Phân bố

Idarubicin và idarubicinol gắn vào protein huyết tương với tỷ lệ tương ứng 97% và 94%. Nồng độ idarubicin và chất chuyển hóa có hoạt tính trong dịch não tủy đã được định lượng, nhưng kết quả đang cần được đánh giá về mặt lâm sàng. Không rõ idarubicin và các dẫn xuất có vào sữa hay không.

Chuyển hóa

Idarubicin bị enzym aldoketoredutase chuyển hóa thành idarubicinol là dẫn xuất chính, có hoạt tính. Độ thanh thải huyết tương gấp 2 lần lưu lượng máu dự kiến ở gan, chứng tỏ chuyển hóa ngoài gan mạnh.

Thải trừ

Tốc độ đào thải idarubicin ra khỏi huyết tương chậm, với nửa đời cuối ước tính trung bình 22 giờ (phạm vi: 4 – 46 giờ) khi dùng đơn độc và 20 giờ (phạm vi: 7 – 38 giờ) khi dùng phối hợp với cytarabin (cytosin arabinosid). Idarubicinol được đào thải chậm hơn nhiều so với idarubicin, với nửa đời cuối ước tính trung bình trên 45 giờ, do đó nồng độ idarubicinol trong huyết tương được duy trì dài hơn 8 ngày. Tốc độ biến mất của idarubicin trong huyết tương và trong tế bào tương tự như nhau, với nửa đời cuối khoảng 15 giờ. Nửa đời cuối của idarubicinol trong tế bào là khoảng 72 giờ.

Thuốc được đào thải chủ yếu qua mật và ở mức độ ít hơn qua thận, phần lớn dưới dạng idarubicinol.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

Liều dùng này áp dụng với dạng dung dịch tiêm hoặc bột pha tiêm. Chỉ được dùng theo đường tĩnh mạch. Tuyệt đối không được tiêp bắp hoặc tiêm dưới da.

Trẻ em:

  • Bệnh bạch cầu: 10 – 12 mg/m2, 1 lần mỗi ngày, dùng trong 3 ngày, cứ 3 tuần nhắc lại. 
  • Các bệnh u đặc: 5 mg/m2, 1 lần mỗi ngày, dùng trong 3 ngày, cứ 3 tuần dùng nhắc lại.

Người lớn: 

  • 8 – 12 mg/m2/ngày, trong 3 ngày, tiêm tĩnh mạch chậm (10 – 15 phút) phối hợp với cytosin arabinosid.
  • Cytosin arabinosid được dùng với liều 100 mg/m2/ngày, trong 7 ngày, truyền liên tục hoặc với liều đầu tiên 25 mg/m2 tiêm tĩnh mạch cả liều một lúc rồi tiếp theo truyền liên tục 200 mg/m2/ngày, trong 5 ngày.

Với người suy thận, điều chỉnh liều như sau: 

  • Nồng độ creatinin huyết thanh > 2 mg/100 ml, liều giảm 25%.

Với người suy gan:

  • Nếu bilirubin 1,5 – 5 mg/100 ml hoặc aspartat transaminase 60 – 180 đơn vị thì giảm liều 50%.
  • Nếu bilirubin > 5 mg/ml hoặc aspartat transaminase > 180 đơn vị thì không được dùng thuốc.

5.2. Chống chỉ định

  • Quá mẫn với idarubicin, daunorubicin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Suy tim sung huyết.
  • Mới bị nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim.
  • Loạn nhịp tim nặng.
  • Bệnh nhân có suy tủy.

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Người cao tuổi do dễ bị các tai biến hơn so với người trẻ.
  • Phải khám và theo dõi kỹ bệnh nhân dùng idarubicin bị đau bụng để phòng bị thủng ruột.

  • Idarubicin thoát mạch có thể gây hoại tử mô tại chỗ nặng. Thoát mạch có thể xảy ra, có hoặc không kèm theo cảm giác buốt hoặc rát bỏng, ngay cả khi hút máu trở lại tốt vào kim truyền. Nếu có triệu chứng hoặc dấu hiệu của thoát mạch, phải ngừng ngay tiêm hoặc truyền và truyền lại ở một tĩnh mạch khác; phải luôn luôn quan sát, theo dõi và nếu có xuất hiện phản ứng tại chỗ (ví dụ; đau, phù, hồng ban, nổi phỏng) thì phải can thiệp ngoại khoa tạo hình.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

5.4. Tác dụng không mong muốn

Điều trị bằng idarubicin rất hay gây ADR. Có một số ADR rất nặng cần phải theo dõi người bệnh chặt chẽ trong và sau khi điều trị. Hầu hết ADR phụ thuộc vào liều dùng, như suy giảm tủy xương. Tác dụng này xảy ra cấp tính và là một ADR phụ thuộc liều dùng nhiều nhất, đi cùng với nguy cơ độc cho tim. Trừ ADR gây bệnh cơ tim, các ADR khác đều có thể hồi phục được.

Nguy cơ nhiễm khuấn có thể rất nặng và đôi khi dẫn đến tử vong khi điều trị idarubicin đơn độc hoặc khi phối hợp với cytosin arabinosid. Độc tính đối với tim như suy tim nặng, loạn nhịp cấp nặng hoặc bệnh cơ tim có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Độc với tim có thể xuất hiện trong quá trình điều trị hoặc một vài tuần sau khi đã ngừng điều trị. Nguy cơ gây độc cơ tim có thể cao hơn, ở người bệnh được xạ trị đồng thời hoặc xạ trị từ trước vào vùng trung thất – trước tim hoặc đối với người bệnh thiếu máu, suy tủy, nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim do bệnh bạch cầu và/hoặc viêm cơ tim. Nguy cơ cao hơn khi liều tích lũy vượt 100 mg/m2.

Viêm niêm mạc miệng thường xuất hiện trong vòng 3 – 10 ngày sau khi bắt đầu điều trị.

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM (1)(2)(3)(4)(5)(6)
ChungTại chỗ: Hoại tử chỗ thoát mạch, dải ban đỏ, rộp da.  x    
Nhiễm trùng và nhiễm độcNhiễm trùng huyết   x   
Hệ miễn dịchPhản ứng dị ứng      x
Sốc phản vệ     x 
Hệ thần kinhTối loạn tâm thần và / hoặc ảo giác (đặc biệt với liều lượng cao hơn), tăng thân nhiệt  x    
Bệnh thần kinh ngoại biên, dị cảm  x    
Nhức đầu, co giật, rối loạn tiểu não.  x    
Nội tiết và Chuyển hóaChán ăn x     
Tăng acid uric huyết.   x   
MắtRối loạn thị giác (giãn đồng tử, ức chế chỗ ở, mờ mắt, sợ ánh sáng)      x
Tim
 
Loạn nhịp tim, biến đổi điện tim,    x   
Bệnh cơ tim, suy tim sung huyết, nhiễm độc cơ tim   x   
Mạch máuXuất huyết, viêm tĩnh mạch cục bộ, viêm tắc tĩnh mạch  x    
Hệ máu và hạch bạch huyếtỨc chế tủy xương  x    
Thiếu máu, giảm bạch cầu nặng và giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu x     
Bệnh bạch cầu thứ phát (bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính và hội chứng loạn sản tủy)   x   
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtGiảm tiết dịch phế quản      x
Hệ tiêu hóaRối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, cảm giác đầy hơi. Chán ăn  x    
Viêm miệng, viêm niêm mạc  x    
Viêm ruột – đại tràng nặng, có khi bị thủng.   x   
Da và mô dưới daRụng tóc, ban đỏ, mày đay.  x    
Cơ, xươngĐau khớp, rối loạn cơ      x
Thận và tiết niệuSuy thận cấp, Suy thận cấp cần lọc máu (bao gồm lọc máu, chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc), tăng creatinin      x
Nước tiểu đỏ.  x    
GanTăng enzym gan, tăng bilirubin trong máu, rối loạn nặng chức năng gan.   x   
Vàng da vàng mắt      x
Viêm gan, viêm túi mật      x
Khác        

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Nếu phải dùng idarubicin khi mang thai hoặc người bệnh mang thai trong khi đang điều trị bằng idarubicin, phải thông báo cho bệnh nhân biết nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi. Phụ nữ có khả năng sinh đẻ phải được khuyến cáo tránh có thai khi dùng thuốc.

Cho con bú

Chưa biết thuốc có bài tiết vào sữa hay không nhưng do có thể xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với trẻ, nên mẹ phải ngừng cho con bú trước khi dùng thuốc cho đến khi idarubicin và dẫn xuất idarubicinol bị thải hết khỏi cơ thể.

Khả năng sinh sản

Idarubicin có thể gây ra tổn thương nhiễm sắc thể trong tinh trùng của người. Vì lý do này, nam giới đang điều trị bằng idarubicin nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả cho đến 3 tháng sau khi điều trị.

5.6. Tương tác thuốc

  • Idarubicin làm tăng nồng độ/tác dụng của natalizumab, vắc xin (sống) do đó không dùng đồng thời.
  • Idarubicin làm giảm nồng độ/tác dụng của các glycosid tim, vắc xin (bất hoạt).
  • Bevacizumab, thuốc ức chế P-glycoprotein, dẫn xuất của taxan, trastuzumab làm tăng nồng độ và tác dụng của idarubicin.
  • Tương tác gây tăng suy tủy khi phối hợp với các thuốc khác cũng gây suy tủy để điều trị bệnh bạch cầu.
  • Tương tác gây tăng độc tim ở những người bệnh trước đã điều trị bằng các thuốc kìm tế bào gây độc tim.
  • Một số thuốc khác có thể tương tác với các anthracyclin như: Các vinca alcaloid (kháng chéo), amphotericin B (tăng hấp thu thuốc) và cyclosporin và streptomycin (giảm độ thanh thải thuốc và tăng độc tính). Đa số tương tác thuốc đó mới chỉ được nghiên cứu in vitro, và cần phải được lâm sàng xác nhận.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

Suy tủy nặng và kéo dài; tim bị nhiễm độc cấp; suy tim muộn; tăng nhiễm độc đường tiêu hóa.

Xử trí 

Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Điều trị hỗ trợ là cần thiết, bao gồm: Truyền tiểu cầu, kháng sinh, điều trị triệu chứng viêm niêm mạc. 

Thấm tách màng bụng và thấm tách thận nhân tạo cũng không chắc chắn là có hiệu quả điều trị và giảm độc.

Đang xem: Thuốc tiêm Idarubicin - Thuốc điều trị ung thư

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng