Thuốc tiêm L-asparaginase - Thuốc điều trị ung thư
Thông tin dành cho chuyên gia
L-asparaginase là enzym asparaginase chiết từ E.coli và các vi khuẩn khác, dùng trong điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. |
Nguồn gốc: L-asparaginase là một enzym chịu trách nhiệm chuyển hóa L-asparagin, bằng cách xúc tác L-asparagin thành acid L-aspartic và amoniac. Đây là một enzym bao gồm 4 tiểu phần, mỗi tiểu phần chứa 321 amino acid. Việc nghiên cứu và phát triển asparaginase như một loại thuốc chống ung thư bắt đầu vào năm 1953. Nó đang được sử dụng để điều trị các bệnh bạch cầu cấp, đặc biệt là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
L-asparaginase
Tên biệt dược thường gặp: Rylaze, Spectrila, Erwinaze
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Bột đông khô pha tiêm, bột pha tiêm
Các loại hàm lượng: Mỗi lọ bột chứa 10.000 đơn vị L-asparaginase.
3. Chỉ định
- Bệnh bạch cầu cấp (kể cả trường hợp bệnh bạch cầu mạn chuyển sang cấp), đặc biệt là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. U lympho ác tính, sarcom lympho.
- L-asparaginase không nên dùng đơn độc trừ khi điều trị phối hợp không thích hợp. Không nên điều trị duy trì bằng thuốc này.
- L-asparaginase chủ yếu được dùng phối hợp với các thuốc hóa trị liệu khác để tạo các đợt thuyên giảm ở trẻ em.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc chống ung thư
Cơ chế tác dụng: L-asparaginase thủy phân L-asparagin thành acid L-aspartic và amoniac mà asparagin là một acid amin thiết yếu trong huyết thanh, do đó làm mất đi một yếu tố cần thiết để tổng hợp protein của các tế bào lympho ác tính nhạy cảm. Trong bệnh bạch cầu cấp, đặc biệt bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, tế bào ác tính phải phụ thuộc vào nguồn asparagin từ bên ngoài để tồn tại; còn các tế bào bình thường lại có thể tổng hợp được asparagin và do đó bị ảnh hưởng ít hơn khi thiếu asparagin do điều trị asparaginase. Tuy nhiên, gần đây người ta thấy có rất nhiều mô bình thường nhạy cảm với asparaginase và có thể gây ra nhiễm độc với nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, các tế bào bạch cầu bệnh ở người có thể nhanh chóng kháng thuốc do xuất hiện các dòng có chứa asparaginase synthetase. Ðây cũng là lý do người ta thường dùng thuốc dạng kết hợp với các hóa chất khác.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Asparaginase không được hấp thu qua đường tiêu hóa, do đó phải dùng đường tiêm.
Phân bố
Thuốc phân bố không đáng kể ở bên ngoài khoang mạch máu. Thể tích phân bố biểu kiến khoảng 70 - 80% thể tích huyết tương. Trong dịch bạch huyết và dịch não tủy có phát hiện thấy asparaginase.
Chuyển hóa
Sự chuyển hóa của asparaginase chưa được biết đến nhưng được cho là xảy ra do sự thoái hóa bởi các protease huyết thanh trong hệ thống mô lưới.
Thải trừ
Thuốc thải trừ qua mật và nước tiểu rất ít.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
- Liều dùng theo đường tĩnh mạch trong một số công thức như sau:
- 6.000 đvqt/m2/liều x 3 lần/tuần; hoặc 1000 đvqt/kg/ngày x 10 ngày
- Liều cao: 10.000 đvqt/m2/ngày x từ 3 đến 12 liều.
- Liều dùng theo đường tiêm bắp trong một số công thức như sau:
- 6.000 đvqt/m2/liều x 3 lần/tuần cho 6 đến 9 liều; hoặc 6.000 đvqt/m2/liều, cứ 3 ngày 1 liều cho từ 6 đến 9 liều
- Liều cao: 10.000 đvqt/m2/ngày x từ 3 đến 12 liều.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với L-asparaginase
- Viêm tụy nặng hoặc có tiền sử viêm tụy, viêm tụy xuất huyết cấp
- Suy gan nặng
- Rối loạn đông máu (bệnh máu khó đông)
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Người bệnh có rối loạn chức năng gan, thận, suy tủy, nhiễm khuẩn và thủy đậu
- Khi dùng thuốc ở trẻ em và người vì thuốc có tác động mạnh đến tuyến sinh dục
- Asparaginase có thể gây ra những phản ứng dị ứng nặng, bao gồm cả sốc phản vệ và chết đột ngột. Hầu hết các phản ứng có hại của asparaginase đều có thể do sự thiếu hụt asparagin và glutamin, do đó dẫn đến giảm tổng hợp protein ở các mô.
- Khi dùng kéo dài cần hết sức thận trọng vì có khả năng gây ra các phản ứng không mong muốn nghiêm trọng và kéo dài. Cần đặc biệt chú ý khi thấy xuất hiện nhiễm khuẩn hoặc xuất huyết, hoặc thấy các biểu hiện nặng hơn.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chung | Phù, mệt mỏi | X | |||||
Đau nhức | X | ||||||
Hệ miễn dịch | Quá mẫn bao gồm đỏ bừng, phát ban, hạ huyết áp, mày đay, khó thở | X | |||||
Quá mẫn bao gồm co thắt phế quản | X | ||||||
Sốc phản vệ | X | ||||||
Hệ thần kinh | Các dấu hiệu và triệu chứng thần kinh bao gồm kích động, chóng mặt và buồn ngủ | X | |||||
Nhức đầu | X | ||||||
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, hội chứng bệnh lý chất trắng não có hồi phục, co giật, rối loạn ý thức bao gồm hôn mê | X | ||||||
Chứng run | X | ||||||
Tâm thần | Trầm cảm, ảo giác, lú lẫn | X | |||||
Chuyển hóa | Tăng đường huyết, giảm albumin máu | X | |||||
Hạ đường huyết, giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân | X | ||||||
Tăng acid uric máu, tăng natri máu | X | ||||||
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường | X | ||||||
Mạch máu | Huyết khối đặc biệt là huyết khối xoang hang hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu, xuất huyết | X | |||||
Hệ máu và hạch bạch huyết | Đông máu nội mạch lan tỏa, thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu | X | |||||
Hệ tiêu hóa | Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng | X | |||||
Viêm tụy cấp | X | ||||||
Viêm tụy xuất huyết, viêm tụy hoại tử, viêm tuyến mang tai | X | ||||||
Viêm tụy dẫn đến tử vong, nang giả tụy | X | ||||||
Gan mật | Suy gan dẫn đến tử vong, hoại tử gan, ứ mật, vàng da | X | |||||
Gan nhiễm mỡ | X | ||||||
Nội tiết | Suy giáp thứ phát, suy tuyến cận giáp | X | |||||
Nhiễm trùng và nhiễm độc | Nhiễm trùng | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Các báo cáo ở người còn hạn chế, nhưng đã thấy asparaginase gây dị dạng ở động vật thí nghiệm, vì vậy không dùng cho người mang thai.
Cho con bú
Chưa biết liệu asparaginase có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Vì vậy, nếu dùng thuốc cần ngừng cho con bú.
5.6. Tương tác thuốc
- Dùng L-asparaginase tiêm tĩnh mạch đồng thời hoặc trước đợt điều trị vincristin và prednisolon có thể làm tăng độc tính.
- L-asparaginase có thể làm giảm hoặc làm mất tác dụng của methotrexat trên các tế bào ác tính. Sự mất tác dụng của methotrexat còn kéo dài chừng nào asparagin vẫn bị thủy phân do asparaginase, vì tác dụng của methotrexat cần phải có asparagin để sao chép tế bào.
- L-asparaginase làm giảm độ thanh thải của vincristin.
- L-asparaginase ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm chức năng giáp trạng vì thuốc làm giảm nhanh và rõ nồng độ globulin liên kết với thyroxin trong huyết thanh trong vòng 2 ngày sau liều dùng đầu tiên. Nồng độ này trở lại trị số trước khi điều trị trong 4 tuần sau liều.
- L-asparaginase có thể làm tăng tác dụng của natalizumab, vắc xin virus sống.
- L-asparaginase có thể làm giảm tác dụng của vaccin virus chết.
- Các thuốc sau có thể làm tăng tác dụng/độc tính của asparaginase: Trastuzumab, prednisolon.
- Các thuốc sau có thể làm giảm tác dụng của asparaginase: Echinacea.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Các triệu chứng sốc có thể xảy ra (thậm chí với liều thường dùng). Nếu có các triệu chứng như ý thức u ám, co giật, hạ huyết áp, rét run, sốt hoặc nôn, cần ngừng thuốc ngay và có biện pháp xử trí thích hợp.
Xử trí
Không có thuốc giải độc. Nếu có phản ứng phản vệ cần dùng ngay epinephrin, oxygen và tiêm tĩnh mạch corticosteroid. Có thể sử dụng insulin để điều trị tăng glucose máu
Viết bình luận