Thuốc tiêm Oxaliplatin - Thuốc điều trị ung thư
Thông tin dành cho chuyên gia
Oxaliplatin là một thuốc chống ung thư chứa platin, thuộc nhóm thuốc alkyl hóa dùng trong điều trị ung thư. |
Nguồn gốc: Oxaliplatin là thuốc chống ung thư alkyl hóa, có chứa platin, thuộc cùng nhóm với cisplatin và carboplatin. So với cisplatin, hai nhóm amin được thay thế bằng cyclohexyldiamin để cải thiện hoạt tính kháng u. Các phối tử clo được thay thế bằng oxalato bidentat có nguồn gốc từ acid oxalic để cải thiện khả năng hòa tan trong nước. Oxaliplatin được tìm ra vào năm 1976 tại Đại học Nagoya City University nhờ giáo sư Yoshinori Kidani, được cấp bằng sáng chế vào năm 1979. Oxaliplatin được châu Âu chấp thuận vào năm 1996 (đầu tiên là ở Pháp) và FDA chấp thuận vào năm 2002.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Oxaliplatin
Tên biệt dược thường gặp: Lyoxatin, Oxaliplatin “Ebewe”, Wilfen, Planitox, Oxaplat
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Bột đông khô pha tiêm, dung dịch tiêm, dung dịch đậm đặc pha tiêm
Các loại hàm lượng: Lọ thuốc bột pha tiêm chứa 50 mg, 100 mg. Lọ dung dịch tiêm nồng độ 5 mg/ml (10 ml, 20 ml, 40 ml).
3. Chỉ định
- Điều trị bổ trợ ung thư đại tràng giai đoạn III: Oxaliplatin kết hợp với fluorouracil và leucovorin được dùng trong phác đồ điều trị bổ trợ ung thư đại tràng giai đoạn III trên bệnh nhân đã phẫu thuật triệt căn.
- Điều trị ung thư đại - trực tràng muộn: Liệu pháp hàng đầu: Oxaliplatin được dùng phối hợp với fluorouracil và leucovorin để điều trị ung thư đại - trực tràng muộn, trước đó chưa điều trị, chưa phẫu thuật. Liệu pháp hàng thứ hai: Ung thư đại trực tràng muộn tái phát hoặc tiến triển trong vòng 6 tháng sau liệu pháp hàng đầu với phối hợp fluorouracil, leucovorin và irinotecan. Hiện nay chưa có dữ liệu cho thấy lợi ích lâm sàng.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc chống ung thư, dẫn chất platin
Cơ chế tác dụng: Oxaliplatin được biến đổi không thông qua enzym trong dịch sinh lý thành một số phức hợp có hoạt tính nhất thời, bao gồm monoaquo DACH platin và diaquo DACH platin bằng cách chuyển chỗ ligand oxalat. Các phức hợp này liên kết đồng hóa trị với các chuỗi base đặc hiệu của DNA tạo thành liên kết chéo với DNA ở cùng sợi (intrastrand) và đối sợi (interstrand). Các liên kết chéo được tạo thành ở vị trí N7 của 2 guanin kề nhau (GG), adenin-guanin kề nhau (AG) và giữa 2 guanin xen kẽ 1 nucleotid (GNG). Các liên kết chéo này ức chế DNA sao chép và phiên mã. Một vài chứng cứ cho thấy sự hiện diện của DACH của oxaliplatin có thể góp phần lớn vào ức chế tổng hợp DNA và độc tính tế bào so với cisplatin và làm mất kháng chéo giữa oxaliplatin và cisplatin. Oxaliplatin không có tính đặc hiệu đối với các pha của chu trình tế bào.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Sinh khả dụng hoàn toàn sau khi tiêm tĩnh mạch. Khi truyền tĩnh mạch duy nhất trong 2 giờ oxaliplatin với liều 85 mg/m2, nồng độ đỉnh trong huyết thanh là 0,814 mcg/mL.
Phân bố
Sau khi truyền tĩnh mạch 2 giờ, khoảng 15% oxaliplatin tồn tại trong tuần hoàn chung, 85% phân bố nhanh vào các tổ chức trong cơ thể. Khoảng 90% platin trong tuần hoàn chung gắn không thuận nghịch với protein huyết tương, (chủ yếu với albumin và gamma- globulin).
Chuyển hóa
Thuốc chuyển hóa nhanh và rộng nhờ quá trình sinh chuyển hóa không thông qua enzym. Nghiên cứu in vitro cho thấy, quá trình chuyển hóa không thông qua trung gian cytochrom. Trong huyết tương của người dùng oxaliplatin đã xác định được 17 chất chuyển hóa chứa gốc platin, trong đó có một số dẫn chất gây độc tế bào như, monocloro 1,2-diaminocyclohexan (DACH) platin, dicloro DACH platin, monoaquo DACH platin, diaquo DACH platin và một số dẫn chất không gây độc tế bào.
Thải trừ
Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Sau khi truyền tĩnh mạch 2 giờ một liều duy nhất, các dẫn chất platin thải trừ qua nước tiểu và qua phân với tỷ lệ tương ứng khoảng 54% và 2% trong vòng 5 ngày.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Liều chung:
- Phác đồ phối hợp oxaliplatin, fluorouracil và leucovorin (FOLFOX 4) được dùng trong 2 ngày liên tục. Phác đồ 2 ngày có thể nhắc lại sau 2 tuần.
- Ngày 1, oxaliplatin 85 mg/m2 và leucovorin 200 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 2 giờ. Tiếp theo, fluorouracil 400 mg/m2 tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch trong 2 – 4 phút và sau đó truyền tĩnh mạch fluorouracil 600 mg/m2 trong 22 giờ.
- Ngày 2 (không dùng oxaliplatin), leucovorin 200 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 2 giờ. Tiếp theo, fluorouracil 400 mg/m2 tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch trong 2 - 4 phút và sau đó truyền tĩnh mạch fluorouracil 600 mg/m2 trong 22 giờ.
- Để điều trị bổ trợ ung thư đại - trực tràng giai đoạn III sau phẫu thuật triệt căn: Dùng 12 chu trình (6 tháng). Trên bệnh nhân điều trị ung thư đại trực tràng muộn, khuyến cáo dùng phác đồ này cho đến khi xuất hiện dấu hiệu tiến triển của bệnh hoặc độc tính không dung nạp được của thuốc.
- Để điều trị ung thư đại trực tràng muộn hoặc điều trị bổ trợ ung thư đại - trực tràng:
- Có thể dùng phác đồ thay thế (ví dụ, FOLFOX 6 cải biến). Phác đồ FOLFOX 6 cải biến cũng được dùng trong 2 ngày liên tiếp. Oxaliplatin 85 mg/m2 và leucovorin 400 mg/m2 (hoặc 350 mg/m2) được dùng đồng thời, truyền tĩnh mạch trong 2 giờ.
- Tiếp theo, fluorouracil 400 mg/m2 tiêm tĩnh mạch trong 5 phút. Sau đó truyền tĩnh mạch fluorouracil 1200 mg/m2/ngày trong 2 ngày (ví dụ dùng 2400 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 46 - 48 giờ).
- Tổng liều fluorouracil 2800 mg/m2/chu trình.
Liều cải biến để giảm độc tính:
- Có thể phải thay đổi liều hoặc thời gian truyền oxaliplatin để hạn chế một số tác dụng không mong muốn của thuốc (như độc tính trên thần kinh cảm giác, tiêu hóa và hệ tạo máu).
- Tăng thời gian truyền oxaliplatin từ 2 giờ lên 6 giờ có thể giảm thiểu độc tính cấp; không cần điều chỉnh thời gian truyền của fluorouracil hoặc leucovorin.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với oxaliplatin.
- Người mang thai, thời kỳ cho con bú.
- Suy thận nặng (Clcr < 30 ml/phút).
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Người bệnh có tiền sử dị ứng với platin
- Bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình
- Bệnh nhân suy tủy nặng và dai dẳng
- Bệnh nhân tăng huyết áp kịch phát hoặc tăng enzym gan vì có khả năng rối loạn mạch gan (bao gồm cả tắc tĩnh mạch) và gây độc gan.
- Bệnh nhân cao tuổi.
- Điều trị bằng oxaliplatin thường đi kèm với hai loại rối loạn thần kinh cảm giác ngoại biên sơ cấp. Thời gian và mức độ trầm trọng của bệnh gia tăng theo liều. Rối loạn thần kinh cảm giác ngoại biên xảy ra đối với 92% số người dùng phác đồ phối hợp oxaliplatin với fluorouracil và leucovorin để điều trị bổ trợ ung thư đại tràng.
- Do oxaliplatin nằm trong phác đồ phối hợp với fluorouracil và leucovorin nên cần xem xét thông tin liên quan (thận trọng, cảnh báo và chống chỉ định) của các thuốc này.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chung | Mệt mỏi, sốt, suy nhược, đau đớn, phản ứng tại chỗ tiêm | X | |||||
Hệ miễn dịch | Dị ứng | X | |||||
Hệ thần kinh | Bệnh thần kinh cảm giác ngoại vi, rối loạn cảm giác, đau đầu | X | |||||
Chóng mặt, viêm dây thần kinh vận động | X | ||||||
Hội chứng bệnh lý chất trắng não có hồi phục, rối loạn ngôn ngữ | X | ||||||
Tâm thần | Trầm cảm, mát ngủ | X | |||||
Lo lắng | X | ||||||
Chuyển hóa | Chán ăn, tăng đường huyết, hạ natri máu, hạ kali máu | X | |||||
Mất nước, hạ calci máu | X | ||||||
Nhiếm toan chuyển hóa | X | ||||||
Mắt | Viêm kết mạc, rối loạn thị giác | X | |||||
Thị lực giảm nhanh chóng, rối loạn trường thị giác, viêm dây thần kinh thị giác, mất thị lực thoáng qua (có thể hồi phục sau khi ngừng điều trị) | X | ||||||
Tai | Độc tính trên tai | X | |||||
Điếc | X | ||||||
Tim | Hội chứng mạch vành cấp tính, bao gồm nhồi máu cơ tim và co thắt động mạch vành và cơn đau thắt ngực ở bệnh nhân được điều trị bằng oxaliplatin kết hợp với 5-FU và bevacizumab | X | |||||
Mạch máu | Đỏ bừng, huyết khối tĩnh mạch sâu, tăng huyết áp | X | |||||
Hệ máu và hạch bạch huyết | Thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, giảm lympho bào | X | |||||
Sốt giảm bạch cầu trung tính | X | ||||||
Thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu do dị ứng miễn dịch | X | ||||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Khó thở, ho, chảy máu cam | X | |||||
Nấc cụt, thuyên tắc phổi | X | ||||||
Bệnh phổi kẽ, xơ phổi | X | ||||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, viêm miệng, đau bụng, táo bón | X | |||||
Rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết trực tràng. | X | ||||||
Tắc ruột | X | ||||||
Viêm ruột kết bao gồm tiêu chảy do Clostridium difficile, viêm tụy | X | ||||||
Viêm thực quản | X | ||||||
Da và mô dưới da | Rối loạn da, rụng tóc từng mảng | X | |||||
Phát ban, tăng tiết mồ hôi, rối loạn móng tay, hội chứng tay chân | X | ||||||
Cơ, xương | Đau lưng | X | |||||
Đau khớp, đau xương | X | ||||||
Thận và tiết niệu | Tiểu máu, khó tiểu | X | |||||
Nhiễm trùng và nhiễm độc | Nhiễm trùng | X | |||||
Viêm mũi, nhiễm trùng đường hô hấp trên | X | ||||||
Nhiễm trùng huyết | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm với mức liều bằng một phần mười liều dùng trên người cho thấy, thuốc làm giảm khối lượng thai, giảm cốt hóa và làm tăng tỷ lệ chết phôi thai. Chưa có nghiên cứu trên người mang thai. Nên tư vấn cho phụ nữ tránh mang thai, sử dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian dùng thuốc và cho tới 4 tháng sau khi điều trị bằng oxaliplatin. Nếu dùng thuốc trong thời kì mang thai, phải cảnh báo nguy cơ tổn hại đến thai nhi.
Cho con bú
Chưa rõ oxaliplatin có qua sữa hay không. Không nên dùng cho phụ nữ cho con bú.
5.6. Tương tác thuốc
- Oxaliplatin có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của natalizumab, vắc xin sống. Tránh phối hợp oxaliplatin với natalizumab, vắc xin sống. Tránh phối hợp các thuốc gây độc tế bào (trong đó có oxaliplatin) với clozapin do gia tăng nguy cơ mất bạch cầu hạt.
- Dùng phác đồ oxaliplatin kết hợp với fluorouracil và leucovorin đồng thời với các thuốc chống đông máu có khả năng kéo dài thời gian prothrombin và INR. Bệnh nhân sử dùng đồng thời phác đồ chứa oxaliplatin, fluorouracil và leucovorin với thuốc chống đông máu đường uống cần giám sát chặt chẽ thời gian prothrombin và INR.
- Phối hợp oxaliplatin với aminoglycosid, polymyxin, capreomycin, thuốc lợi tiểu có thể làm gia tăng nguy cơ độc thận và độc tính trên tai.
- Trastuzumab có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của oxaliplatin. Echinacea làm giảm nồng độ/tác dụng của oxaliplatin.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Ngoài giảm tiểu cầu, các triệu chứng quá liều có thể là phản ứng mẫn cảm, ức chế tủy xương, rối loạn tiêu hóa, độc thần kinh. Liều tối đa oxaliplatin đã cho truyền một liều duy nhất lên tới 825 mg.
Xử trí
Chưa có thuốc giải độc, cần theo dõi người bệnh và điều trị triệu chứng.
Viết bình luận