Thuốc, hoạt chất

Thuốc uống Rifampicin - Thuốc điều trị bệnh lao

Thuốc uống Rifampicin - Thuốc điều trị bệnh lao

Thuốc uống Rifampicin - Thuốc điều trị bệnh lao

Thông tin dành cho chuyên gia


Rifampicin là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị một số loại nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm phức hợp Mycobacterium avium, bệnh phong, và kết hợp với các kháng sinh khác để điều trị bệnh lao tiềm ẩn hoặc hoạt động.

Nguồn gốc: Một loại kháng sinh bán tổng hợp được sản xuất từ ​​Streptomyces mediterranei. Nó có một phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm hoạt động chống lại một số dạng Mycobacterium. Ở các sinh vật nhạy cảm, nó ức chế hoạt động của RNA polymerase phụ thuộc DNA bằng cách tạo thành một phức hợp bền vững với enzym. Do đó, nó ngăn chặn sự khởi đầu của quá trình tổng hợp RNA. Rifampin có tác dụng diệt khuẩn và tác động lên cả sinh vật nội bào và ngoại bào. Rifampicin được phát hiện vào năm 1965, được bán tại Ý vào năm 1968 và được chấp thuận tại Hoa Kỳ vào năm 1971. Nó nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, tức là nhóm các loại thuốc hiệu quả và an toàn nhất cần thiết trong một hệ thống y tế.

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Rifampicin 

Tên biệt dược thường gặp: Isonarif, Rifadin, Rifamate, Rifater, Rofact

Rifampicin


2. Dạng bào chế

Viên nang Rifampicin 500 mg, Rifampicin 300 mg và Rifampicin 150 mg

Lọ Rifampicin 120 ml, nhũ dịch 1% để uống


3. Chỉ định

  • Điều trị tất cả các thể lao bao gồm cả lao màng não, thường phải phối hợp với các thuốc trị lao khác như isoniazid, pyrazinamid, ethambutol, streptomycin để phòng trực khuẩn đột biến kháng thuốc.
  • Điều trị phong: Đối với nhóm phong ít vi khuẩn, theo phác đồ kết hợp 2 thuốc, phải phối hợp rifampicin với thuốc trị phong dapson. Đối với nhóm phong nhiều vi khuẩn, theo phác đồ 3 thuốc, phối hợp rifampicin với dapson và clofazimin.

4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Kháng sinh đặc trị lao và phong

Rifampicin là một kháng sinh bán tổng hợp dẫn xuất từ rifamycin B. Rifampicin có hoạt tính với các vi khuẩn thuộc chủng Mycobacterium. Ở nồng độ 0,005 - 0,2 microgam/ml, rifampicin ức chế in vitro sự phát triển của Mycobacterium tuberculosis. Trong số các Mycobacterium, M. kaesaii, bị ức chế ở nồng độ 0,25 - 1 microgam/ml. Đa số các chủng Mycobacterium scrofulaceum, Mycobacterium intracellulareMycobacterium avium bị ức chế ở nồng độ 4 microgam/ml và một số kháng ở nồng độ 16 microgam/ml. Mycobacterium fortuitum rất kháng thuốc. Rifampicin làm tăng hoạt tính in vitro của streptomycin và isoniazid nhưng không làm tăng hoạt tính của ethambutol, đối với Mycobacterium tuberculosis. Rifampicin có tác dụng diệt khuẩn ở trực khuẩn đang tích cực nhân lên cũng như ở pha nghỉ. Rifampicin cũng có tác dụng đều đặn đến Mycobacterium leprae Mycobacterium bovis.

4.2. Dược động học

Hấp thu

Rifampicin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Khi uống liều 600 mg, sau 2 - 4 giờ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 7 - 9 microgam/ml. Thức ăn làm chậm và giảm hấp thu thuốc.

Phân bố

Thể tích phân bố bằng 1,6 ± 0,2 lít/kg. Liên kết với protein huyết tương 80%. Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô và dịch cơ thể, khuếch tán vào dịch não tủy khi màng não bị viêm. Thuốc vào được cả nhau thai và sữa mẹ.

Chuyển hóa

Rifampicin chuyển hóa ở gan. Thuốc bị khử acetyl nhanh thành chất chuyển hóa vẫn có hoạt tính (25-O-desacetyl-rifampicin). Các chất chuyển hóa khác đã xác định được là rifampin quinon, desacetyl-rifampin quinon, và 3-formyl-rifampin.

Thải trừ

Rifampicin thải trừ qua mật, phân và nước tiểu và trải qua chu trình ruột - gan. 60 - 65% liều dùng thải trừ qua phân. Khoảng 10% thuốc thải trừ ở dạng không biến đổi trong nước tiểu, 15% là chất chuyển hóa còn hoạt tính và 7% dẫn chất 3- formyl không còn hoạt tính.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

Liều dùng này áp dụng với dạng Viên nang Rifampicin 150 mg

  • Điều trị lao: Phải phối hợp với các thuốc trị lao khác như isoniazid, streptomycin, ethambutol theo phác đồ ở chuyên luận pyrazinamid. Liều dùng cho người lớn và trẻ em: 10 mg/kg, tối đa 600 mg, ngày 1 lần hoặc 2 - 3 lần/tuần. 
  • Điều trị phong: Phải phối hợp với các thuốc điều trị phong khác như dapson và clofazimin.

5.2. Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với rifampicin. 
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin ở những người nhạy cảm, do một cơ chế có liên quan tới việc gây cảm ứng enzym cytochrom P450 ở gan. 
  • Chống chỉ định tuyệt đối không phối hợp với các thuốc kháng protease: Amprenavir, indinavir, nelfinavir, ritonavir

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Sau khi nghỉ thuốc một thời gian, nếu muốn cho điều trị lại rifampicin, nên cho liều tăng dần. Ở người lớn có thể bắt đầu cho 150 mg/ngày, liều tăng dần mỗi ngày 150 mg cho tới khi đạt tới liều có ích. Phải theo dõi chức năng thận, huyết học. 
  • Với người suy gan, phải theo dõi chức năng gan trong quá trình điều trị. Vì rifampicin gây cảm ứng enzym, nên phải đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin tiềm tàng do quá trình hoạt hóa acid delta-amino levulinic synthetase. Cũng do hệ thống enzym ở trẻ đẻ non và trẻ mới sinh chưa hoàn thiện, nên chỉ dùng rifampicin cho các người bệnh này khi thật cần thiết. 
  • Dùng rifampicin phối hợp với isoniazid và pyrazinamid sẽ làm tăng độc tính với gan. Cần phải cân nhắc giữa nguy cơ gây tai biến và nhu cầu điều trị. 
  • Khi tiêm truyền tĩnh mạch phải cẩn thận, tránh thoát mạch.

5.4. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
Toàn thânRét run   X  
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, sốt  X   
Hệ thần kinhNgủ gà, mất điều hòa, khó tập trung ý nghĩ  X   
Nội tiếtRối loạn kinh nguyệt X    
Cơ, xươngYếu cơ   X  
Mắt
 
Viêm kết mạc xuất tiết  X   
Hệ máu và hạch bạch huyếtGiảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin và thiếu máu tan huyết   X  
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtKhó thở   X  
Hệ tiêu hóaỈa chảy, đau bụng, buồn nôn, chán ăn X    
Viêm đại tràng màng giả   X  
Da và mô dưới daBan da, ngứa kèm theo ban hoặc không X    
Ngoại ban, ban xuất huyết   X  
Thận và tiết niệuSuy thận nặng   X  
GanTăng transaminase, tăng phosphatase kiềm, tăng bilirubin huyết thanh, vàng da và rối loạn porphyrin thoáng qua  X   

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Các thí nghiệm trên súc vật cho thấy rifampicin có khả năng gây dị tật ở xương. Vì vậy rifampicin chỉ dùng cho phụ nữ mang thai khi đã xem xét cẩn thận các rủi ro và nhu cầu.

Cho con bú

Rifampicin đào thải qua sữa mẹ, nhưng hầu như không xảy ra nguy cơ với trẻ.

5.6. Tương tác thuốc

  • Thuốc kháng protease: Amprenavir, indinavir, nelfinavir, ritonavir, lopinavir/ritonavir, saquinavir: Giảm nồng độ huyết tương và hiệu quả của thuốc kháng protease do tăng chuyển hóa ở gan. 
  • Delavirdin: Giảm nhiều nồng độ trong huyết tương và hiệu quả của thuốc delavirdin do tăng chuyển hóa ở gan.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

  • Buồn nôn, nôn, ngủ lịm nhanh chóng xảy ra sau khi dùng quá liều. Da, nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, nước mắt, phân có màu đỏ nâu hoặc da cam, mức độ phụ thuộc vào lượng thuốc đã dùng. 
  • Gan to, đau, vàng da, tăng nồng độ bilirubin toàn phần và trực tiếp, có thể tăng nhanh nếu liều quá lớn. Tác dụng trực tiếp đến hệ tạo máu, cân bằng điện giải hoặc cân bằng acid base chưa được rõ.

Xử trí 

Khi ngộ độc, người bệnh thường buồn nôn và nôn, vì thế rửa dạ dày tốt hơn là gây nôn. Uống than hoạt làm tăng loại bỏ thuốc ở đường tiêu hóa. Bài niệu tích cực sẽ tăng thải trừ thuốc. Thẩm tách máu có thể tốt ở một số trường hợp.

Đang xem: Thuốc uống Rifampicin - Thuốc điều trị bệnh lao

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng