Thuốc uống Trihexyphenidyl hydroclorid - Thuốc chống Parkinson
Thông tin dành cho chuyên gia
Trihexyphenidyl hydroclorid là một loại thuốc chống co thắt được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ trong việc kiểm soát bệnh parkinson và điều trị các triệu chứng ngoại tháp do thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (CNS). |
Nguồn gốc: Trihexyphenidyl hydroclorid là một chất đối kháng muscarinic tác dụng trung ương được sử dụng để điều trị bệnh parkinson và các rối loạn ngoại tháp do thuốc gây ra. Khám phá của nó được công bố vào năm 1949 trong một nghiên cứu tìm kiếm các loại thuốc có hoạt tính chống co thắt. Nó đã được thay thế phần lớn bằng các loại thuốc như levodopa. Trihexyphenidyl đã được FDA chấp thuận vào ngày 13 tháng 5 năm 1949.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Trihexyphenidyl hydroclorid
Tên biệt dược thường gặp: Danapha-Trihex
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Viên nén
Các loại hàm lượng: Trihexyphenidyl hydroclorid 2 mg, Trihexyphenidyl hydroclorid 5 mg
3. Chỉ định
- Ðiều trị phụ trợ hội chứng Parkinson (các thể do xơ cứng mạch, sau viêm não hoặc không rõ nguyên nhân).
- Làm giảm hội chứng ngoại tháp do thuốc như thioxanthen, phenothiazin, butyrophenon nhưng không hiệu quả với các loạn vận động muộn.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc chống Parkinson
Trihexyphenidyl là một amin bậc 3 tổng hợp, kháng muscarin, trị Parkinson. Như các thuốc kháng muscarin khác, trihexyphenidyl có tác dụng ức chế hệ thần kinh đối giao cảm ngoại biên kiểu atropin, kể cả cơ trơn. Trihexyphenidyl có tác dụng trực tiếp chống co thắt cơ trơn, giãn đồng tử nhẹ, giảm tiết nước bọt và ức chế thần kinh phế vị của tim. Cơ chế chính xác của trihexyphenidyl trong hội chứng Parkinson chưa được rõ, có thể do phong bế các xung động ly tâm và ức chế trung tâm vận động ở não. Với liều thấp, thuốc ức chế thần kinh trung ương nhưng với liều cao lại kích thích giống như dấu hiệu của ngộ độc atropin. So với levodopa, trihexyphenidyl kém hiệu quả và lại độc hơn. Hiện nay thuốc này ít được dùng để điều trị bệnh Parkinson, mà chỉ dùng để phụ trợ cho levodopa, tuy thuốc có thể dùng làm giảm chứng run và giảm chảy nước bọt. Dùng dài ngày, trihexyphenidyl không ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp, hô hấp, gan, thận và tủy xương.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Trihexyphenidyl được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Tác dụng bắt đầu sau 1 giờ, cao nhất trong 2 - 3 giờ và kéo dài 6 - 12 giờ.
Phân bố
Chưa được nghiên cứu
Chuyển hóa
Nửa đời thải trừ 10,2 ± 4,7 giờ.
Thải trừ
Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Liều dùng này áp dụng với dạng viên nén Trihexyphenidyl hydroclorid 2 mg
- Hội chứng Parkinson: Ngày đầu 1 mg, sau đó cách 3 - 5 ngày tăng 2 mg cho tới khi đạt 6 - 10 mg mỗi ngày. Người bệnh có hội chứng Parkinson sau viêm não có thể dùng tới 12 - 15 mg/ngày.
- Rối loạn ngoại tháp do thuốc chống loạn thần: 5 - 15 mg/ngày. Liều đầu tiên 1 mg đã có thể kiềm chế được một số phản ứng, song nếu biểu hiện ngoại tháp không kiểm soát được trong vòng vài giờ thì cần tăng liều để đạt yêu cầu. Cũng có thể điều chỉnh bằng cách giảm liều của thuốc đã gây ra các phản ứng này, sau đó điều chỉnh liều của cả 2 thuốc. Khi đã kiểm soát được các rối loạn này trong nhiều ngày, có thể ngừng dùng hoặc giảm liều trihexyphenidyl.
5.2. Chống chỉ định
Loạn vận động muộn, nhược cơ, glocom góc đóng hay góc hẹp (tăng nhãn áp và thúc đẩy cơn cấp), trẻ em trong môi trường nhiệt độ cao.
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Người cao tuổi và trẻ em dễ nhạy cảm với các tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Thận trọng khi trời nóng và khi vận động.
- Thận trọng với người bệnh tim đập nhanh, phì đại tuyến tiền liệt, glocom góc mở, bí đái.
- Kiểm tra thường xuyên nhãn áp và đánh giá soi góc tiền phòng định kỳ.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chung | Mệt mỏi | X | |||||
Hệ tâm thần | Lú lẫn (đặc biệt ở người cao tuổi, bệnh nhân tổn thương não và người sa sút trí tuệ) | X | |||||
Mắt | Nhìn mờ do tác dụng kháng acetylcholin | X | |||||
Giảm tiết nước mắt | X | ||||||
Tim | Nhịp tim nhanh | X | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Khô họng | X | |||||
Hệ tiêu hóa | Khô miệng | X | |||||
Buồn nôn, táo bón | X | ||||||
Thận và tiết niệu | Bí đái | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Còn ít kinh nghiệm lâm sàng dùng thuốc cho phụ nữ có thai, chưa ghi nhận được tác dụng có hại.
Cho con bú
Chưa ghi nhận được nguy cơ nào ở trẻ em bú khi mẹ dùng trihexyphenidyl.
5.6. Tương tác thuốc
- Trihexyphenidyl làm giảm tác dụng của phenothiazin.
- Dùng với amantadin có thể làm tăng tác dụng kháng acetylcholin lên thần kinh trung ương.
- Trihexyphenidyl làm giảm hấp thu digoxin khi uống viên digoxin.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Kích động quá mức và co giật.
Xử trí
Nếu uống quá liều phải gây nôn, rửa dạ dày và có thể dùng diazepam để kiểm soát.
Viết bình luận