Thuốc, hoạt chất

Thuốc viên Quinin - Thuốc điều trị sốt rét

Thuốc viên Quinin - Thuốc điều trị sốt rét

Thuốc viên Quinin - Thuốc điều trị sốt rét

Thông tin dành cho chuyên gia


Quinin là một alkaloid được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét do Plasmodium falciparum không biến chứng.

Nguồn gốc: Quinin, một alkaloid chiết xuất từ vỏ cây canh-ki-na, là một thuốc chống sốt rét 4-methanolquinolin. Quinin lần đầu tiên được phân lập vào năm 1820 từ vỏ cây canh-ki-na, chất chiết xuất từ vỏ được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét từ ít nhất là năm 1632. Quinin có tác dụng diệt nhanh thể phân liệt của Plasmodium falciparum, P. vivax, P. ovale, P. malariae; ít tác dụng lên thể thoa trùng và thể tiền hồng cầu.

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Quinin

Tên biệt dược thường gặp: Mekoquinin, Quinin sulfat

Quinin


2. Dạng bào chế

Dạng bào chế: Viên nén, viên nang, viên bao đường

Các loại hàm lượng: Quinin sulfat 250 mg, 300 mg


3. Chỉ định

  • Bệnh sốt rét: Sốt rét thể nhẹ không biến chứng, sốt rét ác tính, sốt rét nặng, sốt rét có biến chứng. 
  • Bệnh cơ: Muối quinin được dùng điều trị và đề phòng rối loạn cơ ở chứng co cứng cơ ở cẳng chân tư thế nằm (chuột rút cẳng chân ban đêm). Ðiều trị tăng trương lực cơ bẩm sinh, teo cơ tăng trương lực. 
  • Bệnh do Babesia: Quinin dùng phối hợp với clindamycin để điều trị một số trường hợp nhiễm ký sinh trùng Babesia microti.

4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Thuốc chống sốt rét

Cơ chế tác dụng của quinin trên ký sinh trùng sốt rét là ngăn cản tổng hợp acid nucleic hoặc giảm chức năng của tiêu thể. Quinin làm giảm hấp thụ oxy và chuyển hóa carbohydrat, xen vào chuỗi ADN, làm gián đoạn quá trình nhân đôi và phiên mã của ký sinh trùng.

Quinin có tác dụng chủ yếu là diệt nhanh thể phân liệt của Plasmodium falciparum, P. vivax, P. ovale, P. malariae; ít tác dụng lên thể thoa trùng và tiền hồng cầu. Thuốc có tác dụng diệt thể giao tử của P. vivax, P. malariae, không có tác dụng diệt thể giao tử của P. falciparum. Do đó không dùng quinin để phòng bệnh. Quinin độc hơn, tác dụng kém hơn cloroquin trong phòng và điều trị sốt rét nhưng có giá trị đặc biệt để điều trị sốt rét nặng và sốt rét ác tính do P. falciparum kháng cloroquin hoặc do các chủng đa kháng gây ra.

Quinin còn có tác dụng lên cơ giống curare do làm tăng ngưỡng nơi tiếp nối thần kinh vận động, phong bế dẫn truyền xung động, do đó làm ngăn cản giải phóng acetylcholin. Quinin có tác dụng đối kháng physostigmin, giảm trương lực cơ, có thể gây suy hô hấp và rối loạn phát âm ở người bị bệnh nhược cơ.

4.2. Dược động học

Hấp thu

Khi uống muối quinin, ở người khỏe mạnh, 76 – 88% thuốc được hấp thu và đạt nồng độ tối đa trong máu sau 1 – 3 giờ. Sự hấp thu thuốc ít bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhưng bị chậm lại bởi các thuốc chống acid chứa nhôm.

Phân bố

Khoảng 70% gắn kết với protein huyết tương ở người khỏe mạnh và tăng đến 90% hoặc hơn ở người bệnh sốt rét. Quinin được phân bố rộng khắp cơ thể.

Chuyển hóa

Quinin chuyển hóa nhiều ở gan thành 4 chất chính, trong đó 3-hydroxyquinin là chất chuyển hóa chính có hoạt tính nhưng kém hơn quinin sulfat.

Thải trừ

Quinin bài tiết chủ yếu qua thận với 20% ở dạng không biến đổi. Một phần quinin bài tiết vào dịch mật, nước bọt và sữa.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

Liều dùng này áp dụng với dạng viên nang quinin sulfat 250 mg trong điều trị sốt rét do P. falciparumP. vivax, đặc biệt trong trường hợp đề kháng hoặc nghi ngờ đề kháng với Cloroquin hoặc các thuốc điều trị sốt rét nhóm amino-4-quinolin khác, đợt điều trị là 7 ngày

- Liều tính theo cân nặng: 30 mg/kg/ngày, chia 3 lần uống mỗi ngày

- Liều tính theo lứa tuổi: chia 3 lần uống mỗi ngày:

  • Người lớn và trẻ ≥ 15 tuổi: 6 viên/ngày. 
  • Trẻ từ 12 - 15 tuổi: 5 viên/ngày. 
  • Trẻ từ 5 - 12 tuổi: 3 viên/ngày. 
  • Trẻ từ 1 - 5 tuổi: 1,5 viên/ngày. 
  • Trẻ < 1 tuổi: 1 viên/ngày.

5.2. Chống chỉ định

  • Tiền sử quá mẫn với quinin, quinidin hoặc mefloquin, dị ứng với các đồ uống có chứa quinin làm gia vị. 
  • Ù tai, viêm dây thần kinh thị giác, tan huyết hoặc tiểu ra máu, nhược cơ.

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Có biểu hiện quá mẫn với quinin, quinidin hoặc mefloquin, đặc biệt khi có các biểu hiện ở da, phù mạch, các triệu chứng về thị giác hoặc thính giác. 
  • Người bệnh có rung nhĩ – thất, loạn nhịp, bệnh tim nặng, thiếu G6PD vì có thể gây tan huyết, bệnh sốt đái nước tiểu đen, hạ đường huyết, suy thận. Cần theo dõi và giảm liều. Tiêm tĩnh mạch hoặc truyền chậm, tiêm bắp sâu và thay đổi vị trí tiêm.
  • Phụ nữ có thai, trừ trường hợp sốt rét ác tính, sốt rét nặng.

5.4. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
ChungHội chứng quinin (cinchonism)     X
Hệ miễn dịchViêm da phát ban, phù nề, ban đỏ, phản ứng quá mẫn (hen suyễn, phù mạch, nhạy cảm với ánh sáng, da nóng và đỏ bừng, sốt, viêm ngứa, ban xuất huyết giảm tiểu cầu và mày đay).     X
Hệ thần kinhNhức đầu, chóng mặt, hưng phấn, mất ý thức, hôn mê, tử vong     X
Tâm thầnKích động, bối rối     X
Chuyển hóaHạ đường huyết     X
MắtNhìn mờ, trường thị giác bị thu hẹp, khiếm khuyết nhận biết màu sắc     X
TaiÙ tai, suy giảm thính lực     X
Tim
 
Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, giảm huyết áp cùng với mạch yếu, kéo dài khoảng QT, mở rộng phức bộ QRS, sóng T dẹt.     X
Hệ máu và hạch bạch huyếtGiảm tiểu cầu, đông máu nội mạch, giảm bạch cầu, tiểu huyết sắc tố, hội chứng tan máu-urê huyết, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt do tan máu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu.     X
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtCo thắt phế quản, khó thở     X
Hệ tiêu hóaTiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng     X
Da và mô dưới daĐỏ bừng, phát ban, nổi mày đay, viêm da nổi mề đay, phù nề, ban đỏ, viêm ngứa, nhạy cảm với ánh sáng, hội chứng Stevens-Johnson.     X
Cơ, xươngYếu cơ, trầm trọng thêm bệnh nhược cơ     X
Thận và tiết niệuSuy thận, thiểu niệu     X
Hệ sinh sảnSảy thai     X

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Chỉ dùng quinin khi bị sốt rét nặng, ác tính mà không có thuốc nào khác thích hợp để cứu tính mạng người bệnh. 

Khi dùng liều điều trị: Quinin không gây những khuyết tật khi sinh, nhưng làm tăng insulin và có thể gây hạ đường huyết nặng ở người mang thai. Quinin có thể gây xuất huyết giảm tiểu cầu ở mẹ và trẻ mới sinh, có thể gây tan huyết do thiếu G6PD ở trẻ mới sinh. 

Khi dùng liều cao: Với cả động vật và người mang thai, quinin gây các loại khuyết tật khi sinh khác nhau và độc hại đối với thính giác, gây co bóp tử cung và có thể làm sảy thai. Quinin đã từng được dùng liều cao để gây sảy thai khi thai chết lưu. Nhưng nếu dùng để phá thai trong 3 tháng đầu mà không thành công thì đã thấy những dị tật ở trẻ sinh ra. Quinin có tác dụng trợ đẻ ở ba tháng cuối thai kỳ.

Cho con bú

Quinin bài tiết một lượng nhỏ qua sữa. Không thấy tác dụng có hại đến trẻ bú mẹ, vì vậy quinin dùng được với người cho con bú.

5.6. Tương tác thuốc

  • Các thuốc kháng acid chứa nhôm có thể làm chậm hấp thu quinin qua đường tiêu hóa, vì vậy cần uống hai loại thuốc cách xa nhau. 
  • Cimetidin làm giảm thanh thải ở thận và tăng thời gian bán thải của quinin nên làm tăng nồng độ quinin trong huyết tương. Ranitidin ít gây tác dụng này. 
  • Rifampicin có thể làm tăng tốc độ thải trừ quinin lên 6 lần, làm giảm nồng độ quinin trong huyết tương. 
  • Các thuốc gây acid hóa nước tiểu có thể làm tăng thải trừ quinin vào nước tiểu. 
  • Quinin làm chậm hấp thu và tăng nồng độ digoxin trong huyết tương (và các glycosid tim liên quan). 
  • Quinin làm tăng nồng độ warfarin trong huyết tương (và các chất chống đông liên quan). 
  • Quinin tăng tác dụng của các thuốc phong bế thần kinh - cơ và đối kháng với các thuốc ức chế acetylcholinesterase, do quinin tác dụng lên các điểm nối thần kinh - cơ.
  • Tăng nguy cơ loạn nhịp thất nếu dùng với halofantrin hoặc các thuốc chống loạn nhịp như amiodaron, các thuốc kháng histamin astemizol, terfenadin, cisaprid và thuốc chống loạn thần pimozid. 
  • Có thể tăng nguy cơ co giật hoặc loạn nhịp thất nặng khi dùng quinin với mefloquin.
  • Tránh dùng đồng thời quinin với kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, troleandomycin), ritonavir, artemether, lumefantrin, conivaptan, silodosin, topotecan. 
  • Dùng chung quinin với atorvastatin có thể tăng nguy cơ mắc bệnh về cơ hoặc tiêu cơ vân.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

  • Các triệu chứng ngộ độc cấp tính gồm buồn nôn, nôn, ù tai, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, mắt đỏ, giảm thị lực, mù do giãn cứng đồng tử, sốt, lú lẫn, động kinh. 
  • Ngộ độc mạn tính do quinin gây ra: Tán huyết nặng, hemoglobin huyết, hemoglobin niệu, nếu không chữa có thể gây suy thận và tử vong. 
  • Các triệu chứng nghiêm trọng khi dùng thuốc quá liều: Co giật, suy giảm ý thức, hôn mê, ức chế hô hấp, kéo dài khoảng QT, loạn nhịp thất, sốc tim, suy thận.

Xử trí 

Chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ, chú ý duy trì huyết áp, hô hấp, chức năng thận và chữa loạn nhịp tim. Các biện pháp bao gồm: 

  • Hạn chế hấp thu: Uống than hoạt tính, liều 25 – 50 g (trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc), rửa dạ dày, ruột. 
  • Tăng thải trừ: Uống than hoạt ở dạng hạt, khởi đầu uống 50 g sau đó cứ 4 giờ uống 25 g, lặp lại nhiều lần. 
  • Pḥòng hoặc phục hồi tổn thương võng mạc bằng cách dùng thuốc giãn mạch và phong bế hạch sao. 
  • Trường hợp nhiễm độc tim nặng: Dùng thuốc tăng lực co cơ như isoprenalin, dopamin hoặc prenalterol. 
  • Chữa co giật: Dùng diazepam 5 – 10 mg, trẻ em dùng 0,1 – 0,2 mg/ kg. 
  • Điều trị loạn nhịp tim theo loại loạn nhịp, mức độ và tình trạng tim.

Đang xem: Thuốc viên Quinin - Thuốc điều trị sốt rét

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng