Viên nang Clodronat disodium - Thuốc ức chế tiêu hủy xương
Thông tin dành cho chuyên gia
Clodronat disodium là một bisphosphonat được sử dụng để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, tăng canxi huyết do bệnh ác tính và tiêu xương do bệnh ác tính. |
Nguồn gốc: Clodronat disodium, muối dinatri của acid clodronic, là một bisphosphonat thế hệ đầu tiên, tương tự như acid etidronic và acid tiludronic. Những loại thuốc này bắt chước hoạt động của pyrophosphat, một chất điều chỉnh quá trình vôi hóa và mất calci. Clodronat disodium không được FDA chấp thuận nhưng được chấp thuận sử dụng ở Canada.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Clodronat disodium
Tên biệt dược thường gặp: Bonefos
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Viên nang
Các loại hàm lượng: Clodronat disodium 400 mg
3. Chỉ định
- Điều trị chứng tiêu hủy xương, tăng calci huyết và đau xương do di căn xương ở bệnh nhân ung thư vú hoặc đa u tủy xương.
- Duy trì nồng độ calci huyết thanh ở những bệnh nhân tăng calci huyết do bệnh ác tính được điều trị ban đầu bằng natri clodronat truyền tĩnh mạch.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc ức chế tiêu xương, điều trị loãng xương nhóm bisphosphonat
Cơ chế tác dụng: Clodronat disodium ngăn chặn quá trình hủy xương qua trung gian tế bào hủy xương được đánh giá bằng mô học xương; và làm giảm nồng độ calci huyết thanh, calci trong nước tiểu và bài tiết hydroxyprolin trong nước tiểu mà không ảnh hưởng xấu đến quá trình khoáng hóa.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Sự hấp thu qua đường tiêu hóa của clodronat thấp, khoảng 2%. Clodronat hấp thu nhanh chóng, nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được sau khi uống một liều duy nhất trong vòng 30 phút. Sự hấp thu không đáng kể khi dùng clodronat trong bữa ăn hoặc các thuốc có chứa cation hóa trị hai.
Phân bố
Liên kết với protein huyết tương của clodronat thấp, khoảng 36%. Thể tích phân bố là 20-50 l.
Thải trừ
Clodronat được thải trừ chủ yếu qua thận. Khoảng 80% clodronat được hấp thụ xuất hiện trong nước tiểu trong vài ngày. Chất gắn với xương (khoảng 20% lượng hấp thu) được bài tiết chậm hơn, và độ thanh thải qua thận bằng khoảng 75% độ thanh thải trong huyết tương. Độ thanh thải qua thận của clodronat là khoảng 90 ml/phút.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
- Liều khuyến cáo: 1600 mg/ngày. Nếu cần, có thể tăng liều lượng nhưng không được vượt quá 3200 mg/ngày.
- Liều 1600 mg/ngày nên được dùng như một liều duy nhất.
- Tốt nhất nên uống thuốc vào buổi sáng lúc bụng đói cùng với một cốc nước. Sau đó, bệnh nhân nên hạn chế ăn, uống (trừ nước lọc) và dùng các thuốc đường uống khác trong vòng một giờ.
- Khi sử dụng liều cao hơn 1600 mg/ngày, phần liều vượt quá nên được uống riêng (như liều thứ hai) như sau: Sử dụng thuốc hai lần/ngày, liều đầu tiên 1600 mg/ngày nên được uống như hướng dẫn ở trên. Liều thứ hai nên được thực hiện giữa các bữa ăn, ít nhất hai giờ sau khi ăn và một giờ trước khi ăn, uống (trừ nước lọc), hoặc dùng bất kỳ loại thuốc đường uống nào khác.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với clodronat (hay acid clodronic)
- Suy thận nặng với độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút
- Sử dụng đồng thời với các bisphosphonat khác
5.3. Thận trọng
- Cần uống đủ nước khi điều trị bằng clodronat, đặc biệt ở những bệnh nhân tăng calcii huyết hoặc suy thận. Cần theo dõi chức năng thận với nồng độ creatinin huyết thanh, calci và phosphat huyết thanh trước và trong khi điều trị.
- Hoại tử xương hàm, liên quan đến nhổ răng và/hoặc nhiễm trùng cục bộ (bao gồm cả viêm tủy xương) đã được báo cáo ở những bệnh nhân ung thư được điều trị chủ yếu bằng bisphosphonat tiêm tĩnh mạch. Nhiều bệnh nhân trong số này cũng đang được hóa trị và dùng corticosteroid. Hoại tử xương hàm cũng đã được báo cáo ở những bệnh nhân bị loãng xương dùng bisphosphonat đường uống.
- Cần thực hiện khám nha khoa trước khi điều trị bằng bisphosphonat ở những bệnh nhân có đồng thời các yếu tố nguy cơ (ung thư, hóa trị, xạ trị, sử dụng corticosteroid, vệ sinh răng miệng kém). Trong khi điều trị, những bệnh nhân này nên tránh các thủ thuật nha khoa xâm lấn nếu có thể.
- Khi điều trị dài hạn với bisphosphonat có thể gây ra hoại tử ống tai ngoài.
- Gãy xương đùi không điển hình đã được báo cáo khi điều trị bằng bisphosphonat, chủ yếu ở những bệnh nhân điều trị bệnh loãng xương sử dụng thuốc lâu dài.
- Trong khi điều trị bằng bisphosphonat, bệnh nhân nên báo với bác sĩ khi có bất kì cơn đau nào ở đùi, hông hoặc háng và cần được đánh giá về tình trạng gãy xương đùi không hoàn toàn.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chuyển hóa | Hạ calci máu không triệu chứng | X | |||||
Hạ calci máu có triệu chứng, tăng nồng độ hormon tuyến cận giáp trong huyết thanh kết hợp giảm nồng độ calci huyết thanh, tăng nồng độ phosphatase kiềm trong huyết thanh | X | ||||||
Mắt | Viêm màng bồ đào, viêm kết mạc | X | |||||
Tai | U xương của ống thính giác bên ngoài | X | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Cơ thắt phế quản ở bệnh nhân có và không có tiền sử hen | X | |||||
Suy giảm chức năng hô hấp ở bệnh nhân hen suyễn nhạy cảm với aspirin, rối loạn hô hấp | X | ||||||
Hệ tiêu hóa | Bệnh tiêu chảy, buồn nôn, nôn | X | |||||
Gan mật | Tăng transaminase (trong giới hạn bình thường) | X | |||||
Tăng transaminase lên gấp đôi bình thường mà không kèm theo chức năng gan bất thường | X | ||||||
Da và mô dưới da | Ngứa, nổi mề đay, viêm da tróc vảy | X | |||||
Cơ, xương | Gãy xương đùi | X | |||||
Hoại tử xương hàm, đau xương khớp, đau cơ | X | ||||||
Thận và tiết niệu | Suy giảm chức năng thận (tăng creatinin huyết thanh và protein niệu), tổn thương thận nặng. Các trường hợp suy thận đơn lẻ, trong một số ít trường hợp dẫn đến tử vong, đặc biệt khi sử dụng đồng thời NSAID, thường là diclofenac. | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Có rất ít dữ liệu về việc sử dụng clodronat disodium ở phụ nữ có thai. Ở động vật, clodronat đi qua hàng rào nhau thai nhưng không biết thuốc có đi qua nhau thai ở người hay có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi và khả năng sinh sản ở người hay không. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy độc tính về khả năng sinh sản. Do đó, không khuyến cáo sử dụng natri clodronat trong thời kỳ mang thai.
Cho con bú
Chưa biết liệu clodronat có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Không loại trừ rủi ro đối với trẻ bú mẹ. Nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị bằng clodronat.
5.6. Tương tác thuốc
- Các aminoglycosid có thể gây hạ calci huyết khi dùng đồng thời với clodronat.
- Sử dụng chung với các thuốc có độc tính với thận như: aminoglycosid, methotrexat ở liều cao, một số thuốc kháng virus như pentamidin, foscarnet, “ciclovirs”, ciclosporin hoặc tacrolimus làm tăng nguy cơ nhiễm độc thận.
- Sử dụng NSAIDs, aspirin đồng thời với clodronat disodium: Nguy cơ gây thêm tác dụng độc thận, đặc biệt ở người cao tuổi. Theo dõi chức năng thận khi bắt đầu điều trị bằng NSAID.
- Sử dụng đồng thời estramustin phosphat với clodronat làm tăng nồng độ estramustin phosphat trong huyết thanh tối đa lên 80%.
- Thuốc kháng acid có thể làm giảm khả năng hấp thu của clodronat disodium.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Một trường hợp suy thận cấp và tổn thương gan đã được báo cáo sau khi vô tình uống 20.000 mg clodronat.
Xử trí
Xử trí quá liều bằng cách điều trị triệu chứng. Cần đảm bảo đủ nước và theo dõi chức năng thận, gan và nồng độ calci huyết thanh. Cần theo dõi calci huyết thanh và nếu cần có thể bổ sung calci qua đường uống hoặc đường tiêm.
Viết bình luận