Viên nén Carvedilol - Thuốc điều trị tăng huyết áp
Thông tin dành cho chuyên gia
Carvedilol là một chất đối kháng thụ thể beta-adrenergic không chọn lọc được sử dụng để điều trị suy tim mãn tính từ nhẹ đến nặng, tăng huyết áp và rối loạn chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng. |
Nguồn gốc: Carvedilol là một hỗn hợp racemic gồm 2 đồng phân với tác dụng khác nhau: đồng phân S (-) là chất chẹn thụ thể beta và alpha-1 và đồng phân R (+) là chất chẹn thụ thể alpha-1. Carvedilol được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, suy tim và đau thắt ngực. Carvedilol được FDA chấp thuận sử dụng vào ngày 14/9/1995.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Carvedilol
Tên biệt dược thường gặp: Cardilol, Coryol, Cervelmed, Carvesyl, SaVi carvedilol, Vedicard
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Viên nén, viên nén bao phim
Các loại hàm lượng: Carvedilol 3,125 mg; 6,25 mg; 12,5 mg; 25 mg
3. Chỉ định
- Tăng huyết áp
- Điều trị suy tim
- Đau thắt ngực.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc ức chế không chọn lọc thụ thể beta-adrenergic, chống tăng huyết áp, chống đau thắt ngực và suy tim sung huyết.
Cơ chế tác dụng: Carvedilol là một hỗn hợp racemic có tác dụng giãn mạch do chẹn không chọn lọc thụ thể beta-adrenergic, chẹn chọn lọc alpha-1-adrenergic và ở liều cao còn có tác dụng chẹn kênh calci. Carvedilol không có tác dụng nội tại giống giao cảm nhưng có tác dụng vững bền màng tế bào yếu. Ngoài ra, carvedilol còn có tác dụng chống oxy hóa. Nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh khi dùng kết hợp thuốc chẹn thụ thể alpha-1 và beta làm tần số tim hơi giảm hoặc không thay đổi khi nghỉ ngơi, duy trì phân số tống máu và lưu lượng máu ở thận và ngoại biên.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Carvedilol hấp thu không hoàn toàn ở đường tiêu hóa và bị chuyển hóa mạnh lần đầu qua gan nên khả dụng sinh học tuyệt đối dao động 20 - 25%. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được sau khi uống khoảng 1 - 2 giờ.
Phân bố
Trong máu thuốc gắn vào protein khoảng 98%. Thể tích phân bố khoảng 2 lít/kg.
Chuyển hóa
Thuốc được chuyển hóa mạnh ở gan thông qua CYP 2D6 và CYP 2C9. Ba chất chuyển hóa đều có hoạt tính chẹn thụ thể beta, nhưng do nồng độ các chất này ở trong máu thấp và tác dụng giãn mạch yếu nên không góp phần đáng kể vào tác dụng của thuốc.
Thải trừ
Các chất chuyển hóa thải trừ chủ yếu qua gan và chỉ khoảng 15% liều uống được thải trừ qua thận. Do vậy, không cần chỉnh liều carvedilol ở người suy thận. Thời gian bán thải của carvedilol là 6 - 10 giờ sau khi uống.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
- Tăng huyết áp: liều đầu tiên 6,25 mg x 2 lần/ngày, sau 1 đến 2 tuần tăng lên tới 12,5 mg x 2 lần/ngày. Nếu cần, liều có thể tăng thêm, cách nhau ít nhất 2 tuần, cho tới tối đa 50 mg, ngày uống 1 lần, hoặc chia làm nhiều liều
- Đau thắt ngực: Khởi đầu dùng liều 12,5 mg x 2 lần/ngày; sau 2 ngày tăng tới 25 mg x 2 lần/ngày.
- Suy tim: Liều khởi đầu là 3,125 mg x 2 lần/ngày. Liều mục tiêu là 25 mg x 2 lần/ngày hoặc tăng đến 50 mg x 2 lần/ngày ở bệnh nhân > 85 kg.
- Bệnh nhân có rối loạn thất trái sau nhồi máu cơ tim: liều khởi đầu 6,25 mg x 2 lần/ngày, sau 3 - 10 ngày có thể tăng liều 12,5 mg x 2 lần/ngày và liều cuối cùng có thể dùng 25 mg x 2 lần/ngày
- Bệnh cơ tim vô căn: 6,25 - 25 mg/lần x 2 lần/ngày.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với carvedilol
- Suy tim cấp.
- Suy tim sung huyết mất bù (NYHA độ III - IV) chưa được điều trị với phác đồ chuẩn.
- Hen phế quản hoặc bệnh co thắt phế quản (có thể dẫn đến cơn hen).
- Sốc do tim, nhịp tim chậm nặng hoặc blốc nhĩ - thất độ II hoặc độ III.
- Suy gan có triệu chứng, suy gan nặng
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Người bệnh suy tim sung huyết điều trị với digitalin, thuốc lợi tiểu, hoặc thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin vì hiệp đồng tác dụng gây tụt huyết áp hoặc/và dẫn truyền nhĩ - thất có thể bị chậm lại
- Người bệnh có đái tháo đường không hoặc khó kiểm soát, vì thuốc chẹn thụ thể beta có thể che lấp triệu chứng hạ đường huyết
- Người có bệnh động mạch ngoại biên, người bệnh gây mê, người có hội chứng nhiễm độc giáp.
- Nếu người bệnh không dung nạp các thuốc chống tăng huyết áp khác, có thể dùng thận trọng liều rất nhỏ carvedilol cho người tăng huyết áp có bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính.
- Tránh ngừng thuốc đột ngột, phải ngừng thuốc trong thời gian 1 - 2 tuần.
- Phải cân nhắc nguy cơ loạn nhịp tim, nếu dùng carvedilol đồng thời với ngửi thuốc mê. Phải cân nhắc nguy cơ nếu kết hợp carvedilol với thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I.
- Chưa xác định được tính an toàn và hiệu lực của carvedilol ở trẻ em
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chung | Suy nhược | X | |||||
Hệ miễn dịch | Quá mẫn | X | |||||
Tâm thần | Tâm trạng chán nản, trầm cảm | X | |||||
Rối loạn giấc ngủ, lú lẫn | X | ||||||
Hệ thần kinh | Chóng mặt, nhức đầu | X | |||||
Ngất, loạn cảm | X | ||||||
Chuyển hóa | Tăng cân, tăng cholesterol máu, kiểm soát đường huyết kém (tăng đường huyết, hạ đường huyết) ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường từ trước | X | |||||
Mắt | Suy giảm thị lực, giảm tiết nước mắt (khô mắt), kích ứng mắt | X | |||||
Tim | Nhịp tim chậm, phù nề, quá tải dịch | X | |||||
Block nhĩ thất, cơn đau thắt ngực | X | ||||||
Mạch máu | Hạ huyết áp | X | |||||
Hạ huyết áp tư thế, rối loạn tuần hoàn ngoại vi (lạnh chi, bệnh mạch máu ngoại biên, đợt cấp từng cơn và hiện tượng Raynaud) | X | ||||||
Hệ máu và hạch bạch huyết | Thiếu máu | X | |||||
Giảm tiểu cầu | X | ||||||
Giảm bạch cầu | X | ||||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Khó thở, phù phổi, hen suyễn ở những bệnh nhân dễ mắc | X | |||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, khó tiêu, đau bụng | X | |||||
Khô miệng | X | ||||||
Gan mật | Tăng AST, ALT, GGT | X | |||||
Da và mô dưới da | Ngoại ban dị ứng, viêm da, nổi mày đay, ngứa, vảy nến, tăng tiết mồ hôi, rụng tóc | X | |||||
Ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc | X | ||||||
Cơ, xương | Đau tứ chi | X | |||||
Thận và tiết niệu | Suy thận và bất thường chức năng thận ở bệnh nhân mắc bệnh mạch máu lan tỏa | X | |||||
Tiểu són ở phụ nữ | X | ||||||
Hệ sinh sản | Rối loạn cương dương | X | |||||
Xuất huyết âm đạo | X | ||||||
Nhiễm trùng và nhiễm độc | Viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm trùng đường tiết niệu | X |
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Carvedilol đã gây tác hại lâm sàng trên thai. Chỉ dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích mong đợi lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra và như thường lệ, không dùng trong ba tháng cuối của thời kỳ mang thai hoặc gần lúc đẻ. Tác dụng không mong muốn đối với thai như nhịp tim chậm, giảm huyết áp, ức chế hô hấp, giảm glucose - máu và giảm thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có thể do mang thai đã dùng carvedilol.
Cho con bú
Carvedilol có thể bài tiết vào sữa mẹ. Chưa thấy nguy cơ tác dụng không mong muốn ở trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, để phòng các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, người đang cho con bú không nên dùng carvedilol hoặc đang dùng thuốc thì ngừng cho con bú.
5.6. Tương tác thuốc
- Rifampicin có thể giảm nồng độ huyết tương của carvedilol tới 70%.
- Tác dụng của các thuốc chẹn beta khác giảm khi kết hợp với muối nhôm, barbiturat, muối calci, cholestyramin, colestipol, thuốc chẹn không chọn lọc thụ thể alpha-1, penicillin (ampicillin), salicylat, và sulfinpyrazon do giảm khả dụng sinh học và nồng độ huyết tương.
- Carvedilol có thể tăng tác dụng của thuốc chống đái tháo đường, thuốc chẹn kênh - calci, digoxin.
- Tương tác của carvedilol với clonidin có thể dẫn đến tác dụng làm tăng huyết áp và giảm nhịp tim.
- Cimetidin làm tăng tác dụng và khả dụng sinh học của carvedilol.
- Những thuốc khác có khả năng làm tăng nồng độ và tác dụng của carvedilol bao gồm quinidin, fluoxetin, paroxetin, và propafenon vì những thuốc này ức chế CYP2D6.
- Carvedilol làm tăng nồng độ digoxin khoảng 20% khi uống cùng một lúc.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Tụt huyết áp, chậm nhịp tim, suy tim, sốc tim, ngừng tim. Ngoài ra, carvedilol còn có thể gây ra co thắt phế quản, nôn, lú lẫn, động kinh toàn thể
Xử trí
Khi có các triệu chứng quá liều bệnh nhân cần phải được nằm đầu thấp và đưa vào khu cấp cứu. Trước hết bệnh nhân phải được rửa dạ dày, sau đó tùy vào dấu hiệu quá liều sẽ tiến hành các bước sau:
- Nếu nhịp tim rất chậm: Tiêm tĩnh mạch atropin 2 mg.
- Hỗ trợ chức năng tim: Tiêm tĩnh mạch glucagon 5 mg nhanh trong 30 giây, tiếp theo dùng dobutamin hoặc isoprenalin hoặc adrenalin dựa trên cân nặng của bệnh nhân.
- Nếu nhịp chậm không đáp ứng với thuốc cần phải đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân.
- Trường hợp xuất hiện dấu hiệu co thắt phế quản cần tiêm tĩnh mạch aminophylin.
- Nếu xuất hiện dấu hiệu động kinh, tiêm tĩnh mạch chậm diazepam hoặc clonazepam.
- Trường hợp quá liều có dấu hiệu sốc tim nặng, cần tiếp tục duy trì phác đồ trên trong vòng 7 - 10 giờ.
Viết bình luận