Thuốc, hoạt chất

Viên nén Felodipin - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Viên nén Felodipin - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Viên nén Felodipin - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Thông tin dành cho chuyên gia


Felodipin là thuốc chẹn kênh calci được sử dụng để điều trị tăng huyết áp.

Nguồn gốc: Felodipin là thuốc chẹn kênh calci có tác dụng kéo dài, thuộc nhóm 1,4-dihydropyridin. Nó được cấp bằng sáng chế vào năm 1978 và được chấp thuận cho sử dụng y tế vào năm 1988.

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Felodipin

Tên biệt dược thường gặp: Plendil, Felodil, Enfelo, Felodipin Stada, Mibeplen

Felodipin


2. Dạng bào chế

Dạng bào chế: Viên nén phóng thích kéo dài, viên nén bao phim phóng thích kéo dài

Các loại hàm lượng: Felodipin 2,5 mg; 5 mg; 10 mg.


3. Chỉ định

  • Tăng huyết áp
  • Dự phòng đau thắt ngực ổn định

4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Thuốc chẹn kênh calci

Cơ chế tác dụng: Felodipin là một chất chẹn kênh calci chậm có tính chất chọn lọc thuộc dẫn chất 1,4-dihydropyridin. Ở nồng độ thấp, thuốc ức chế calci đi vào trong tế bào cơ trơn bằng cách tác động đến kênh calci chậm. Do vậy, felodipin tác động trên quá trình điện sinh lý và cơ học (ức chế cặp kích thích - co cơ) nên làm giảm trương lực động mạch, dẫn đến tác dụng giãn mạch làm hạ huyết áp. Giãn thành các tiểu động mạch đã làm tăng đường kính động mạch và duy trì được, có khi còn làm tăng lưu lượng máu tại vùng (động mạch vành, thận, não), làm lợi tiểu nhẹ, bài tiết natri ngắn ngày và không giữ nước và muối khi điều trị lâu dài. Do tính chất chọn lọc cao đối với cơ trơn thành tiểu động mạch nên felodipin ở liều điều trị không gây tác dụng trực tiếp đến tim, đặc biệt đến tính co bóp cơ tim hoặc tính dẫn truyền. Trái với điều trị cấp tính, điều trị lâu dài không làm tăng tần số tim. 

Felodipin có tác dụng chống đau thắt ngực nhờ cải thiện sự cân bằng trong cung và cầu oxygen cho cơ tim, sức cản động mạch vành giảm và felodipin chống lại co thắt động mạch vành. Lưu lượng động mạch vành cũng như lượng cung cấp oxygen cho cơ tim tăng lên nhờ mạch vành giãn ra. Felodipin giảm huyết áp toàn thân nên làm giảm hậu gánh thất trái, do đó làm giảm nhu cầu oxygen của cơ tim. 

4.2. Dược động học

Hấp thu

Felodipin được hấp thu hoàn toàn qua đường tiêu hóa sau khi sử dụng viên nén phóng thích kéo dài. Với viên nén phóng thích kéo dài, giai đoạn hấp thu được kéo dài dẫn đến nồng độ felodipin trong huyết tường đều trong khoảng điều trị trong 24 giờ. Sinh khả dụng toàn thân là khoảng 15%, không phụ thuộc vào liều.

Phân bố

Khoảng 99% felodipin trong máu được liên kết với protein, chủ yếu là albumin.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa mạnh qua gan (chuyển hóa lần đầu qua CYP 3A4) và tất cả các chất chuyển hóa được xác định đều không hoạt động.

Thải trừ

Thời gian bán thải trung bình của felodipin là 25 giờ. Không có sự tích lũy thuốc nào đáng kể khi dùng thuốc lâu dài. Felodipin được thải trừ dưới dạng các chất chuyển hóa qua nước tiểu (khoảng 70%), phần còn được đào thải qua phân.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

- Tăng huyết áp: 

  • Liều khởi đầu ở người lớn là 5 mg/ngày, uống một lần. 
  • Liều dùng cần được điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh và sự dung nạp thuốc sau khoảng 2 tuần dùng thuốc. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, có thể giảm liều tới 2,5 mg/ngày hoặc tăng liều lên 10 mg/ngày. 
  • Nếu liều 10 mg/ngày không đủ để kiểm soát được huyết áp, có thể dùng thêm một thuốc chống tăng huyết áp khác. 
  • Liều duy trì: 2,5 – 20 mg/ngày, uống một lần buổi sáng. 

- Dự phòng đau thắt ngực: Khởi đầu 5 mg/ngày uống 1 lần vào buổi sáng, tăng lên 10 mg/ngày nếu cần.

5.2. Chống chỉ định

  • Quá mẫn với felodipin và các dihydropyridin khác
  • Nhồi máu cơ tim cấp (trong vòng 1 tháng). 
  • Suy tim mất bù hoặc chưa kiểm soát được trừ khi suy tim đã được ổn định hoặc đã được kiểm soát. 
  • Đau thắt ngực không ổn định. 
  • Các biệt dược chứa felodipin có dùng dầu thầu dầu làm tá dược được chống chỉ định khi bị tắc ruột. Các biệt dược chứa felodipin có dùng lactose làm tá dược được chống chỉ định cho những người bệnh bị bệnh galactose huyết bẩm sinh, bị hội chứng kém hấp thu glucose và galactose, hoặc bị thiếu enzym lactase

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Người bệnh cao tuổi, người suy gan nặng
  • Người bị rối loạn chức năng thất trái vì có thể gây suy tim, nhất là khi kết hợp với thuốc ức chế beta giao cảm
  • Không dùng felodipin cho trẻ em vì hiệu quả và khả năng dung nạp thuốc ở trẻ em chưa được xác định. 
  • Felodipin có thể gây tụt huyết áp, ngất hoặc nhịp nhanh phản xạ dẫn tới kích hoạt cơn đau thắt ngực.
  • Cần phải ngừng felodipin nếu sau khi bắt đầu điều trị thấy xuất hiện cơn đau thắt ngực hoặc bệnh đau thắt ngực nặng lên hoặc có sốc tim. 
  • Nên tránh dùng đồng thời felodipin với các thuốc cảm ứng hoặc ức chế mạnh enzym CYP3A4 vì có thể dẫn đến giảm hoặc tăng nồng độ felodipin trong huyết tương một cách đáng kể. 
  • Không uống thuốc với nước ép bưởi chùm. 
  • Tăng sản nướu hoặc phì đại nướu nhẹ đã được báo cáo ở những bệnh nhân bị viêm nha chu nặng. Tình trạng này có thể được phòng tránh hoặc hồi phục bằng cách vệ sinh răng miệng cẩn thận. 
  • Felodipin có thể gây giữ nước (phù nề) ở một số bệnh nhân (đầy hơi, sưng mặt, cánh tay, bàn tay, cẳng chân, bàn chân, bàn tay hoặc bàn chân bị ngứa, tăng hoặc giảm cân bất thường).

5.4. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
ChungPhùX     
Mệt mỏi  X   
Hệ miễn dịchPhản ứng quá mẫn    X 
Hệ thần kinhĐau đầu X    
Chóng mặt, loạn cảm  X   
TimNhịp tim nhanh, đánh trống ngực  X   
Mạch máuĐỏ bừng X    
Huyết áp thấp  X   
Ngất   X  
Hệ tiêu hóaBuồn nôn, đau bụng  X   
Nôn   X  
Tăng sản nướu, viêm nướu    X 
Gan mậtTăng men gan    X 
Da và mô dưới daPhát ban, ngứa  X   
Mày đay   X  
Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng    X 
Cơ, xươngĐau khớp, đau cơ   X  
Thận và tiết niệuTiểu rát    X 
Hệ sinh sảnLiệt dương   X  
Xuất huyết âm đạo   X  

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Thử nghiệm trên động vật cho thấy thuốc có khả năng kéo dài quá trình sinh nở. Do vậy không nên dùng felodipin cho phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai

Cho con bú

Thận trọng, không nên chỉ định felodipin cho phụ nữ đang cho con bú

5.6. Tương tác thuốc

  • Thuốc chuyển hóa qua CYP3A4, các thuốc gây ức chế CYP3A4 như ketoconazol, itraconazol, erythromycin, nước bưởi, cimetidin có thể ức chế chuyển hóa của felodipin, dẫn đến làm tăng nồng độ thuốc trong máu, tăng tác dụng của thuốc. 
  • Các thuốc trong nhóm ức chế kênh calci (trong đó có felodipin) không nên dùng kết hợp với dantrolen vì gây ra trụy tim mạch cấp có tăng kali huyết rõ rệt. 
  • Phenytoin, carbamazepin, phenobarbital, primidon, oxacarbazepin làm giảm nồng độ felodipin trong máu do hiện tượng cảm ứng enzym gây tăng chuyển hóa ở gan. Cần theo dõi lâm sàng và điều chỉnh liều felodipin trong và sau khi kết hợp với các thuốc cảm ứng enzym ở trên. 
  • Baclofen làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, đặc biệt thế đứng. Phải theo dõi huyết áp và điều chỉnh liều nếu cần. 
  • Rifampicin làm giảm nồng độ của felodipin (và các chất đối kháng calci nói chung) huyết tương do tăng chuyển hóa ở gan. Cần thiết phải theo dõi biểu hiện lâm sàng và điều chỉnh liều felodipin trong và sau khi kết hợp với rifampicin. 
  • Các thuốc chẹn beta: Dùng kết hợp felodipin với các thuốc chẹn beta giao cảm có thể gây hạ huyết áp quá mức, làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim ở người bệnh suy tim tiềm tàng hoặc không được kiểm soát. 
  • Các corticoid: Làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của felodipin vì các corticoid giữ nước và muối. 
  • Các thuốc an thần: Tăng cường tác dụng hạ huyết áp cũng như nguy cơ hạ huyết áp thế đứng. 
  • Các thuốc chống trầm cảm họ imipramin: Tăng cường tác dụng hạ huyết áp cũng như nguy cơ hạ huyết áp thế đứng. 
  • Cyclosporin, dasatinib, dẫn chất prostacyclin, chất ức chế protease, quinupristin, làm tăng tác dụng của felodipin. 
  • Felodipin làm tăng tác dụng các thuốc: Amifostin, cơ chất của CYP2C8, muối magnesi, các thuốc ức chế thần kinh cơ (thuốc chống khử cực), natri nitroprusiat, phenytoin, rituximab, tacrolimus. 
  • Felodipin làm giảm tác dụng của clopidogrel. 
  • Rượu làm tăng hấp thu felodipin do đó làm tăng tác dụng. 
  • Tránh dùng cùng với sâm, yohimb do làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp, tránh dùng kèm tỏi do làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

Gây giãn mạch ngoại vi quá mức kèm theo tụt huyết áp và đôi khi chậm nhịp tim.

Xử trí 

Khi xuất hiện tụt huyết áp trầm trọng, cần điều trị triệu chứng. Người bệnh cần đặt nằm ngửa, chân kê cao. Nếu nhịp tim chậm cần tiêm atropin tĩnh mạch 0,5 - 1,0 mg. Nếu không hiệu quả, phải làm tăng thể tích huyết tương bằng một dung dịch truyền như glucose, nước muối sinh lý hoặc dextran. Những thuốc giống thần kinh giao cảm có tác dụng mạnh hơn trên thụ thể alpha1 (isoprenalin, dopamin hoặc noradrenalin) có thể được sử dụng nếu như tất cả các biện pháp kể trên không mang lại hiệu quả.

Đang xem: Viên nén Felodipin - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng