Viên nén Niclosamid - Thuốc trị giun sán
Thông tin dành cho chuyên gia
Niclosamid là thuốc tẩy giun chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm sán dải bò, sán dải lợn, sán dải cá và sán dải lùn ở người lớn và trẻ em. |
Nguồn gốc: Niclosamid là thuốc trị giun sán được sử dụng để điều trị nhiễm sán dải. Giun sán là sinh vật đa bào lây nhiễm cho số lượng rất lớn người và gây ra nhiều loại bệnh. Hơn 1 tỷ người bị nhiễm giun tròn đường ruột, và hàng triệu người bị nhiễm giun tròn, sán lá và sán dải. Niclosamid, từng được bán trên thị trường Mỹ với tên biệt dược là Niclocid, nhưng sau đó Bayer đã tự nguyện rút khỏi thị trường vào năm 1996.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Tên hoạt chất: Niclosamid
Tên biệt dược thường gặp: Niclosamide, Tanox
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: viên nén nhai
Các loại hàm lượng: Niclosamid 500 mg
3. Chỉ định
Điều trị nhiễm sán dải bò, sán dải lợn, sán dải cá, sán dải lùn
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc trị giun sán
Niclosamid là một thuốc diệt sán, dẫn xuất từ salicylanilid có clor. Thuốc có tác dụng đối với đa số sán dải như sán dải bò, sán dải lợn, sán dải cá, sán dải lùn. Thuốc thường được dùng vì rẻ, hiệu quả, ít gây độc vì thuốc rất ít hấp thu, nhưng có nhược điểm là không diệt được ấu trùng sán dải lợn, nên về lý thuyết, có nguy cơ gây bệnh ấu trùng sán lợn là một bệnh nguy hiểm, kém đáp ứng với hóa trị liệu. Do đó, praziquantel thường được lựa chọn đầu tiên. Để giảm thiểu nguy cơ này, khoảng 2 giờ sau khi cho uống niclosamid, cho một liều thuốc nhuận tràng để tống các sán chết ra khỏi cơ thể và giảm khả năng trứng T solium di chuyển lên dạ dày; có thể trước khi điều trị sán, dùng thuốc chống nôn.
Cơ chế tác dụng: Cơ chế tác dụng của thuốc còn chưa biết rõ. Niclosamid tác dụng tại chỗ do tiếp xúc trực tiếp trên đầu sán. Thuốc can thiệp vào sự chuyển hóa năng lượng của sán có thể do ức chế sự sản sinh ra adenosin triphosphat (ATP) ở ty lạp thể. Thuốc cũng ức chế sự thu nhận glucose của ký sinh vật. Kết quả là đầu sán và các đoạn liền kề bị chết. Toàn bộ sán không giữ lại được trong ruột và bị tống ra ngoài theo phân cả con hoặc thành các đoạn nhỏ.
4.2. Dược động học
Dược động học của niclosamide còn chưa biết thật rõ. Nói chung thuốc được hấp thu không đáng kể qua ruột và tác dụng diệt sán xảy ra ở ruột.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Sán dải lợn:
- Người lớn: Uống một liều duy nhất 2 g, ngay sau một bữa ăn sáng nhẹ.
- Để tránh bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn, cần dùng thêm một thuốc nhuận tràng loại muối sau khi uống niclosamid 2 giờ và một thuốc chống nôn trước khi điều trị bằng niclosamid.
Sán bò, sán cá:
- Người lớn: 2 g niclosamid, chia làm 2 lần, uống ngay sau bữa sáng và sau đó 1 giờ.
- Nếu thường xuyên táo bón, cho một liều thuốc tay buổi chiều hôm trước.
Sán dải lùn:
- Người lớn: Liều khởi đầu 2 g trong ngày đầu tiên, sau đó giảm xuống còn 1 g, uống hàng ngày, trong 6 ngày.
- Trẻ em 2 – 6 tuổi: Uống bằng 1/2 liều trên.
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Liều bằng 1/4 liều trên.
- Sán lùn thường sống trong niêm dịch ruột, nên lúc dùng thuốc, cần uống nhiều dịch quả chua để tạo thuận lợi cho thuốc tiếp xúc nhiều hơn với sán. Không cần phải có chế độ ăn uống gì đặc biệt. Nếu sau khi dùng thuốc, muốn tống sán ra nhanh hơn và nguyên con, cần dùng thuốc tẩy muối có tác dụng mạnh như natri sulfat hoặc magnesi sulfat 2 giờ sau khi dùng niclosamid (hoặc sau khi dùng liều cuối cùng trong trường hợp nhiễm H. nana). Dùng thuốc tẩy sẽ làm cho phân lỏng và sán xổ ra dễ hơn. Nếu không tẩy, sán sẽ bị tống ra thành mảnh hoặc thành đoạn vào những ngày sau.
- Nhờ có sự tiêu một phần do enzym, nên chẳng bao lâu có thể không nhận ra được đầu sán ở phân, thậm chí có dùng thuốc tẩy. Rồi sau đó sẽ không thấy các đoạn sán hoặc trứng sán ở phân nữa. Chỉ khi bị tái nhiễm với T. saginata hoặc T. solium, những đoạn sán mới hoặc trứng sẽ có thể thấy trong phân sau 3 tháng.
- Trong nhiễm sán lùn (H. nana) chỉ 14 ngày sau đầu sán còn sống sót sẽ phát triển rất nhanh thành sán trưởng thành rồi chỉ khoảng 10 ngày sau đó sẽ thấy trứng sán trong phân.
5.2. Chống chỉ định
Quá mẫn với niclosamid
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: Nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dải lợn
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Hệ thần kinh | Chóng mặt, choáng váng, buồn ngủ | x | |||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, nôn, đau bụng, ăn mất ngon, tiêu chảy | x | |||||
Da và mô dưới da | Ban đỏ da, ngứa, ngoại ban | x |
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Niclosamid không gây đột biến, quái thai hoặc gây độc cho bào thai. Do nguy cơ bệnh ấu trùng sán dải lợn, phải điều trị không chậm trễ nhiễm sán dải lợn.
Cho con bú
Chưa xác định được thuốc qua sữa mẹ đến mức nào, nhưng thuốc hấp thu rất ít vào cơ thể.
5.6. Tương tác thuốc
Niclosamid có thể tương tác với rượu, làm cho sự hấp thu niclosamid tăng lên. Vì vậy, không được dùng rượu trong khi điều trị.
5.7. Quá liều
Xử trí
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Khi bị ngộ độc, điều trị triệu chứng và các biện pháp cấp cứu thông thường. Không nên gây nôn đối với trường hợp nhiễm sán dải lợn vì có nguy cơ trứng sán trào ngược lên dạ dày, có thể gây bệnh ấu trùng sán dải lợn
Viết bình luận