Làm gì khi có dấu hiệu rong kinh?
1. Dấu hiệu nhận biết rong kinh
Thông thường, chu kỳ kinh trung bình là 28 ngày, có thể thay đổi từ 21-35 ngày. Chu kỳ kinh dài trên 35 ngày thì gọi là kinh thưa, chu kỳ ngắn hơn 21 ngày thì gọi là kinh dày.
Mỗi kỳ kinh ra máu thường kéo dài từ 3-4 ngày. Khi kinh kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh.
Cách đơn giản nhất để nhận biết bạn có bị rong hay không là lưu ý tần suất thay băng vệ sinh. Nếu máu kinh của bạn quá nhiều để cần thay băng vệ sinh liên tục, đau bụng dưới, bị chảy máu kinh kéo dài hơn một tuần thì bạn đang bị rong.
2. Một số nguyên nhân gây nên
Có một số nguyên nhân khác nhau gây ra hiện tượng rong kinh, bao gồm cả khối u lành tính (không phải ung thư) như u xơ hoặc khối u ác tính như ung thư tử cung hoặc cổ tử cung. Ngoài ra, sự thay đổi hormone hoặc rối loạn đông máu cũng có thể gây ra.
Nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng này là do rối loạn chức năng phóng noãn ở tuổi vị thành niên hoặc tiền mãn kinh. Trong thời gian này, quá trình rụng trứng có thể không đều, điều này có thể dẫn đến dày nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung) và kinh nguyệt ra nhiều.
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây rong kinh bao gồm lạc nội mạc tử cung và sử dụng dụng cụ tử cung như ParaGard, có thể gây chảy máu quá nhiều, đặc biệt là trong năm đầu tiên sử dụng. Ngoài ra còn có thể có một số nguyên nhân khác chưa xác định.
3. Làm gì khi có dấu hiệu rong kinh?
Rong kinh nếu để kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là tình trạng thiếu máu dẫn đến không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Biểu hiện rõ nhất của thiếu máu là: mệt mỏi, choáng váng, da xanh xao, chóng mặt, khó thở…
Chu kỳ kinh kéo dài cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tình trạng ẩm ướt nhiều cũng tạo điều kiện phát sinh viêm nhiễm vùng kín.
Vì vậy, khi có dấu hiệu, chị em phụ nữ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp sớm.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán cần thiết. Một số biện pháp được dùng để chẩn đoán thường được chỉ định bao gồm:
- Thử thai: phụ nữ trong thai kỳ có thể xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo bất thường.
- Xét nghiệm máu: nhằm đánh giá tình trạng thiếu máu do rong kinh kéo dài và phát hiện một số bệnh lý như rối loạn đông máu hoặc bệnh tuyến giáp.
- Siêu âm: quan sát hình dạng, bất thường ở vùng chậu, tử cung và vòi trứng.
- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung để xác định các tổn thương có thể dẫn đến ung thư hoặc ung thư.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: xác định ung thư tử cung…
Khi xác định được nguyên nhân gây rong kinh, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp, mục đích giải quyết các nguyên nhân do bệnh lý, khôi phục kỳ kinh bình thường, ngăn ngừa và điều trị biến chứng thiếu máu, cải thiện sức khoẻ cho người bệnh.
Thông thường, rong kinh được kiểm soát bằng phương pháp điều trị nội khoa, sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc nội tiết…. Những trường hợp đã điều trị rong kinh bằng phương pháp nội khoa nhưng không đáp ứng sẽ chuyển sang điều trị ngoại khoa.
Người bệnh cần lưu ý, không nên tự ý dùng các thuốc điều kinh mà không có chỉ định của bác sĩ, dùng không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe.
Xem thêm bài viết tại đây.