Bệnh truyền nhiễm

Dấu hiệu không thể bỏ qua của bệnh chân tay miệng

Dấu hiệu không thể bỏ qua của bệnh chân tay miệng

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Những tháng này bệnh tay chân miệng xuất hiện ở trẻ em, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo, nên phụ huynh cần biết chăm sóc trẻ và nhận biết những dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

bệnh tay chân miệng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã có thể chuyển độ. Ở nhiều trường hợp nặng, trẻ có thể gặp chuyển độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2 và vào độ 3 đột ngột, dẫn đến nguy cơ suy hô hấp và diễn tiến biến chứng nặng nhanh. Chính vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý phòng bệnh cho trẻ.

2. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71) là thủ phạm chính gây ra bệnh tay chân miệng. Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong. Các vi rút đường ruột khác thường gây bệnh nhẹ. Các virus này sống trong đường tiêu hóa và lây từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.

bệnh tay chân miệng

Virus tay chân miệng có hình cầu, đường kính từ 27 – 30nm. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng trú ngụ chủ yếu tại niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột. Sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết xung quanh, rồi xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Điểm dừng cuối cùng của virus là niêm mạc miệng và da.

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bởi lúc này hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra nhiều nhất là vào mùa hè và đầu mùa thu. Riêng những quốc gia thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Nếu trẻ nhỏ thường xuyên đến những nơi công cộng như nhà trẻ, sân chơi kém vệ sinh… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Như đã nói ở trên, tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh nên việc nhận diện các triệu chứng bệnh vô cùng quan trọng. Về lâm sàng, dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể được nhận biết qua 4 giai đoạn:

* Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3 – 7 ngày, trẻ chưa có các dấu hiệu cụ thể.

* Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

* Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3 – 10 ngày, với các triệu chứng điển hình như:

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú,…
Phát ban dạng phỏng nước: đặc điểm này biểu hiện rõ nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Ban đầu, nốt ban hồng có đường kính vài milimet, nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và trở thành bóng nước. Bóng nước chứa đầy chất dịch và có thể vỡ ra khiến trẻ rất đau đớn. Chúng có thể để lại vết thâm, tuy nhiên rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Trẻ có thể sốt nhẹ, nôn.
Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2-5 của bệnh.
* Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

“Ngoài những nốt phát ban, trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như: bỏ ăn, ăn kém, chảy dãi nhiều, sốt cao, quấy khóc, li bì, chới với,… Một số trẻ xuất hiện biến chứng về thần kinh thường giật mình, chới với khi ngủ hoặc co giật, thậm chí hôn mê; một số trường hợp lại xuất hiện biến chứng liên quan đến phổi như: suy hô hấp, tím tái,…. Khi có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, tránh biến chứng nặng.” – bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo.

4. Bệnh tay chân miệng có lây không? Lây qua đường nào?

Tay chân miệng hiện đang là mối lo lắng của nhiều bậc phụ huynh bởi các triệu chứng đa dạng và biến chứng nặng nề của bệnh. Đáng lưu ý, bệnh có khả năng lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và hô hấp, cụ thể:

Dịch tiết mũi hoặc họng (nước bọt, nước mũi, đờm…).
Chất lỏng bên trong mụn nước.
Các giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hay hắt hơi.
Chất thải từ cơ thể người bệnh (chẳng hạn như phân).
Tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus từ người bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.
Người bệnh có khả năng lan truyền virus mạnh nhất là ở tuần đầu tiên khi nhiễm. Tuy nhiên, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể trong nhiều tuần, ngay cả sau khi các dấu hiệu và triệu chứng bệnh không còn. Tức là đồng nghĩa với việc virus vẫn có khả năng lây lan qua người khác.

Do lây truyền nhanh nên bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi có trẻ mắc bệnh, nếu không có những biện pháp phòng tránh và chữa trị kịp thời, những trẻ xung quanh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.

5. Biến chứng bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng thường tự khỏi và không đe dọa tới sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng chính mà bệnh tấn công, do đó bệnh đang trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình.

Biến chứng thường gặp nhất là mất nước. Bệnh có thể gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến việc nuốt gặp khó khăn và đau đớn, do đó trẻ thường lười ăn, uống,…

Hiếm gặp hơn, một vài trường hợp virus gây bệnh có thể ảnh hưởng đến não và gây ra các biến chứng thần kinh nghiêm trọng như:

Viêm màng não do virus: Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy (bao quanh não cùng tủy sống).

Viêm não: Tình trạng này rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, do virus gây ra viêm ở não.

Liệt chi: người bệnh yếu, liệt mềm một hoặc nhiều chi.
Đồng thời, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng đến hô hấp tuần hoàn như: tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp và tử vong nhanh chóng.

Nguồn: Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm bài viết tại đây.

Đang xem: Dấu hiệu không thể bỏ qua của bệnh chân tay miệng

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng