Sức khỏe đời sống

RỐI LOẠN THÁI DƯƠNG-HÀM HÃY “TẬP THỂ DỤC” CHO HÀM CỦA BẠN!

RỐI LOẠN THÁI DƯƠNG-HÀM HÃY “TẬP THỂ DỤC” CHO HÀM CỦA BẠN!

Buổi sáng thức dậy, nếu thấy mỏi hàm, đau vùng ngay trước tai, đau tăng khi nhai thức ăn, há ngậm miệng bị lệch hay có tiếng kêu, há  miệng hạn chế…bạn nên đến gặp bác sĩ  Răng  Hàm Mặt ngay, bởi vì đây chính là những biểu hiện của một bệnh/ hội chứng có tên là rối loạn thái dương-hàm (RLTDH, theo cách gọi của người Mỹ) hay rối loạn chức năng khớp thái dương-hàm (RLCNKTDH, theo người Anh).

Rối loạn thái dương-hàm là thuật ngữ chung để chỉ một nhóm các bệnh lý của khớp thái dương-hàm,  hoặc của các cơ liên quan đến  sự  nhai (cơ nhai, cơ  thái  dương, các cơ chân bướm) hoặc cả hai.

Hàng ngày chúng ta luôn  phải thực hiện nhiều động  tác  ăn, nhai, nuốt, nói… nên một khi bị đau do rối loạn chức năng khớp thái dương-hàm thì thật khó chịu. Đau xuất hiện ở khớp thái dương-hàm, các cơ liên quan đến sự nhai và cũng có thể lan xa ra ngoài vùng hàm-mặt như ở cổ, vai…

Rối loạn chức năng  thể  hiện  qua  các  dấu  hiệu:  tiếng  lụp  cụp  hay lạo xạo tại khớp khi há ngậm, cảm thấy khó khăn khi đưa hàm sang bên, ra trước, há miệng theo đường chữ chi, há miệng lệch sang hẳn một bên.

rối loạn thái dương-hàm

 

1. NGUYÊN NHÂN CỦA RLTDH CÓ THỂ LÀ DO:

-        Chấn thương trực tiếp vào vùng khớp, há miệng quá mức trong thời gian lâu…

-        Các thói quen xấu: nghiến răng, cắn chặt răng…

-        Khiếm khuyết cấu trúc: thiểu sản/ bất sản lồi cầu, bất đối xứng khung xương mặt…

-        Các bệnh lý của khớp như Viêm đa khớp dạng thấp…

-        Ngoài ra, một số yếu tố góp phần đưa đến rối loạn thái dương-hàm như stress và các cản trở tại khớp cắn.

2. ĐIỀU TRỊ

Hiện nay, khoa Phẫu thuật Hàm Mặt – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang thực hiện các điều trị rối loạn thái dương- hàm, bao gồm:

Điều trị không can thiệp:

  • Thuốc: Kháng viêm - Giảm đau - Dãn cơ – An thần
  • Tâm lý trị liệu: xoa nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tập vận động hàm dưới…
  • Đặt máng nhai: có tác dụng làm dãn cơ, giảm đau mỏi, giảm áp lực lên khớp thái dương-hàm, giúp bảo vệ các  răng,  giúp  làm hài hòa thần kinh-cơ trong hệ thống nhai để khắc phục các rối loạn thái dương-hàm, chứng nghiến răng về đêm, vài hình thái của đau đầu.

Điều trị can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai, gồm:

-        Mài điều chỉnh khớp cắn

-        Nhổ răng

-        Phục hình

-        Chỉnh hình

-        Phẫu thuật

Trong thời đại hiện nay, cuộc sống đầy áp lực là nguy cơ lớn khiến chúng ta mắc bệnh. Vì vậy, phòng ngừa là cách tốt nhất giúp bạn không phải đối mặt với sự khó chịu mà bệnh rối loạn thái dương-hàm gây ra.

Trước hết, hãy giữ cho tinh thần thoải mái, chế độ ăn tránh đồ quá cứng, quá dai. Quan trọng nhất là loại bỏ các thói quen xấu: nhai kẹo chewing- gum liên tục, ngậm lưỡi giữa các răng, cắn móng tay, cắn cây viết, cắn chặt răng…

Sau đó bạn hãy tập vận động hàm dưới, đây giống như bạn tập thể dục cho hàm vậy. Có vận động – thể dục, hàm của bạn sẽ khỏe mạnh. Đối với cơ – khớp, có thể nói vận động chính là cuộc sống!

Sau đây là bài tập vận động hàm: thực hiện các động tác sang hai bên của hàm dưới:

-        Nhả răng nhẹ nhàng, hàm ở tư thế nghỉ, hai hàm răng không đụng nhau

-        Đưa cằm sang phải và không há lớn thêm, về lại vị trí nghỉ, đưa cằm sang trái. Thực hiện trước gương để dễ dàng định hướng vận động, chậm rãi (nếu bạn có một máng nhai, sẽ tập các vận động này dễ dàng hơn)

-        Thực hiện 10 động tác đưa cằm sang phải / trái x 5 lần / ngày.

-        Không cần đưa hàm sang bên tới biên độ tối đa.

Sau giai đoạn luyện tập từ từ này, thực hiện 50 động tác mỗi ngày, ngày nào cũng tập.

Xem thêm các bài viết khác tại đây

Nguồn: BS Đỗ Thị Ngọc Anh (khoa phẫu thuật hàm mặt - răng hàm mặt) - Tạp chí sống khỏe - BV Đại học Y Dược TPHCM

Đang xem: RỐI LOẠN THÁI DƯƠNG-HÀM HÃY “TẬP THỂ DỤC” CHO HÀM CỦA BẠN!

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng