Bệnh tiêu hóa

BỆNH SÁN DÂY: DỊCH TỄ, TRIỆU CHỨNG, PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

BỆNH SÁN DÂY: DỊCH TỄ, TRIỆU CHỨNG, PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

Bệnh sán dây (taeniasis) ở người là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do ăn phải các nang sán dây của bò Taenia saginata (hay các loài nhai lại khác), lợn Taenia solium hoặc của sán dây châu Á Taenia asiatica; các nang sán dây này - tức các ấu trùng sán thuộc giai đoạn hậu vĩ ấu trùng lây nhiễm sang người khi con người ăn phải thịt bò hay thịt lợn bị nhiễm các nang sán dây có trong thịt sống hay thịt nấu chưa thật chín.

Con người cũng có thể bị nhiễm do ăn phải các trứng của sán dây lợn có lẫn trong thức ăn hay nước uống do vệ sinh kém, vào cơ thể người trứng sán sẽ nở thành ấu trùng sán dây tức các nang sán dây và đi tới nhiều nơi trong cơ thể con người, đặc biệt là các cơ vân, não, mắt và mô dưới da. Sán dây lợn nguy hiểm hơn sán dây bò nhiều vì nó có thể gây ra bệnh nang sán thần kinh cho người, một căn nguyên lớn của tử vong do nguyên nhân thần kinh trên thế giới. Sán dây lợn là nguyên nhân của 30% các trường hợp động kinh ở các địa phương có dịch mà con người và lợn thả rông sống rất gần nhau.

1. DỊCH TỄ HỌC & CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Các loại sán dây gây bệnh tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Ăn thịt bò hay thịt lợn sống hay nấu chưa chín hẳn là nguyên nhân đầu tiên gây bệnh sán dây. Người không ăn thịt bò hay thịt lợn sống hoặc chưa thật chín thì không mắc bệnh sán dây.

Nhiễm sán dây bò xảy ra khi ăn thịt bò sống, nhất là ở Đông Âu, nước Nga, Đông Phi, và châu Mỹ La tinh. Nhiễm sán dây bò hiếm gặp ở Hoa Kỳ, ngoại trừ các nơi bò và người sống gần gũi với vệ sinh kém, ví dụ như các nơi nuôi bò mà bò bị phơi nhiễm với phân người. Nhiễm sán dây lợn gặp nhiều hơn ở những cộng đồng kém phát triển, kém vệ sinh với ăn thịt lợn sống hoặc nấu chưa thật chín. Tỷ lệ cao của bệnh từng gặp ở các nước Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi dưới Sahara, Ấn Độ và châu Á. Sán dây lợn gặp ở Hoa Kỳ, nhất là ở những người Mỹ La tinh nhập cư. Sán dây châu Á giới hạn ở châu Á và hay thấy ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.

BỆNH SÁN DÂY

Bệnh nang sán dây lợn có thể gặp khi ăn phải trứng sán dây lợn. Ví dụ, người kém vệ sinh mắc bệnh sán dây – có triệu chứng hoặc không – sẽ thải trứng sán dây có trong phân ra môi trường. Từ đó lây bệnh trứng sán dây cho chính họ hay cho những ngưới khác.

2. CHU TRÌNH SINH HỌC CỦA SÁN DÂY

Bệnh sán dây ở người là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do các con sán dây bò, sán dây lợn hay sán dây châu Á trưởng thành. Con người là vật chủ chính duy nhất mang các thứ sán dây này. Các trứng hay các đốt sán mang phôi đi ra ngoài theo phân (1); trứng có thể sống nhiều ngày hay nhiều tháng ở môi trường bên ngoài. Bò và lợn là những vật chủ trung gian bị nhiễm ký sinh trùng khi ăn phải rau cỏ bị dính trứng mang phôi hay các đốt sán mang phôi (2). Trong ruột bò hay lợn, các ấu trùng sán dây nở ra (3), xuyên thủng thành ruột bằng các vòng móc của đầu sán và di trú đến các cơ vân và các tạng, hay gặp nhất là ở não, mắt và mô dưới da; tại các nơi này chúng pháttriển thành các nang sán tạo ra bệnh nang sán hay “gạo” sán.

Một nang sán có thể sống nhiều năm trong con vật. Con người có thể bị nhiễm sán dây bởi một trong hai tình huống sau đây: hoặc do ăn phải trứng sán mang phôi có trong thức ăn hay nước uống vệ sinh kém, hoặc do ăn phải thịt bò hay thịt lợn bị bệnh nang sán hay gạo sán không được nấu chín (4). Trong tình huống đầu, vào đến ruột người trứng sán dây sẽ nở ra ấu trùng và cuối cùng trở thành các nang sán hay gạo sán tại nhiều nơi trong cơ thể người, giống như quá trình diễn ra trong cơ thể các vật chủ trung gian (bò hay lợn). Trong tình huống sau, ấu trùng sán dây xuống đến ruột non sẽ phát triển trong hơn 2 tháng để trở thành con sán trưởng thành có thể sống được nhiều năm, đầu sán bám vào thành ruột non bởi các giác bám hay các vòng móc của đầu sán (5) và cư trú trong ruột non, tách thải các đoạn, các đốt và trứng sán đi ra ngoài theo phân (6). 

Chiều dài của các con sán bò trưởng thành thường là 5m hay ngắn hơn (tuy vậy, có khi nó dài tới 25 m) và của con sán lợn là từ 2 đến 7 m. Các con sán lớn với các đốt sán (proglottids) dần trưởng thành và mang phôi, tách khỏi con sán lớn và di chuyển xuống hậu môn hoặc theo phân đi ra ngoài (khoảng 6 đốt sán mỗi ngày). Các đốt trưởng thành nằm ở phía đuôi thân sán chủ yếu chứa một tử cung phân nhánh trong chất đầy trứng. Các con sán bò trưởng thành thường có 1.000 đến 2.000 đốt sán, trong khi con sán lợn trưởng thành trung bình có 1.000 đốt sán. Các trứng chứa trong các đốt sán mang thai sẽ được giải phóng sau khi các đốt sán đi ra ngoài theo phân. Sán bò có thể sinh ra tới 100.000 trứng và sán lợn tới 50.000 trứng tương ứng cho mỗi đốt sán.

3. TRIỆU CHỨNG

Đa số người bị nhiễm sán dây không có triệu chứng hay chỉ có triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân nhiễm sán dây bò có nhiều triệu chứng hơn những người nhiễm sán dây lợn vì con sán dây bò có kích thước dài hơn (đến 10 m) so với con sán dây lợn (thường dài 3 m). Sán dây có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, ăn không ngon miệng, sụt cân và rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng hay gặp nhất là các đốt sán chui ra ngoài qua hậu môn hoặc nằm lẫn trong phân. Những trường hợp hiếm gặp là các đốt sán chui vào trong ruột thừa hay đi vào các ống mật, ống tụy. Nhiễm sán dây lợn có thể đưa đến bệnh nang sán hay bệnh gạo sán ở người, có thể là rất nặng khi có tổn thương ở hệ thần kinh trung ương (với các cơn động kinh) và các tổn thương của cơ hay mắt.

BỆNH SÁN DÂY

 

Bệnh sán dây (taeniasis) thường có các triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu. Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón có thể gặp khi sán dây phát triển đầy trong ruột, xảy ra 6-8 tuần sau khi ăn phải thịt có các nang sán. Những triệu chứng này có thể tiếp diễn cho đến khi con sán chết nhờ có điều trị, nếu không nó có thể sống trong nhiều năm. Trong bệnh sán lợn, thời kỳ ủ bệnh thay đổi và người bị nhiễm có thể không có triệu chứng trong nhiều năm. Ở một số địa phương (đặc biệt là châu Á), người bệnh có thể phát sinh những nốt dưới da nhìn thấy hoặc sờ thấy. Những nang này thường do người bệnh tự phát hiện sau sự thoái hóa tự nhiên của con ký sinh hoặc sau điều trị, tại đây có thể gặp phản ứng viêm.

Bệnh nang sán thần kinh kết hợp với một số dấu hiệu và triệu chứng tùy thuộc vào số lượng, kích thước, giai đoạn và vị trí của những thay đổi bệnh lý cũng như khả năng đáp ứng miễn dịch của người bệnh và typ gen của ký sinh trùng, nhưng cũng có thể là không có triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng cũng có thể là rất nặng như các cơn đau đầu mạn tính, các cơn co giật (hay động kinh nếu tiếp diễn), não úng thủy, viêm màng não, chứng mất trí và các triệu chứng gây ra bởi các tổn thương choán chỗ của hệ thần kinh trung ương. Sán dây lợn là nguyên nhân của 30% các trường hợp động kinh ở các địa phương có dịch mà con người sống rất gần với lợn thả rông.

Bệnh nang sán hay bệnh gạo sán là bệnh nhiễm các nang sán dây T. solium. Các nang sán này gây nhiễm cho não, các cơ, hay các mô khác,và là tác nhân lớn gây ra các cơn động kinh người lớn ở đa số các nước có thu nhập thấp. Người bị nang sán là do nuốt phải các trúng sán có trong phân của người bị sán trong ruột. Người sống cùng nhà với người bị sán có nguy cơ mắc bệnh nang sán cao hơn nhiều so với những người khác. Lợn hay người bị nang sán là do ăn phải trứng sán có trong phân người bị bệnh sán dây, ấu trùng nở ra và chui qua thành ruột để đi đến nhiều nơi trong cơ thể, tạo ra bệnh nang sán hay gạo sán.

4. CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán nhiễm sán dây Taenia bằng cách thử phân, hỏi người bệnh xem có thấy các đoạn sán chui ra ngoài qua hậu môn. Lấy các mẫu phân trong ba ngày khác nhau và tìm trứng sán dưới kính hiển vi. Có thể phát hiện các trứng sán dây trong phân sau 2-3 tháng bị nhiễm.

Các trứng sán dây lợn cũng có thể gây nhiễm cho người, gây bệnh nang sán hay bệnh gạo. Điều quan trọng là phải chẩn đoán và điều trị tất cả các bệnh sán dây.

5. DỰ PHÒNG & KIỂM SOÁT

Một cách dự phòng sán dây là nấu chín thịt, lên tới các nhiệt độ an toàn: ít nhất là 630 C (1450 F), đo với nhiệt kế dùng cho thức ăn để đo nhiệt độ bên trong của thịt khi nấu, đặt vào phần dày nhất của thịt, đợi 3 phút trước khi lạng thịt. Không được thử mẫu thịt khi chưa được nấu chín.

6. ĐIỀU TRỊ

Việc điều trị phải tiến hành ngay sau chẩn đoán cấp cứu. Sử dụng thuốc uống, praziquantel hay niclosamide. Các thuốc cũng có sẵn liều cho trẻ con.

Praziquantel là thuốc hay được sử dụng nhất để điều trị bệnh sán dây hoạt động. Cho uống 5-10 mg/kg một lần cho người lớn và 5-10 mg/kg một lần cho trẻ con. Nếu bệnh nhân có bệnh nang sán đi kèm với sán dây, sử dụng praziquantel phải thận trọng. Praziquantel diệt nang sán và có thể gây viêm quanh các nang đang chết ở những người có nang sán, từ đấy có thể gây động kinh hay các triệu chứng khác. Niclosamide là thuốc thay thế, cho uống 2 g một lần cho người lớn và 50 mg/kg một lần cho trẻ con. Ở Hoa Kỳ người ta chỉ dùng Praziquantel mà không dùng Niclosamide cho người. Sau điều trị, phải lấy phân trong 3 ngày để tìm các đốt sán để xác định loại sán. Phải thử lại phân tìm trứng sán dây 1 đến 3 tháng sau điều trị để đảm bảo là nhiễm ký sinh đã được loại trừ. Ở Hoa Kỳ, bệnh nang sán được coi là một trong số các Nhiễm Ký sinh trùng Ít được chú ý. Đó là một nhóm 5 bệnh ký sinh trùng bao gồm: bệnh sán dây (Taeniasis), bệnh  Chagas (do Trypanosoma Cruzi), bệnh Toxocariasis (do Toxocara của chó và mèo), bệnh Toxoplasmosis (do Toxoplasma Gondii gây bệnh cho loài có vú và loài chim), bệnh Trichomonasis (do Trichomonas homminis gây kiết lỵ và do Trichomonas vaginalis gây viêm âm đạo và viêm niệu đạo ở nam giới).

Xem thêm các bài viết khác tại đây

Nguồn: TS BS Huỳnh Minh Tuấn, BS Bùi Ngọc Minh Tâm - Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện  Đại học Y Dược TPHCM

Đang xem: BỆNH SÁN DÂY: DỊCH TỄ, TRIỆU CHỨNG, PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng