Bệnh da liễu

Lý do bị bệnh viêm nang lông và cách điều trị

Lý do bị bệnh viêm nang lông và cách điều trị

Bệnh viêm nang lông là gì?

Viêm nang lông (folliculitis) là tình trạng viêm nông một hoặc nhiều nang lông. Bệnh gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là thanh thiếu niên và người trẻ. Bệnh còn gọi là viêm lỗ chân lông. Tình trạng bệnh lý viêm da xuất hiện khi vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập tại một hoặc nhiều nang lông – nơi các cọng lông hoặc tóc mọc lên khỏi bề mặt da. Ở giai đoạn ban đầu ở vị trí lỗ chân lông sẽ xuất hiện các nốt mụn nhỏ màu đỏ, sau đó sưng đỏ và có mủ trắng ở đầu. Bệnh có thể lan rộng khi các mủ trắng bị vỡ và lây lan ra các bộ phận khác.

Lý do bị bệnh viêm nang lông và cách điều trị

Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông

Nguyên nhân của bệnh viêm nang lông thường không rõ ràng, nhưng mồ hôi, chấn thương, sự chà sát, và sự bít tắc của da được biết là làm tăng cường sự lây nhiễm. Các mầm bệnh có thể là vi khuẩn, nấm, virut, hoặc ký sinh trùng. Nguyên nhân chủ yếu là tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa).

Các nguyên nhân khác:

  • Nấm: Trichophyton rubrum hoặc Malassezia folliculitis (Pityrosporum folliculitis).
  • Virút Herpes simplex thường gây viêm nang lông vùng quanh miệng.

Viêm nang lông không do vi khuẩn:

  • Do cạo râu gây hiện tượng lông chọc thịt.
  • Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch.
  • Viêm nang lông Decanvans hay gặp vùng da đầu gây rụng tóc vĩnh viễn.
  • Viêm nang lông ở những người công nhân tiếp xúc với dầu mỡ như thợ lọc dầu, thợ máy...

Một số yếu tố tăng nguy cơ:

  • Mặc quần áo quá chật
  • Da ẩm ướt
  • Tăng tiết mồ hôi
  • Gãi, cào
  • Cạo râu
  • Nhổ lông
  • Các thuốc hoặc mỹ phẩm gây kích ứng
  • Dùng thuốc bôi corticoid lâu ngày
  • Béo phì
  • Tiểu đường
  • Giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải
  • Suy thận, chạy thận nhân tạo
  • Thiếu máu do thiếu sắt đôi khi kết hợp đối với những trường hợp viêm nang lông mạn tính

Triệu chứng của bệnh viêm nang lông

Lý do bị bệnh viêm nang lông và cách điều trị

Lâm sàng

Triệu chứng viêm nang lông khá giống với các tình trạng bệnh lý viêm da khác, các dấu hiệu này xuất hiện trên da không có sự báo trước chính vì vậy, nếu không thực sự để ý đến da và quan sát tốt sẽ khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện bệnh muộn sẽ gây khó khăn trong điều trị và có thể dẫn được những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Một số triệu chứng viêm lỗ chân lông điển hình:

  • Mụn mủ: Tại các vị trí lỗ chân lông thường xuất hiện mụn màu đỏ hoặc mụn nhọt đầu trắng có chứa mủ bên trong. Các nốt nhọt này có thể có màu trắng hoặc màu vàng tùy thuộc vào từng tình trạng và mức độ của bệnh.
  • Dịch mủ vỡ: Các mụn nước sẽ vỡ thì mủ tích tụ đầy. Chính dịch mủ này là yếu tố khiến viêm nang lông có thể lây từ người này sang người khác và vị trí viêm nhiễm lan sang các bộ phận khác nhau.
  • Ngứa ngáy: Đây là triệu chứng điển hình của viêm nang lông. Người bệnh có cảm giác ngứa rát khó chịu ở vùng da bị viêm nhiễm. Các vùng da này rất mềm, đau và dễ bị tổn thương, loét khi gãi hoặc xoa.
  • Sưng tấy: Có một số trường hợp ở vị trí da bị tổn thương có dấu hiệu sưng tấy hoặc sưng dạng khối đỏ.

Viêm nang lông do vi khuẩn: Biểu hiện của bệnh là trên da xuất hiện các nốt sưng, ngứa, có mủ trắng. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn tụ cầu khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở và gây viêm nhiễm.

Viêm nang lông bồn tắm: Dấu hiệu của bệnh là trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ tròn và gây ngứa. Tác nhân chính là do vi khuẩn pseudomonas sinh sống tại bồn nước nóng và bể nước nóng có độ clo và PH không được điều chỉnh tốt.

Viêm nang lông do dao cạo: Biểu hiện của bệnh là tình trạng sẹo thâm và lồi trên da nhìn rất mất thẩm mỹ, vùng da bị viêm sần sùi, cứng và có màu sậm. Nguyên nhân gây bệnh là do, thường xuyên dùng dao cạo lông và không vệ sinh sạch sẽ dẫn đến viêm nang lông ở cổ và mặt.

Viêm nang lông do Pityrosporum: Biểu hiện của bệnh là trên da xuất hiện các nốt đỏ, có mủ và gây ngứa. Tình trạng này thường xảy ra ở vùng da cổ, vai, cánh tay và mặt. Đây là bệnh lý mãn tính có nguyên nhân do nhiễm nấm men.

Điều trị bệnh viêm nang lông

Lý do bị bệnh viêm nang lông và cách điều trị

Với những trường hợp viêm nang lông nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị làm giảm các triệu chứng của bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm nhiễm: Giữ vệ sinh da khi bị viêm nang lông là việc rất quan trọng. Người bệnh có thể sử dụng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước ấm để vệ sinh vùng da bị viêm nhiễm, dùng khăn sạch và mềm để vệ sinh da, tránh làm các nốt mụn nhọt bị vỡ, gây viêm nhiễm nghiêm trọng.
  • Sử dụng nước muối: Sử dụng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh vùng da bị viêm nhiễm, diệt khuẩn. Dùng tăm bông và nước muối để vệ sinh khoảng 2 lần/ ngày.
  • Sử dụng các loại kem bôi: Dùng kem dưỡng da, dưỡng da bằng bột yến mạch hoặc kem hydrocortisone cũng có thể cho hiệu quả giảm triệu chứng khó chịu của bệnh rất tốt..
  • Bảo vệ da: Trường hợp bị viêm nang lông do cạo râu khiến da bị tổn thương hãy ngừng ngay việc này và tìm một giải pháp khác để xử lý. Cùng với đó hãy sử dụng các kem dưỡng thiên nhiên hoặc mặt nạ bằng nguyên liệu thiên nhiên để chăm sóc da.

Các biện pháp chăm sóc da tại nhà có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm triệu chứng bệnh đặc biệt những trường hợp bị viêm nang lông giai đoạn đầu. Với những trường hợp nặng, người bệnh nên chủ động đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ định cũng như phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.

Để điều trị bệnh viêm lỗ chân lông hiệu quả, triệt để tùy vào từng tình trạng bệnh bác sĩ có thể kê đơn và chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm,…Các nhóm thuốc này có thể là dạng viên uống, kem bôi ngoài da, dầu gội đầu kháng nấm, thuốc rửa,… Viêm nang lông ở các vị trí khác nhau sẽ có các loại thuốc và dạng thuốc riêng.

  • Thuốc kháng sinh dạng uống: Cephalexin, erythromycin…
  • Thuốc bôi có chứa kháng sinh để trị viêm nang lông do vi khuẩn: Người bệnh có thể được chỉ định erythromycin, mupirocin…
  • Kem bôi có chứa hydrocortisone 1% giúp giảm ngứa và giảm sưng nhanh hơn.
  • Kem chống nấm, dầu gội hoặc thuốc viên nếu bị viêm nang lông do nấm.
  • Triệt lông bằng laser

Các cách phòng tránh bệnh viêm nang lông

Bệnh viêm lỗ chân lông có nguyên nhân chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, môi trường sống, thói quen sinh hoạt gây ra, do đó bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh và ngăn ngừa được. Theo đó, để phòng tránh bệnh, các bác sĩ khuyến cáo cần:

  • Không nên mặc quần áo quá bó sát, quần áo giữ nhiệt hoặc trang phục gây ảnh hưởng đến quá trình thoát mồ hôi.
  • Hạn chế sử dụng các loại dầu bôi, kem thoa da dạng mỡ nhờn có thể gây bít lỗ chân lông và dẫn đến các tình trạng bệnh.
  • Luôn giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là khi bị ra mồ hôi, nên tắm ngay để tuyến mồ hôi và bã nhờn không gây bí tắc lỗ chân lông.
  • Không nên tắm bồn nước nóng quá thường xuyên, cần vệ sinh bồn sau mỗi lần sử dụng thật sạch sẽ.
  • Không sử dụng chung dao cạo râu, khăn tắm,… với người khác và luôn giữ vệ sinh thật sạch sẽ.
  • Cần chú ý khi cạo râu, hãy rửa mặt và làm ẩm mặt với nước ấm hoặc xà phòng kháng khuẩn trước khi cạo râu. Cạo râu theo hướng mọc của râu, sau khi cạo xong cần thoa kem dưỡng ẩm và vệ sinh dao cạo sạch sẽ.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh và khả năng kiếm soát viêm nhiễm không còn tốt.

Viêm nang lông là bệnh lý viêm da phổ biến nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho làn da nếu không được khám và điều trị sớm. Bệnh nếu để diễn tiến sang mãn tính sẽ rất khó điều trị, viêm nhiễm lan rộng sẽ để lại sẹo khó chữa và khiến da bị sậm đen. Do đó, cần sớm điều trị viêm nang lông ngay ở giai đoạn đầu, khi các triệu chứng cấp tính mới xuất hiện.

Xem thêm bài viết: Bệnh vảy phấn đỏ nang lông

Đang xem: Lý do bị bệnh viêm nang lông và cách điều trị

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng