Bệnh Dị ứng - Miễn dịch

PHẢN VỆ VÀ SỐC PHẢN VỆ: XỬ TRÍ & DỰ PHÒNG NHƯ THẾ NÀO

PHẢN VỆ VÀ SỐC PHẢN VỆ: XỬ TRÍ & DỰ PHÒNG NHƯ THẾ NÀO

ĐỊNH NGHĨA

Phản vệ là gì?

Phản vệ là một phản ứng dị ứng toàn thân rất gay go ác liệt, diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Nó có thể xảy ra trong vòng mấy  giây  hoặc  mấy  phút  sau  khi  bạn bị phơi nhiễm với một yếu tố nào  đó  mà  bạn  dị ứng, ví dụ như đậu phụng hay bị ong đốt. Cũng có trường hợp có một thời kỳ tương đối yên lặng 1 - 8 giờ trước khi xảy ra phản ứng thứ phát, đây là một đáp ứng 2 giai đoạn và có thể kéo dài một số ngày.

Nguyên nhân thường gặp nhất là do thức ăn và thuốc. Ngoài ra, độc tố côn trùng, phấn hoa, mủ nhựa… cũng có thể là những nguồn khởi phát. Điều quan trọng cần nhớ là phản ứng phản vệ chỉ có thể xảy ra khi nạn nhân trước đó đã từng bị phơi nhiễm với yếu tố tấn công.

phản vệ

 

Phản vệ nói chung hiếm gặp, và đa số sẽ khỏi. Điều quan trọng là phải nói cho bác sĩ biết trước đây bạn bị dị ứng với thuốc gì, kể cả thuốc chăm sóc răng. Nên ghi các thông tin về dị ứng thuốc của bạn trên vòng đeo tay, hay treo ở cổ hoặc một thẻ thông báo luôn để trong ví.

Nếu bạn có một phản vệ trước đây, bạn dễ có nguy cơ bị lại và nguy cơ của bạn sẽ cao hơn khi trong gia đình có người bị phản vệ hay hen suyễn.

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là  một  diễn  tiến nặng nhất của phản vệ và phải được điều trị ngay lập tức. Người bệnh rơi vào tình trạng sốc làm cho cơ thể bị thiếu ôxy và các chất dinh dưỡng. Da, môi, móng tay tím; các mạch máu dãn làm thoát dịch vào các  mô  xung quanh gây phù mặt, cổ; huyết áp giảm.

Sốc phản vệ không  xảy  ra  trong  đa  số các trường hợp phản vệ, do đó phải nhận ra được tất cả các triệu chứng có thể có của phản vệ để cho việc khởi đầu điều trị không bị chậm trễ.

CẬP NHẬT CƠ CHẾ BỆNH SINH CỦA PHẢN VỆ

Hiện tượng phản vệ lần đầu tiên được mô tả trong y văn hiện đại vào năm 1902,  từ  các  nghiên cứu trên chó được gây miễn dịch bằng cách tiêm những liều nhỏ độc tố của con sứa. Phản ứng này được các tác giả đặt tên là “hiện tượng phản vệ” (“anaphylaxis” – một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là a- (chống lại) và phylaxis (miễn dịch hay sự bảo vệ).

Sinh lý bệnh của phản ứng phản vệ

Trước đây, người ta chia phản vệ ra làm hai loại: ‘phản ứng phản vệ’ và ‘phản ứng giống phản vệ’. Hai loại phản ứng này được gọi chung là hiện tượng phản vệ hay phản ứng phản vệ, vì có triệu chứng lâm sàng giống nhau.

  • Phản ứng phản vệ.

Sau khi tiếp xúc với dị ứng nguyên, cơ thể thông qua các chuỗi phản ứng tạo ra Globulin miễn dịch E (IgE) gắn lên bề mặt của dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm, kích thích các tế bào này phóng thích các hóa chất trung gian đi vào máu. Từ đó về sau, khi tiếp xúc lần khác thì dị ứng nguyên  sẽ gắn kết với dưỡng bào và các bạch cầu ái kiềm thông qua IgE.

  • Phản ứng giống phản vệ.

Dị ứng nguyên tác dụng trực tiếp lên dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm làm phóng thích các hóa chất trung gian đi vào máu, không thông qua IgE.

Các hóa chất trung gian được phóng thích chủ yếu gồm: histamine, prostaglandin, leukotrien và yếu tố kích hoạt tiểu cầu (platelet activating factor). Các hóa chất này dẫn tới: (1) Tăng tính thấm thành mạch; (2) Tăng tiết của niêm mạc ruột, niêm mạc phế quản; (3) Co thắt tiểu phế quản, đường tiêu hóa, giãn cơ trơn mạch máu.

Các triệu chứng của  các  phản ứng phản vệ nói chung phản ánh hoạt động của các hóa chất trung gian của dưỡng bào và các bạch cầu ái kiềm tác động lên các mô sốc, bao gồm các mạch máu, các tuyến niêm mạc, cơ trơn, và các tận cùng thần kinh.

Phản vệ bắt đầu bằng một phản ứng quá mẫn tức thì sau vài ba phút phơi nhiễm với dị ứng nguyên. Sau phản ứng khởi đầu, có thể có một thì phản ứng muộn kéo dài trong mấy tiếng.

Các hóa chất trung gian  của dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm được phóng thích dưới tác động của một trong hai cơ chế miễn dịch: (1) qua trung gian globulin miễn dịch E và (2) không  qua trung gian globulin miễn dịchE. Cơ chế chịu trách  nhiệm  cho đa  số  các  trường  hợp  phản  vệ ở người có liên quan đến IgE, thường gặp nhất là các phản ứng miễn dịch với thức ăn, thuốc men, và côn trùng đốt.

Các cơ chế thay thế có thể có nhưng vẫn chưa được biết một cách đầy  đủ.  Các  phơi  nhiễm môi trường và các yếu tố phức hợp về di truyền có thể có vai trò quan trọng. Nói cách khác, phản ứng phản vệ cũng có  thể  phát sinh thông qua các cơ chế không phải miễn dịch do một số các yếu tố có thể gây ra quá trình mất các hạt nhỏ của dưỡng bào và các bạch cầu ái kiềm.

NGUYÊN NHÂN

Bao gồm các loại thuốc, thức ăn, côn trùng đốt và vô căn. Được chia làm 2 nhóm theo cơ  chế bệnh sinh:

•           Về phản vệ cơ chế miễn dịch (hay gặp nhất), gồm có: các thức ăn nhất là đậu phụng,  cá,  tôm cua sò biển; côn trùng cánh màng đốt; các kháng sinh (beta-lactams, ethambutol, sulfonamide); thuốc tê (xylocaine, tetracaine); nhựa mủ latex; các hoóc-môn (insuline, pro- gesterone); các kháng huyết thanh (huyết thanh kháng uốn ván, huyết thanh kháng nọc rắn).

•           Về phản vệ  cơ  chế  không miễn dịch, gồm có: các protein huyết tương, vancomycin, quino- lone, các chất tương phản dùng trong chụp XQ, các thuốc kháng viêm không-steroid (indometha- cine, mefenamic acid), các dung dịch keo (Dextran, hydroxyethyl starch), thuốc dãn cơ, thuốc giảm đau trung ương (codein và  các dẫn chất morphine).

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Các triệu chứng thường xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với dị ứng nguyên. Thời gian từ khi tiếp xúc với dị ứng nguyên đến khi có triệu chứng đầu tiên càng ngắn thì bệnh càng có nguy cơ diễn tiến nặng.

Việc khai thác bệnh sử rất quan trọng cho việc chẩn  đoán  phản vệ, do đó cần khai thác bệnh sử thật tỉ mỉ. Các thông tin cần ghi nhận:

(1)       Thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên sau khi tiếp xúc dị ứng nguyên

(2)       Tất cả các chất  nghi  ngờ  là tác nhân (thuốc, thức ăn)

(3)       Bị côn trùng đốt

(4)       Cơ địa dị ứng.

Có 5 nhóm triệu chứng cần chú ý, trong đó các triệu chứng ngoài da là hay gặp nhất (khoảng > 90% các trường hợp):

(1)       Triệu chứng ngoài da: nổi mề đay, phù mạch máu, đỏ  bừng mặt, ngứa.

(2)       Hô  hấp:  khó  thở,  khò  khè, phù thanh quản, chảy nước mũi.

(3)       Tuần hoàn: ngất, tụt huyết áp.

(4)       Tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy.

(5)       Các triệu chứng khác: nhức đầu, giật.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định.

Viện dị ứng và bệnh truyền  nhiễm  Hoa Kỳ (NIAID) đề ra các tiêu chuẩn chẩn đoán phản vệ như sau:

  • Tiêu chuẩn 1. Bệnh lý cấp tính có triệu chứng da-niêm với ít nhất một trong hai loại triệu chứng hô hấp và tuần hoàn.
  • Tiêu chuẩn 2. Có ít nhất 2 trong số 4 loại triệu chứng dưới đây, sau khi tiếp xúc với một chất có thể là dị ứng nguyên: da-niêm, hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa.
  • Tiêu chuẩn 3. Tụt huyết áp đột ngột sau khi tiếp xúc với một chất chắc chắn là dị ứng nguyên. Phản vệ nặng khi có triệu chứng suy hô hấp hoặc tụt huyết áp.

Chẩn đoán phân biệt.

  • Phản vệ suy hô hấp cần phân biệt với:

+ Co thắt phế quản trong hen phế quản

+ Tràn khí màng phổi

+ Thuyên tắc phổi.

  • Phản vệ tụt huyết áp cần phân biệt với:

+ Sốc dây X

+ Các loại sốc khác: sốc tim, sốc mất máu, sốc nhiễm khuẩn

+ Hạ đường-huyết

Xét nghiệm

•           Các xét nghiệm thông thường đối với một bệnh nhân sốc, suy hô hấp: chức năng gan-thận, ion đồ, khí máu động mạch…

•           Nhóm xét nghiệm chuyên biệt xác định phản vệ: có thể thử histamine-huyết tương, methyl-histamin trong nước tiểu, tryptase-huyết thanh (có thể tăng cao cho đến 3 giờ sau phản ứng phản vệ).

•           Có thể làm thử nghiệm da hay các xét nghiệm  máu  giúp  xác định yếu tố khởi phát trường hợp phản vệ của bạn.

XỬ TRÍ

•           Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị ứng nguyên. Đặt bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp, chân cao. Tư thế nằm nghiêng nếu có nôn (nằm nghiêng trái nếu là phụ nữ có thai).

•           Phản vệ cơ chế miễn dịch và không miễn dịch được xử  trí giống nhau, trong đó adrenaline và ôxy là các biện pháp quan trọng nhất và sớm nhất để làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

phản vệ

 

Adrenaline được chỉ định cho người có dấu hiệu của phản vệ hay đe dọa phản vệ, hoặc cả khi không có triệu chứng chuẩn mực cho chẩn đoán phản  vệ.

Phản vệ nhẹ:

+ Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 0,3-0,5ml adrenaline 1/1.000.

+ Lặp lại mỗi 5 phút nếu các triệu chứng vẫn còn.

Phản vệ nặng:

+ Tiêm tĩnh mạch 3-5ml adrenaline 1/10.000.

+ Lặp lại mỗi 3-5 phút nếu còn tụt huyết áp.

+ Tụt huyết áp kéo dài thì truyền tĩnh mạch liều khởi đầu 1-4 micro- gram/ phút, tối đa là 10 micro- gram/phút.

  • Thuốc vận mạch (Dopamine, Noradrenaline, Vasopressin) nếu vẫn còn tụt huyết áp.
  • Dùng các thuốc kháng histamin và cortisone để giảm viêm đường thở, cải thiện hô hấp, đề phòng sốc phản vệ tái phát.
  • Dùng beta-agonist (ví dụ albuterol) nếu vẫn còn co thắt phế quản sau tiêm adrenaline.
  • Thuốc kháng histamine (Promethazine, Pipophen) chỉ có tác dụng giảm triệu chứng da-niêm.

Ghi chú:

Liều tiêm bắp thông thường của adrenaline cho mọi lứa tuổi: 0,01 mg/kg (liều tối đa 0,5 mg).

Dùng bơm tiêm tự động: chỉ cho các liều 0,15 mg và 0,3 mg

phản vệ

 

DỰ PHÒNG

Đối với người bệnh

•           Cách phòng phản vệ tốt nhất là tránh xa các yếu tố gây phản vệ.

•           Luôn mang theo mình thông tin cho biết bạn bị dị ứng với thuốc nào hay chất nào khác (đeo vào cổ hay cổ tay, hay để trong ví).

•           Bạn phải luôn luôn có một túi đồ cấp cứu với các thuốc cần thiết. Khi bạn có một bơm tiêm tự động adrenaline, phải luôn kiểm tra hạn sử dụng và thay thế trước khi hết hạn.

•           Khi bạn bị phản vệ mà không có sẵn bơm tiêm tự động,  hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm adrenaline và ổn định sinh hiệu trước khi chuyển đến cơ sở chuyên khoa điều trị tiếp tục.

•           Cẩn thận báo cho các bác sĩ của bạn biết về các phản ứng thuốc mà bạn có.

•           Khi đang tiêm một thuốc nào đó, nếu bạn cảm thấy bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, ngứa da… hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử trí phản vệ.

•           Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường.

•           Nếu bạn có dị ứng với  côn trùng đốt, phải cẩn thận khi gần chúng. Mặc quần dài và áo  dài tay, không đi chân trần lên cỏ, tránh các màu sáng, không dùng nước hoa, không mở soda bên ngoài nhà. Bình tĩnh khi gần loại côn trùng đó.

•           Nếu bạn dị ứng với thức  ăn, đọc cẩn thận  nhãn.  Quá  trình chế biến có thể thay đổi, bạn cần kiểm tra định kỳ nhãn hiệu  các thứ mà bạn thường ăn. Khi bạn đi ăn ở tiệm, tìm hiểu cách chế biến và các thành phần có trong món ăn. Một tí thức ăn mà bạn dị ứng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.

Đối với thầy thuốc

•           Cho thuốc đúng chỉ định, cân nhắc sử dụng thuốc trên những bệnh nhân cơ địa dị ứng.

•           Khi thực hiện thuốc cho bệnh nhân, luôn đem theo hộp chống sốc.

•           Đối với các thuốc có nguy cơ phản vệ cao thì phải thử test trước khi dùng, ví dụ như huyết thanh kháng uốn ván, Streptomycin…

•           Khi nghi ngờ phản vệ, phải dùng adrenaline ngay cho bệnh nhân.

•           Đối với những trường hợp bất khả kháng phải dùng thuốc trên cơ địa dị ứng thuốc mà bệnh nhân đã thông báo, phải sử dụng ste- roid trước 30 phút và dùng liều thuốc rất nhỏ sau đó tăng dần (phương pháp giải mẫn cảm- de- sensitization).

Nguồn: BS CKI Tăng Tuấn Phong- Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM

 

Xem thêm bài viết tại đây.

 

Đang xem: PHẢN VỆ VÀ SỐC PHẢN VỆ: XỬ TRÍ & DỰ PHÒNG NHƯ THẾ NÀO

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng