Bệnh tim mạch

BỆNH CƠ TIM PHÌ ĐẠI - LÝ DO PHỔ BIẾN GÂY ĐỘT TỬ Ở NGƯỜI TRẺ

BỆNH CƠ TIM PHÌ ĐẠI - LÝ DO PHỔ BIẾN GÂY ĐỘT TỬ Ở NGƯỜI TRẺ

Bệnh cơ tim phì đại là gì?

Bệnh cơ tim phì đại (hypertrophic cardiomyopatthy) thường do các gen bất thường trong cơ tim gây ra. Những gen này làm cho thành tim (tâm thất trái) co cứng và trở nên dày hơn bình thường, dẫn đến giảm lượng máu vào tim và bơm đi nuôi cơ thể theo mỗi nhịp tim. 
Tỷ lệ bệnh cơ tim phì đại là 1/500-1000 người, được coi là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử do tim ở người trẻ và vận động viên dưới 35 tuổi. Nam và nữ có nguy cơ ngang nhau.

benhco tim phi dai

Bệnh cơ tim phì đại là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử do tim ở người trẻ

Có thể chia bệnh cơ tim phì đại thành 2 loại:
  • Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn: Vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải dày lên, chặn hoặc làm giảm lưu lượng máu từ tâm thất trái đến động mạch chủ. Đa số người bệnh đều mắc loại này.

  • Bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn: Tâm thất trái (buồng bơm máu chính của tim) cứng hơn, hạn chế lượng máu mà tâm thất có thể nhận vào và bơm ra, nhưng lưu lượng máu không bị bị giảm.

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh

Bệnh cơ tim phì đại là bệnh mãn tính, một số người mắc bệnh không có triệu chứng, một số khác ban đầu không có triệu chứng nhưng triệu chứng sẽ dần phát triển theo thời gian. Nắm được các dấu hiệu có thể giúp chẩn đoán và điều trị sớm khi việc điều trị vẫn còn có hiệu quả. Một số dấu hiệu, triệu chứng cần lưu tâm là:
  • Đau ngực và khó thở, đặc biệt khi gắng sức
  • Mệt mỏi
  • Loạn nhịp tim
  • Chóng mặt
  • Cảm giác lâng lâng
  • Ngất, xỉu
  • Sưng ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bụng và tĩnh mạch cổ.

Bệnh cơ tim phì đại diễn biến phức tạp, dẫn đến giảm chức năng và chất lượng cuộc sống người bệnh, các biến chứng lâu dài và gánh nặng tài chính và xã hội. Bệnh có thể tiến triển và gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Những người bị bệnh cơ tim phì đại có nguy cơ cao bị rung nhĩ, có thể dẫn đến cục máu đông, đột quỵ, suy tim và các biến chứng liên quan đến tim khác. Ngoài ra, có thể ngừng tim đột ngột, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Chẩn đoán

Bệnh cơ tim phì đại được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, khám sức khỏe và kết quả xét nghiệm chẩn đoán.

Tiền sử bệnh và gia đình
Biết tiền sử bệnh và bất kỳ dấu hiệu nào có thể liên quan là bước đầu tiên quan trọng để chẩn đoán. Bác sĩ cũng sẽ hỏi có ai trong gia đình bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim phì đại, suy tim hoặc ngừng tim hay không.

Khám sức khỏe
Bác sĩ sẽ kiểm tra tim và phổi, nghe một số âm thanh nhất định bằng ống nghe. Ví dụ, độ lớn, thời gian và vị trí của tiếng thổi ở tim...

Xét nghiệm chẩn đoán
Chẩn đoán thường là siêu âm tim, kiểm tra độ dày của cơ tim và lưu lượng máu từ tim. Trong một số trường hợp, siêu âm tim qua thực quản có thể được thực hiện.

Các xét nghiệm chẩn đoán khác có thể bao gồm:
Điện tâm đồ (ECG)
MRI tim
Nghiệm pháp gắng sức
Holter điện tim
Xét nghiệm di truyền

Xác nhận chẩn đoán hoặc chuẩn bị cho phẫu thuật:
Thông tim
Chụp mạch vành

sieu am tim benh co tim phi dai

Hình ảnh siêu âm tim bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại

Điều trị
Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh cho bệnh cơ tim phì đại.

Đối với những người bệnh không có triệu chứng, nên thay đổi lối sống, có thể điều trị dự phòng bằng thuốc chẹn beta hoặc Verapamil nhằm mục đích giảm sự tiến triển của bệnh.

Đối với những người có triệu chứng, trọng tâm là quản lý triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Thuốc
Điều trị bằng thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu giúp giảm các triệu chứng của bệnh nhân không đáp ứng với thuốc chẹn beta. Chúng có thể giúp ích nhưng đồng thời cũng có thể có tác dụng phụ bất lợi. Thuốc chống đông được chỉ định cho bệnh nhân có rung nhĩ hoặc có rối loạn nhịp trên lâm sàng. Kháng sinh dùng trong trường hợp dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Các bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao cần dự phòng bằng Amiodarone và máy phá rung tự động nếu có điều kiện.

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn (Septal myectomy): là phẫu thuật tim hở, chỉ định cho những bệnh nhân cơ tim phì đại tắc nghẽn và có các triệu chứng nghiêm trọng. Phẫu thuật này thường dành cho những bệnh nhân nhỏ tuổi và không đáp ứng với thuốc.
  • Cắt vách ngăn bằng cồn: là thủ thuật không xâm lấn, ethanol (một loại cồn) được tiêm qua một ống vào động mạch nhỏ cung cấp máu cho vùng cơ tim dày lên. Cồn làm cho các tế bào chết đi. Các mô dày lên sẽ co lại với kích thước bình thường. Các rủi ro và biến chứng của phẫu thuật tim tăng lên theo độ tuổi. Vì lý do này, phương pháp này có thể được ưu tiên hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh lý khác.
  • Bác sĩ phẫu thuật có thể cấy ghép một số loại thiết bị để giúp tim hoạt động tốt hơn, bao gồm:
    • Máy phá rung tự động (ICD).
    • Máy tạo nhịp tim Pacemarker.
    • Thiết bị trị liệu tái đồng bộ tim (CRT).
  • Ghép tim - Ở những bệnh nhân giai đoạn cuối, tiến triển, có thể cân nhắc ghép tim.
Xem thêm các bài viết khác tại đây.
----------------------
Nguồn: 
1. American Heart Association/ Hypertrophic Cardiomyopathy.
2. Thực hành bệnh tim mạch, NXB Y học.

Đang xem: BỆNH CƠ TIM PHÌ ĐẠI - LÝ DO PHỔ BIẾN GÂY ĐỘT TỬ Ở NGƯỜI TRẺ

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng