Thuốc, hoạt chất

Thuốc tiêm Rocuronium - thuốc giãn cơ

Thuốc tiêm Rocuronium -  thuốc giãn cơ

Thuốc tiêm Rocuronium -  thuốc giãn cơ

Thông tin dành cho chuyên gia


Rocuronium là một chất tương tự vecuronium được sử dụng để tạo điều kiện đặt nội khí quản và thư giãn cơ xương trong khi phẫu thuật.

Nguồn gốc: Rocuronium (curonium khởi phát nhanh) là một chất tương tự desacetoxy của vecuronium với tác dụng khởi phát nhanh hơn. Đây là thuốc chẹn thần kinh cơ không khử cực aminosteroid hoặc thuốc giãn cơ được sử dụng trong gây mê hiện đại, để tạo điều kiện đặt nội khí quản và giúp thư giãn cơ xương trong khi phẫu thuật hoặc thở máy. Được giới thiệu vào năm 1994, rocuronium có tác dụng khởi phát nhanh và thời gian tác dụng trung gian. Nó thường được bán trên thị trường với tên thương mại là Zemuron và Esmeron. Thuốc có liên quan đến nguy cơ phát triển các phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người bị hen suyễn. Tuy nhiên, có một tỷ lệ tương tự của các phản ứng dị ứng liên quan đến các tác nhân ngăn chặn thần kinh cơ không khử cực khác.

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Rocuronium

Tên biệt dược thường gặp: Esmeron, Rocutroy, Noveron, Rocuronium-hameln, Rocurobivid’s, Rexoven, Fada Rocuronio...

Thuốc tiêm Rocuronium - thuốc giãn cơ, thuốc giải giãn cơ


2. Dạng bào chế

Dung dịch tiêm

Rocuronium 50 mg/ 5 ml, Rocuronium 25 mg/ 2,5 ml, Rocuronium 10 mg/ml


3. Chỉ định

Rocuronium bromid được chỉ định một thuốc hỗ trợ gây mê toàn thân để đặt nội khí quản dễ dàng trong khởi mê nhanh và thông thường, giãn cơ trong phẫu thuật. Rocuronium bromid cũng được chỉ định như một thuốc hỗ trợ trong chăm sóc tích cực (ICU) (để đặt nội khí quản) thời gian ngắn.


4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Nhóm thuốc giãn cơ theo cơ chể chẹn thần kinh cơ.

Thuốc ngăn chặn thần kinh cơ là những loại thuốc gây giãn cơ xương chủ yếu bằng cách gây giảm phản ứng với chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin (ACh) tại điểm nối thần kinh (thần kinh cơ) của cơ xương. Tại vị trí đó, ACh thường tạo ra sự khử cực điện của màng sau chức năng của tấm cuối vận động, dẫn đến dẫn truyền điện thế hoạt động của cơ và sau đó gây ra co cơ xương. Các tác nhân thần kinh cơ được phân loại là khử cực hoặc không khử cực. Rocuronium là một chất ngăn chặn thần kinh cơ không phân cực, khởi phát nhanh đến trung gian tùy thuộc vào liều lượng và thời gian trung gian. Rocuronium, như vecuronium, có tác dụng ở trẻ sơ sinh lâu hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, không giống như vecuronium, rocuronium vẫn giữ các đặc tính của một NMBD tác dụng trung gian ở trẻ sơ sinh.

4.2. Dược động học

Sau khi tiêm tĩnh mạch một liều rocuronium bromide liều bolus duy nhất, thời gian nồng độ trong huyết tương chạy theo ba giai đoạn hàm mũ. Ở người lớn bình thường, thời gian bán thải trung bình (KTC 95%) là 73 (66-80) phút, thể tích phân bố (biểu kiến) ở điều kiện trạng thái ổn định là 203 (193-214) ml / kg và độ thanh thải trong huyết tương là 3,7 (3,5-3,9) ml / kg / phút.

Rocuronium được bài tiết qua nước tiểu và mật. Bài tiết qua nước tiểu đạt 40% trong vòng 12-24 giờ. Sau khi tiêm một liều rocuronium bromide được đánh dấu phóng xạ, sự bài tiết của chất đánh dấu phóng xạ trung bình là 47% trong nước tiểu và 43% ra phân sau 9 ngày. Khoảng 50% được thu hồi dưới dạng hợp chất mẹ. Không có chất chuyển hóa nào được phát hiện trong huyết tương.

* Nhi khoa

Dược động học của rocuronium bromide ở các bệnh nhi (n=146) từ 0 đến 17 tuổi đã được đánh giá, sử dụng phân tích nhóm về các bộ dữ liệu dược động học được gộp từ 2 thử nghiệm lâm sàng trong đó gây mê được khởi mê bằng sevoflurane và được duy trì bằng isoflurane/nitrous oxide. Tất cả các thông số dược động học được tìm thấy tỷ lệ tuyến tính với thể trọng, được minh họa bằng độ thanh thải tương tự (lít/giờ/kg). Thể tích phân bố (lít/kg) và thời gian bán thải (giờ) giảm theo tuổi (năm).

Thuốc tiêm Rocuronium - thuốc giãn cơ, thuốc giải giãn cơ* Người già

Bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có các rối loạn gan và/hoặc đường mật và/hoặc suy thận: Trong các nghiên cứu có đối chứng trên bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân rối loạn chức năng thận, độ thanh thải huyết tương giảm. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu, sự giảm này không đạt đến mức có ý nghĩa thống kê. Ở những bệnh nhân bị bệnh gan, thời gian bán thải trung bình kéo dài 30 phút và độ thanh thải huyết tương trung bình giảm 1ml/kg/phút (xem phần Liều lượng và cách dùng).

Khi sử dụng truyền liên tục để tạo điều kiện thuận lợi cho thông khí cơ học trong 20 giờ hoặc hơn, thời gian bán thải trung bình và thể tích phân bố (biểu kiến) trung bình ở trạng thái ổn định tăng lên. Trong những nghiên cứu lâm sàng có đối chứng, đã thấy sự biến thiên cao giữa các bệnh nhân, có liên quan với bản chất và mức độ suy (đa) cơ quan và đặc điểm của từng bệnh nhân. Ở những bệnh nhân bị suy đa cơ quan, thời gian bán thải trung bình (± độ lệch chuẩn, SD) là 21,5 giờ (± 3,3), thể tích phân bố (biểu kiến) ở trạng thái ổn định là 1,5lít/kg (± 0,8) và độ thanh thải huyết tương là 2,1ml/kg/phút (± 0,8). Rocuronium được bài tiết qua nước tiểu và mật. Sự bài tiết trong nước tiểu đạt đến 40% trong 12-24 giờ. Sau khi tiêm 1 liều rocuronium bromide được đánh dấu phóng xạ, lượng bài tiết trung bình của chất đánh dấu phóng xạ là 47% trong nước tiểu và 43% trong phân sau 9 ngày. Khoảng 50% được phát hiện dưới dạng rocuronium không đổi.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

Cũng như các thuốc chẹn thần kinh cơ khác, liều của rocuronium bromid nên được chỉ định phù hợp với mỗi bệnh nhân. Khi xác định liều dùng cần lưu ý đến phương pháp gây mê, thời gian dự kiến phẫu thuật, phương pháp an thần và thời gian thông khí cơ học dự kiến, khả năng tương tác khi dùng phối hợp với những thuốc khác và tình trạng của bệnh nhân. Nên sử dụng kỹ thuật kiểm báo giãn cơ thích hợp để đánh giá việc chẹn thần kinh cơ và hồi phục.

Các thuốc gây mê qua đường hô hấp làm tăng tác dụng chẹn thần kinh cơ của rocuronium bromid.

Tác dụng tăng cường này chỉ trở lên đáng kể về mặt lâm sàng trong gây mê khi thuốc mê bay hơi đã đạt được tại mô nồng độ cần thiết để tạo nên sự tương tác ấy. Do đó, nên điều chỉnh liều của rocuronium bromid bằng cách dùng liều duy trì nhỏ hơn, khoảng cách giữa các lần xa hơn hoặc truyền với tốc độ chậm hơn trong phẫu thuật kéo dài (lâu hơn 1 giờ) dưới tác dụng của thuốc mê qua đường hô hấp.

Ở những bệnh nhân người lớn, các liều khuyến cáo sau đây có thể sử dụng như một hướng dẫn chung để đặt nội khí quản và giãn cơ cho các phẫu thuật từ ngắn đến dài và để sử dụng trong chăm sóc tích cực.

Thuốc chỉ sử dụng một lần.

Trong phẫu thuật

Đặt nội khí quản

Liều tiêu chuẩn trong khởi mê thông thường để đạt được điều kiện thích hợp cho đặt nội khí quản trong vòng 60 giây ở hầu hết bệnh nhân là 0,6 mg/kg thể trọng.

Liều khuyến cáo trong khởi mê nhanh để đạt được điều kiện thích hợp cho đặt nội khí quản trong vòng 60 giây ở hầu hết bệnh nhân là 1,0 mg/kg thể trọng.

Nếu dùng liều 0,6 mg/kg thể trọng trong khởi mê nhanh, khuyến nghị nên đặt nội khí quản cho bệnh nhân 90 giây sau khi dùng rocuronium bromid.

Liều duy trì

Liều duy trì được khuyến cáo là 0,15 mg/kg thể trọng.

Trong trường hợp gây mê kéo dài với thuốc mê qua đường hô hấp nên giảm liều rocuronium bromid xuống 0,075- 0,1 mg/kg thể trọng.

Tốt nhất chỉ cho liều duy trì khi chiều cao của kích thích đơn (twitch) hồi phục được 25% so với kích thích đơn chuẩn dùng để kiểm tra, hay khi xuất hiện 2 – 3 đáp ứng đối với kích thích chuỗi 4 (TOF).

Truyền tĩnh mạch liên tục

Nếu muốn dùng rocuronium bromid truyền tĩnh mạch liên tục, liều tấn công đượckhuyến cáo 0,6 mg/kg thể trong, khi chẹn thần kinh cơ bắt đầu hồi phục thì bắt đầu truyền. Tốc độ truyền cần điều chỉnh để duy trì đáp ứng của kích thích đơn bằng 10% chiều cao của kích thích đơn chuẩn dùng để kiểm tra hoặc duy trì 1 tới 2 đáp ứng đối với kích chuỗi 4.

Ở người lớn trong gây mê tĩnh mạch, tốc độ độ truyền cầnthiết để duy trì giãn cơ ở mức độ này khoảng từ 0,3 — 0,6 mg/kg/giờ. Trong gây mê hô hấp, tốc độ truyền khoảng 0,3 —0,4 mg/kg/giờ.

Cần giám sát liên tục việc chẹn thần kinh cơ vì yêu cầu về tốc độ truyền rất khác nhau giữa các bệnh nhân và phương pháp gây mê được sử dụng.

Liều dùng ở phụ nữ mang thai

Ở những bệnh nhân sinh mổ Cesar, khuyến nghị chỉ dùng liều 0,6 mg rocuronium bromid tính theo kg thể trọng, bởi vì liều 1,0 mg/kg thể trọng vẫn chưa được nghiên cứu ở nhóm bệnh nhân này. Việc hồi phục chẹn thần kinh cơ gây ra bởi các thuốc chẹn thần kinh cơ có thể bị ngăn trở hoặc không hồi phục hoàn toàn ở những sản phụ đã được điều trị với những muối magie do bị nhiễm độc thai nghén bởi vì muối magiê làm gia tăng sự liệt cơ (chẹn thần kinh cơ). Do đó ở những bệnh nhân này, liều dùng của rocuronium cần được giảm bớt và được điều chỉnh tùy theo đáp ứng của kích thích đơn.

Liều dùng ở bệnh nhi

Đối với trẻ nhỏ (28 ngày – 23 tháng tuổi), trẻ em (2 – 11 tuổi). và thiếu niên (12 – 17 tuổi) liều khuyến cáo đặt ống nội khí quản trong khởi mê thông thường và liều duy trì giếng như đối với người lớn. Khi truyền liên tục ở trẻ em, tôc độ truyền giống nhưở người lớn, trừ trường hợp ngoại lệ. Đối với trẻ em, có thể cần truyền với tốc độ nhanh hơn.

Đối với trẻ em, khuyến cáo tốc độ truyền ban đầu giống như người lớn, và tốc độ truyền phải được điều chỉnh để duy trì đáp ứng của kích thích đơn bằng 10% chiều cao của kích thích đơn chuẩn hoặc duy trì 1 tới 2 đáp ứng với kích chuỗi 4 trong quá trình phẫu thuật.

Kinh nghiệm sử dụng rocuronium bromid trong khởi mê nhanh ở bệnh nhi còn hạn chế. Do đó không nên dùng rocuronium bromid trong khởi mê nhanh để đạt được điều kiện đặt nội khí quản ở trẻ em.

Chưa có thông tin về khuyến cáo sử dụng rocuronium bromid cho trẻ sơ sinh (0 – 1 tháng tuổi).

Liều dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân có bệnh gan và/ hoặc mật và/ hoặc suy thận

Liều chuẩn đặt nội khí quản cho bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân có bệnh gan và/hoặc mật và/hoặc suy thận trong khởi mê thông thường là 0,6 mg rocuronium bromid/kg thể trọng. Tuy nhiên, phải cân nhắc khi dùng liều 0,6 mg/kg thể trọng trong khởi mê nhanh ở bệnh nhân có thời gian phẫu thuật kéo dài do tình trạng thích hợp cho đặt ống nội khí quản có thể không đạt được trong 90 giây sau khi dùng rocuronium bromid. Bất kể kỹ thuật gây mê nào được sử dụng, liều duy trì được khuyến cáo cho những bệnh nhân này là 0,075 – 0,1 mg rocuronium bromid tính theo kg thể trọng, và tốc độ truyền được khuyến cáo là 0,3 — 0,4 mg/kg/giờ.

Liều cho người thừa cân và béo phì

Khi sử dụng cho những bệnh nhân thừa cân và béo phì (được định nghĩa là những bệnh nhân có trọng lượng cơ thể bằng hoặc lớn hơn 30% thể trọng lý tưởng) liều dùng cần phải giảm có tính đến khối lượng cơ bắp của cơ thể.

Trong phòng chăm sóc tích cực

Đặt nội khí quản

Khi đặt nội khí quản, nên dùng liều giống như được mô tả như khi sử dụng trong phẫu thuật.

5.2. Chống chỉ định

Rocuronium được chống chỉ định ở bệnh nhân mẫn cảm với rocuronium hay với bất cứ thành phần nào của thuốc.

5.2. Thận trọng

Vì rocuronium bromide gây liệt cơ hô hấp, nên buộc phải thông khí hỗ trợ đối với những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này cho đến khi phục hồi đầy đủ hô hấp tự nhiên. Cũng như đối với tất cả các thuốc phong bế thần kinh cơ khác, điều quan trọng là phải dự đoán những khó khăn khi đặt ống nội khí quản, đặc biệt là khi thuốc được sử dụng như một phần của kỹ thuật khởi mê tiếp nối nhanh. Trong trường hợp khó đặt ống nội khí quản dẫn đến nhu cầu trên lâm sàng về việc hóa giải tức thì sự phong bế thần kinh cơ gây ra do rocuronium, nên xem xét sử dụng sugammadex.

Cũng như với các thuốc phong bế thần kinh cơ khác, đã có báo cáo về giãn cơ tồn dư đối với rocuronium bromid. Để phòng ngừa các biến chứng do giãn cơ tồn dư, khuyến cáo chỉ rút ống nội khí quản sau khi bệnh nhân đã hồi phục đầy đủ sau sự phong bế thần kinh cơ. Bệnh nhân cao tuổi (65 tuổi hoặc hơn) có thể tăng nguy cơ giãn cơ tồn dư. Cũng cần phải xem xét các yếu tố khác có thể gây giãn cơ tồn dư sau khi rút nội khí quản ở giai đoạn sau phẫu thuật (như các tương tác thuốc hoặc tình trạng bệnh nhân). Nếu đây không phải là thực hành lâm sàng chuẩn, việc sử dụng sugammadex hoặc một thuốc hóa giải khác (ví dụ thuốc ức chế acetylcholinesterase) nên được xem xét, đặc biệt trong những trường hợp giãn cơ tồn dư có nhiều khả năng xảy ra.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc phong bế thần kinh cơ. Nên luôn phải phòng ngừa để xử trí những phản ứng này. Đặc biệt cần hết sức thận trọng trong trường hợp trước đây đã bị phản ứng phản vệ với các thuốc phong bế thần kinh cơ, do đã có báo cáo về phản ứng dị ứng chéo với các thuốc phong bế thần kinh cơ. Vì các thuốc phong bế thần kinh cơ đã được biết có khả năng gây giải phóng histamin tại chỗ ở vị trí tiêm và toàn thân, cần phải luôn xem xét khả năng xảy ra ngứa và phản ứng ban đỏ tại chỗ tiêm và/hoặc phản ứng dạng histamin toàn thân (dạng phản vệ) khi sử dụng những thuốc này. Trong các nghiên cứu lâm sàng, chỉ quan sát thấy tăng nhẹ nồng độ histamin trung bình trong huyết tương sau khi tiêm bolus nhanh liều rocuronium bromid 0,3-0,9 mg/kg.

Nói chung, sau khi dùng thuốc giãn cơ dài ngày trong khoa chăm sóc đặc biệt, đã ghi nhận liệt nhẹ và/hoặc yếu cơ vân kéo dài. Để giúp ngăn ngừa phong bế thần kinh cơ kéo dài và/hoặc quá liều có thể xảy ra, khuyến cáo mạnh mẽ theo dõi sự phong bế thần kinh cơ trong suốt thời gian sử dụng thuốc giãn cơ. Ngoài ra, điều cần thiết là bệnh nhân phải được giảm đau và an thần đầy đủ trong thời gian phong bế thần kinh cơ. Hơn nữa, cần chuẩn độ liều theo hiệu quả trên từng bệnh nhân bởi, hoặc dưới sự giám sát của một bác sĩ có kinh nghiệm, đã quen thuộc với các tác dụng của thuốc phong bế thần kinh cơ và các kỹ thuật theo dõi thần kinh cơ thích hợp.

Thường xuyên có báo cáo bệnh cơ sau thời gian dài sử dụng thuốc phong bế thần kinh cơ không khử cực khác kết hợp với liệu pháp corticosteroid trong khoa chăm sóc đặc biệt. Do đó, đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc phong bế thần kinh cơ và corticosteroid, thời gian sử dụng thuốc phong bế thần kinh cơ cần được hạn chế càng nhiều càng tốt.

Nếu suxamethonium được dùng để đặt ống nội khí quản, khuyến cáo trì hoãn việc sử dụng rocuronium bromid cho đến khi bệnh nhân đã phục hồi sau sự phong bế thần kinh cơ gây ra bởi suxamethonium.

Các tình trạng sau đây có thể ảnh hưởng đến dược động học và/hoặc dược lực học của rocuronium bromid:

Rối loạn gan và/hoặc đường mật và suy thận: Vì rocuronium được bài tiết vào nước tiểu và mật, cần thận trọng khi dùng ở bệnh nhân có bệnh gan và/hoặc đường mật đáng kể trên lâm sàng và/hoặc suy thận. Ở những nhóm bệnh nhân này, đã quan sát thấy tác dụng kéo dài khi dùng các liều rocuronium bromid 0,6 mg/kg.

Thời gian tuần hoàn kéo dài: Các tình trạng liên quan với thời gian tuần hoàn kéo dài, như bệnh tim mạch, tuổi cao và tình trạng phù dẫn đến tăng thể tích phân bố thuốc, có thể góp phần làm chậm khởi phát tác dụng. Thời gian tác dụng cũng có thể kéo dài do giảm độ thanh thải huyết tương.

Bệnh thần kinh cơ: Cũng như với các thuốc phong bế thần kinh cơ khác, phải hết sức thận trọng khi dùng rocuronium bromid trên bệnh nhân có bệnh thần kinh cơ hoặc sau sốt bại liệt vì đáp ứng với thuốc phong bế thần kinh cơ có thể thay đổi đáng kể trong những trường hợp này. Mức độ và bản chất của sự thay đổi này có thể rất khác nhau. Trên bệnh nhân bị bệnh nhược cơ nặng hoặc có hội chứng nhược cơ (hội chứng Eaton-Lambert), liều nhỏ rocuronium bromid có thể có tác dụng mạnh và cần chuẩn độ liều rocuronium bromid theo đáp ứng.

Hạ thân nhiệt: Khi phẫu thuật được thực hiện ở điều kiện hạ thân nhiệt, tác dụng phong bế thần kinh cơ của rocuronium bromid tăng lên và thời gian tác dụng kéo dài.

Béo phì: Cũng như với các thuốc phong bế thần kinh cơ khác, rocuronium bromid có thể kéo dài thời gian tác dụng và thời gian phục hồi tự phát ở bệnh nhân béo phì khi liều thuốc đưa vào được tính trên cơ sở thể trọng thực tế của bệnh nhân.

Bỏng: Bệnh nhân bị bỏng được biết là phát triển đề kháng với thuốc phong bế thần kinh cơ không khử cực. Khuyến cáo nên chuẩn độ liều dùng theo đáp ứng.

Điều trị bằng muối magnesi đối với nhiễm độc huyết trong thai kỳ: Sự hóa giải phong bế thần kinh cơ gây ra bởi thuốc phong bế thần kinh cơ có thể bị ức chế hoặc không thỏa đáng ở bệnh nhân đang dùng muối magnesi để điều trị nhiễm độc huyết trong thai kỳ, vì muối magnesi làm tăng sự phong bế thần kinh cơ. Cần phải giảm liều rocuronium bromid ở những bệnh nhân này và chuẩn độ trên cơ sở đáp ứng co giật cơ.

Các tình trạng có thể làm tăng tác dụng của rocuronium bromid: Hạ kali-máu (ví dụ sau khi nôn, tiêu chảy nhiều và điều trị lợi tiểu), tăng magnesi huyết, hạ calci huyết (sau khi truyền số lượng lớn), giảm protein huyết, mất nước, nhiễm toan, tăng carbon dioxid huyết, suy mòn.

Do đó nên điều chỉnh các rối loạn điện giải nặng, thay đổi pH máu hoặc mất nước, nếu có thể, trước khi sử dụng rocuronium bromid.

5.3. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
Hệ miễn dịch

 

Quá mẫn cảm, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ

 

    x 
Thần kinhLiệt mềm    x 
Tim và mạch máu
 
Nhịp tim nhanh, huyết áp thấp  x   
Rối loạn nhịp tim, rung thất, đau thắt ngực, tăng huyết áp    x 
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtCo thắt phế quản    x 
Hệ cơ xương

Yếu cơ, bệnh cơ steroid

    x 
Da và mô dưới da

 

Phù mạch máu, mày đay, phát ban, phát ban đỏ

 

    x 
Thận và tiết niệu

 

Thuốc không hiệu quả, tác dụng của thuốc / đáp ứng điều trị giảm/tăng, đau chỗ tiêm, phản ứng tại chỗ tiêm

 

  x   
Phù mặt    x 

Tác dụng không mong muốn theo nhóm

Phản ứng phản vệ: Mặc dù rất hiếm gặp, đã có báo cáo phản ứng phản vệ nặng với thuốc phong bế thần kinh cơ, bao gồm cả rocuronium bromid. Các phản ứng phản vệ/dạng phản vệ bao gồm các triệu chứng như co thắt phế quản, thay đổi về tim mạch (như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, trụy tuần hoàn/sốc), và thay đổi trên da (như phù mạch, nổi mề đay). Trong một số trường hợp, những phản ứng này đã gây tử vong. Do mức độ nghiêm trọng có thể có của những phản ứng như vậy, nên luôn cho rằng chúng có thể xảy ra và có các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Phản ứng giải phóng histamin và phản ứng dạng histamin: Vì thuốc phong bế thần kinh cơ đã được biết có khả năng gây giải phóng histamin tại chỗ ở vị trí tiêm và toàn thân, cần phải luôn xem xét khả năng xảy ra ngứa và phản ứng ban đỏ tại chỗ tiêm và/hoặc phản ứng dạng histamin toàn thân (dạng phản vệ) khi sử dụng những thuốc này.

Trong các nghiên cứu lâm sàng, chỉ quan sát thấy tăng nhẹ nồng độ histamin trung bình trong huyết tương sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh liều rocuronium bromid 0,3-0,9mg/kg.

Kéo dài phong bế thần kinh cơ: Phản ứng bất lợi thường gặp nhất khi dùng các thuốc phong bế thần kinh cơ là tác dụng dược lý của thuốc kéo dài vượt quá khoảng thời gian cần thiết. Phản ứng này có thể thay đổi từ yếu cơ vân đến liệt cơ vân nặng và kéo dài dẫn đến suy hô hấp hoặc ngừng thở.

Bệnh cơ: Đã có báo cáo về bệnh cơ sau khi dùng các loại thuốc phong bế thần kinh cơ khác nhau kết hợp với corticosteroid tại khoa chăm sóc đặc biệt.

Phản ứng tại chỗ tiêm: Đã có báo cáo về đau tại chỗ tiêm trong khi khởi mê tiếp nối nhanh, nhất là khi bệnh nhân chưa mất ý thức hoàn toàn và đặc biệt khi propofol được sử dụng như thuốc khởi mê. Trong các nghiên cứu lâm sàng, đã ghi nhận đau tại chỗ tiêm ở 16% bệnh nhân được khởi mê tiếp nối nhanh bằng propofol và dưới 0,5% bệnh nhân được khởi mê tiếp nối nhanh bằng fentanyl và thiopental.

Bệnh nhi: Một phân tích tổng hợp từ 11 nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhi (n=704) với rocuronium bromid (lên đến 1mg/kg) đã cho thấy nhịp tim nhanh xảy ra như là một phản ứng phụ của thuốc với tần suất 1,4%.

5.4. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Chưa có dữ liệu lâm sàng về việc sử dụng rocuronium bromid cho phụ nữ mang thai. Những nghiên cứu trên động vật không cho thấy ảnh hưởng có hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với tình trạng thai nghén, sự phát triển của phôi/thai, quá trình sinh đẻ, hoặc sự phát triển sau sinh. Cần thận trọng khi sử dụng rocuronium bromid cho phụ nữ mang thai.

Mổ lấy thai:

Ở những bệnh nhân được mổ lấy thai, rocuronium bromid có thể được sử dụng như là một phần của kỹ thuật khởi mê nối tiếp nhanh, với điều kiện là không có khó khăn nào về việc đặt ống nội khí quản được dự đoán và sử dụng một liều đầy đủ của thuốc gây mê hoặc suxamethonium trong quá trình đặt ống nội khí quản. Rocuronium bromid khi được dùng ở liều 0,6mg/kg đã cho thấy là an toàn để sủ dụng trong mổ lấy thai. Rocuronium bromid không ảnh hưởng trên điểm Apgar, trương lực cơ của bào thai hay sự thích nghi của tim và hô hấp. Phân tích mẫu máu ở dây rốn cho thấy rõ ràng là chỉ một lượng giới hạn rocuronium bromid truyền qua nhau thai, không đưa đến các tác dụng bất lợi nào trên lâm sàng ở trẻ sơ sinh.

Lưu ý:

Liều 1,0mg/kg đã được nghiên cứu trong khởi mê tiếp nối nhanh nhưng chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân được mổ lấy thai. Do đó chỉ dùng liều 0,6mg/kg cho nhóm bệnh nhân này.

Sự hóa giải phong bế thần kinh cơ gây ra bởi thuốc phong bế thần kinh cơ có thể bị ức chế hoặc không thỏa đáng ở bệnh nhân đang dùng muối magnesi để điều trị nhiễm độc huyết trong thai kỳ, vì muối magnesi làm tăng phong bế thần kinh cơ. Do đó cần phải giảm liều rocuronium bromid ở những bệnh nhân này và điều chỉnh liều theo đáp ứng co giật cơ.

Cho con bú

Chưa rõ liệu Rocuronium bromid có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Các thuốc khác cùng nhóm cho thấy sự bài tiết vào sữa mẹ giới hạn và hấp thu thấp bởi trẻ còn ẵm ngửa. Các nồng độ không đáng kể của Rocuronium bromid được tìm thấy trong sữa của chuột cống cho con bú. Chỉ nên dùng Rocuronium bromid cho phụ nữ đang cho con bú khi bác sĩ điều trị quyết định rằng lợi ích vượt trội nguy cơ.

5.5. Tương tác thuốc

Những thuốc sau đây đã được chứng minh là ảnh hưởng đến mức độ và/hoặc thời gian tác dụng của các thuốc phong bế thần kinh cơ không khử cực.

Ảnh hưởng của các thuốc khác đến rocuronium bromid.

Tăng hiệu lực

Thuốc gây mê bay hơi nhóm halogen làm tăng tác dụng phong bế thần kinh cơ của rocuronium bromid. Tác dụng này chỉ trở nên rõ ràng khi dùng liều duy trì. Sự hóa giải phong bế bằng các thuốc kháng cholinesterase cũng có thể bị ức chế.

Sau khi đặt ống nội khí quản với suxamethonium.

Sử dụng kéo dài corticosteroid và rocuronium bromid trong khoa chăm sóc đặc biệt có thể dẫn đến thời gian phong bế thần kinh cơ kéo dài hoặc bệnh lý cơ.

Các thuốc khác:

Kháng sinh: Kháng sinh nhóm aminoglycosid và polypeptid, kháng sinh nhóm lincosamid và acylamino-penicillin.

Thuốc lợi tiểu, quinidin và đồng phân quinin của nó, các muối magnesi, thuốc chẹn kênh calci, muối lithium, thuốc gây tê tại chỗ (lidocain tiêm tĩnh mạch, bupivacain tiêm ngoài màng cứng) và sử dụng phenytoin hoặc các thuốc chẹn beta.

Đã có báo cáo tái giãn cơ sau khi dùng các thuốc sau trong thời kỳ hậu phẫu: Kháng sinh nhóm aminoglycosid, lincosamid, polypeptid và acylamino-penicillin, quinidin, quinin và các muối magnesi.

Giảm hiệu lực

Sử dụng corticosteroid, phenytoin hoặc carbamazepin kéo dài trước đó.

Thuốc ức chế protease (gabexat, ulinastatin).

Thay đổi hiệu lực

Sử dụng các thuốc phong bế thần kinh cơ không khử cực khác kết hợp với rocuronium bromid có thể làm giảm hoặc làm tăng phong bế thần kinh cơ, tùy theo thứ tự dùng thuốc và loại thuốc ức chế thần kinh cơ được sử dụng.

Dùng suxamethonium sau khi dùng rocuronium bromid có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả phong bế thần kinh cơ.

Ảnh hưởng của rocuronium bromid đến các thuốc khác: Rocuronium bromid kết hợp với lidocain có thể làm khởi phát tác dụng của lidocain nhanh hơn.

Bệnh nhi: Không có nghiên cứu chính thức về tương tác được thực hiện. Các tương tác đã đề cập trên đối với người lớn và các cảnh báo và thận trọng khi sử dụng cũng cần phải tính đến đối với bệnh nhi.

5.6. Quá liều

Trong trường hợp quá liều và phong bế thần kinh cơ kéo dài, bệnh nhân cần được tiếp tục thông khí hỗ trợ và an thần. Trong trường hợp này có 2 lựa chọn cho sự hóa giải phong bế thần kinh cơ:

(1) Ở người lớn, sugammadex có thể được sử dụng để hóa giải phong bế mạnh (sâu rộng) và phong bế sâu. Liều sugammadex được dùng tùy theo mức độ phong bế thần kinh cơ.

(2) Một khi sự phục hồi tự phát bắt đầu, có thể sử dụng một thuốc ức chế acetylcholinesterase (ví dụ neostigmin, edrophonium, pyridostigmin) hoặc sugammadex và cần được sử dụng với liều phù hợp. Khi việc tiêm thuốc ức chế acetylcholinesterase không hóa giải được tác dụng phong bế thần kinh cơ của rocuronium bromid, phải tiếp tục thông khí cho đến khi bệnh nhân có thể thở tự nhiên. Dùng lặp lại thuốc ức chế acetylcholinesterase có thể gây nguy hiểm.

Trong các nghiên cứu trên động vật, suy giảm nặng chức năng cơ tim, cuối cùng dẫn đến suy tim đã không xảy ra cho đến liều tích lũy được dùng là 750xED90 (135mg rocuronium bromid tính theo kg thể trọng).

Đang xem: Thuốc tiêm Rocuronium - thuốc giãn cơ

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng