Thuốc, hoạt chất

Viên nang Succimer - Thuốc giải độc

Viên nang Succimer - Thuốc giải độc

Viên nang Succimer - Thuốc giải độc

Thông tin dành cho chuyên gia


Succimer, hay còn biết đến với cái tên acid dimercaptosuccinic (DMSA), là một tác nhân chelat hóa các kim loại nặng, được sử dụng trong điều trị ngộ độc các kim loại nặng

Nguồn gốc: DMSA lần đầu tiên được tổng hợp bởi V. Nirenburg tại Viện Bách khoa Urals, được ủy quyền bởi một trong những xí nghiệp điện của Sverdlovsk - nơi đã tiêu thụ nhiều tấn thủy ngân và mong muốn tìm kiếm một loại thuốc có thể ngăn ngừa ngộ độc cho nhân viên. Năm 1957, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng DMSA có thể điều trị hiệu quả tình trạng ngộ độc antimon (Sb) do dùng quá liều tartar emetic. Tác dụng bảo vệ rõ rệt trong ngộ độc với asen và thủy ngân ở động vật được I.Okonishnikova chứng minh lần đầu tiên vào năm 1962. Năm 1984, Công ty dược phẩm Bock (hiện không còn tồn tại) đã yêu cầu FDA cấp phép là thuốc điều trị bệnh hiếm ("thuốc mồ côi") với tên biệt dược là Chemet và FDA đã chấp thuận vào năm 1991, độc quyền cho đến năm 1998, được chuyển giao cho Sanofi vào năm 1996.

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Succimer

Tên biệt dược thường gặp: Chemet (Succimer) capsules, CHEMET Capsules 100mg, Succicaptal 200mg

Succimer

 


2. Dạng bào chế

Dạng bào chế: Viên nang

Các loại hàm lượng: Succimer 100 mg, Succimer 200 mg


3. Chỉ định

FDA cấp phép (thuốc điều trị bệnh hiếm gặp) chỉ định cho các trường hợp: 

  • Điều trị ngộ độc chì ở bệnh nhi có nồng độ chì trong máu trên 45 - 70 mcg / dL. 
  • Điều trị ngộ độc thủy ngân.

Ngoài ra còn được sử dụng trong điều trị ngộ độc Arsen và xử trí ngộ độc chì ở người lớn với nồng độ chì trong máu 70 – 100 mcg / dL hoặc các triệu chứng nhẹ. 


4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: thuốc đối kháng kim loại nặng.

Succimer là một tác nhân chelat hóa các kim loại nặng và có độ đặc hiệu cao đối với chì. Thuốc sẽ tạo thành các phức chất chelat hòa tan trong nước với chì và làm tăng bài tiết chì trong nước tiểu. Succimer không ảnh hưởng đến việc đào thải sắt, calci, hoặc magie trong nước tiểu; tuy nhiên, có thể làm tăng gấp đôi bài tiết kẽm.

4.2. Dược động học

Hấp thu

Hấp thu nhanh sau khi uống. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 1 – 2 giờ.

Phân bố

Trong máu, succimer liên kết với protein huyết tương (chủ yếu là Albumin) với tỷ lệ 85%. Các succimer phân phối chủ yếu ở ngoài tế bào.

Chuyển hóa

Khoảng 90% liều hấp thu được chuyển hóa thành hỗn hợp Succimer-cystein ​​disulfid

Thải trừ

Phần thuốc không được hấp thu bài tiết chủ yếu qua phân. Phần thuốc được hấp thu bài tiết chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa. Thời gian bán thải khoảng 2 ngày.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

Người lớn bị ngộ độc chì có các triệu chứng nhẹ hoặc nồng độ chì trong máu 70 – 100 mcg/dL: 

  • Một đợt điều trị với succimer kéo dài 19 ngày. Liều bắt đầu là 10 mg/kg hoặc 350 mg/m2 uống mỗi 8 giờ một lần, trong 5 ngày đầu. Trong 14 ngày tiếp theo, giảm tần suất dùng thuốc xuống còn 10 mg/kg hoặc 350 mg/m2 mỗi 12 giờ. 
  • Dựa vào kết quả theo dõi nồng độ chì trong máu hàng tuần, có thể lặp lại các đợt điều trị nếu cần thiết. Khuyến cáo khoảng cách tối thiểu là hai tuần giữa các đợt điều trị trừ khi nồng độ chì trong máu cho thấy cần phải điều trị gấp rút hơn. Khoảng cách ≥ 4 tuần được khuyến cáo khi dùng Succimer sau khi điều trị bằng calci EDTA, có hoặc không có Dimercaprol. 

Trẻ em ≥ 12 tháng tuổi bị ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu 45 – 70 mcg/dL: 

  • Một đợt điều trị với succimer kéo dài 19 ngày. Liều bắt đầu là 10 mg/kg hoặc 350 mg/m2 uống mỗi 8 giờ một lần, trong 5 ngày đầu. Trong 14 ngày tiếp theo, giảm tần suất dùng thuốc xuống còn 10 mg/kg hoặc 350 mg/m2 mỗi 12 giờ. 
  • Dựa vào kết quả theo dõi nồng độ chì trong máu hàng tuần, có thể lặp lại các đợt điều trị nếu cần thiết. Khuyến cáo khoảng cách tối thiểu là hai tuần giữa các đợt điều trị trừ khi nồng độ chì trong máu cho thấy cần phải điều trị gấp rút hơn. Khoảng cách ≥ 4 tuần được khuyến cáo khi dùng Succimer sau khi điều trị bằng calci EDTA, có hoặc không có Dimercaprol.

5.2. Chống chỉ định

  • Succimer chống chỉ định với trường hợp quá mẫn với Succimer hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Trong ngộ độc methyl thủy ngân và các hợp chất thủy ngân hữu cơ khác vì Succimer làm tăng sự phân bố thủy ngân vào não. 
  • Trong ngộ độc hơi ngạt arsen (AsH3) vì không ngăn ngừa được huyết tán.
  • Trong các trường hợp ngộ độc sắt, cadimi, bạc, selen hoặc urani vì những phức Succimer với kim loại này còn độc hơn là kim loại riêng lẻ. 
  • Người bệnh suy gan. 
  • Người bệnh thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase.

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Bệnh nhân bị suy thận
  • Bệnh nhân có tiền sử bệnh gan

5.4. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
ChungChán ăn, ớn lạnh     x
Chuyển hóaTăng cholesterol máu     x
Hệ thần kinhBuồn ngủ, chóng mặt, bệnh thần kinh vận động     x
MắtChảy nước mắt, mắt mờ     x
TaiViêm tai giữa     x
Tim
 
Loạn nhịp tim     x
Hệ thống bạch huyết và máuGiảm bạch cầu nhẹ đến trung bình, tăng số lượng tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan không liên tục     x
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtĐau họng, nghẹt mũi, ho     x
Hệ tiêu hóaBuồn nôn, nôm mửa, tiêu chảy, các triệu chứng của bệnh trĩ, phân lỏng, đau quặn, đau dạ dày, miệng vị kim loại     x
Gan mậtTăng men ALT, ALP, phosphatase kiềm     x
Da và mô dưới daPhát ban x    
Phát ban dạng sẩn, phát ban dạng herpes, ngứa     x
Cơ xương và mô liên kếtĐau lưng, đau sườn, đau chân     x
Thận và tiết niệuGiảm đi tiểu, protein niệu tăng     x

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Succimer đã được chứng minh là gây quái thai và gây độc cho thai nhi, xếp vào loại C. Do đó, chỉ nên dùng succimer cho phụ nữ có thai khi thật cần thiết và nếu lợi ích của việc điều trị vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.

Cho con bú

Không rõ liệu thuốc này có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Nhưng vì nhiều loại thuốc và kim loại nặng được bài tiết qua sữa mẹ, nên không khuyến khích các bà mẹ cho con bú khi đang điều trị bằng Succimer.

5.6. Tương tác thuốc

Không nên sử dụng các thuốc cung cấp sắt trong cùng thời gian điều trị bằng Succimer, vì sắt có thể tạo phức với thuốc này và gây độc cho người bệnh.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

Trong thử nghiệm trên động vật, quá liều Succimer gây ra các triệu chứng như gây mất điều hòa, co giật, hô hấp khó khăn và tử vong. Không có trường hợp quá liều đã được báo cáo ở người. 

Xử trí 

Trong trường hợp quá liều cấp tính, khuyến cáo xử lý bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày sau đó uống than hoạt và điều trị hỗ trợ thích hợp.

Đang xem: Viên nang Succimer - Thuốc giải độc

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng