Lão khoa

Bệnh lao phổi ở người cao tuổi và những mối nguy hiểm không ngờ

Bệnh lao phổi ở người cao tuổi và những mối nguy hiểm không ngờ

Bệnh lao phổi ở người cao tuổi là gì?

Bệnh lao phổi ở người cao tuổi (NCT) là một trong những mối quan tâm hàng đầu của y học nước ta và trên thế giới. Tại Việt Nam mỗi năm có thêm khoảng 130.000 người bị lao và có 20.000 - 30.000 người chết vì lao. Tỉ lệ lao phổi ở NCT khá cao khoảng 25 - 30% nghĩa là cứ 100 NCT thì có 25 - 30 người bị mắc bệnh lao. Lao phổi ở NCT thường đi kèm theo những bệnh khác của tuổi già làm cho việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn.

Ở NCT, bệnh lao có thể xuất hiện theo cơ chế “tái nhiễm khuẩn nội lai”. Bệnh lao trở lại do vi khuẩn lao “nằm ngủ” từ lâu trong cơ thể, nay “thức tỉnh”, hoạt động trở lại và gây bệnh. NCT sức đề kháng giảm, nên các vi trùng lao bị nhiễm từ lúc trẻ sau nhiều chục năm ở trạng thái ngủ nhân một cơ hội thuận lợi hoạt động trở lại gây ra bệnh lao. Người cao tuổi thường bị nhiều bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn... nên thường xuyên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để khám chữa... Khi đến các cơ sở y tế, NCT cũng thường tiếp xúc với các bệnh nhân khác, do đó cũng dễ bị lây nhiễm bệnh lao.

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi ở người cao tuổi

lao phổi ở người già

Bệnh lao phổi là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Ở lứa tuổi này lao phổi có một số đặc điểm không giống ở người trẻ tuổi. Nhưng đặc điểm đó liên quan đến những vấn đề cơ chế sinh bệnh, khu trú của tổn thương lao, chẩn đoán bệnh, chiến lược điều trị và sử dụng thuốc chống lao.

Cơ chế sinh bệnh lao phổi ở người cao tuổi

Ở đối tượng này, lao có thể xuất hiện theo cả 2 cơ chế sinh bệnh. Cơ chế "tái nhiễm khuẩn nội lai". Lao hoạt động trở lại do vi khuẩn lao (BK) "nằm ngủ" từ lâu trong cơ thể, nay "thức tỉnh" hoạt động trở lại và gây bệnh. Có một số yếu tố giúp cho bệnh hoạt động lại là: dùng thuốc corticoid, mắc một số bệnh như ung thư, bệnh máu ở một người trước đây bị lao, nay tưởng rằng đã khỏi bệnh, hoặc bị lao mà vẫn không biết mình có bệnh.

Khu trú của tổn thương lao

Ngoài khu trú hay gặp là tổn thương lao trong lồng ngực (chủ yếu là phổi rồi đến màng phổi, màng ngoài tim, hạch) còn có thể gặp tổn thương lao ở rất nhiều nơi khác trong cơ thể: tiêu hóa, màng não, tiết niệu, xương khớp, hạch ngoại vi và các tạng trong ổ bụng. Người ta nhấn mạnh đến 2 nơi khu trú: lao kê lan tỏa hoặc khu trú ở phổi và lao các cơ quan tạo máu (gan, lách, hạch, xương) mang dáng dấp một bệnh máu.

Triệu chứng, đặc điểm của bệnh lao phổi ở người cao tuổi

Bệnh lao phổi ở NCT thường có diễn biến âm thầm, các triệu chứng thường gặp ở bệnh lao như: sụt cân, mệt mỏi, sốt về chiều, thường bị che lấp bởi các tình trạng khác của người già. Triệu chứng sốt do bệnh lao thường sốt nhẹ và âm ỉ, ít khi sốt cao, nên NCT có thể không nhận ra. Cũng có thể gặp tình trạng đổ mồ hôi về đêm và ho ra máu, thì lại dễ nhầm với dấu hiệu các bệnh khác. Việc chẩn đoán bệnh lao phổi ở người cao tuổi cũng gặp nhiều khó khăn. Chụp Xquang phổi không điển hình do chồng chéo nhiều bệnh phổi mạn tính khác. Vì vậy phát hiện và điều trị sớm bệnh lao ở người cao tuổi là công việc khó...

Do NCT có thể mắc kèm nhiều bệnh mạn tính kèm theo dễ làm cho bệnh lao phổi nặng thêm và khó điều trị. Người bệnh tiểu đường nếu không được điều trị tốt sẽ dễ bị mắc thêm bệnh lao và để điều trị lao tốt phải giữ đường huyết ở mức ổn định thường xuyên. Bởi vì đường trong máu cao là môi trường tốt cho vi trùng lao phát triển.

NCT thường hay đau khớp do đó thường dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài loại thuốc có chứa corticoid như: prednisolon, dexamethason, hydrocortison... sẽ bị giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm lao và nhiễm nấm. Vì vậy, không nên tự ý dùng các loại thuốc corticoid. Khi sử dụng corticoid phải thận trọng theo dõi các phản ứng có hại và nhanh chóng báo cho thầy thuốc biết.

Điều trị bệnh lao phổi ở người cao tuổi

lao phổi ở người già

 

Ở người cao tuổi, chiến lược điều trị mang tính chất mềm dẻo, không nguyên tắc. Trong thực tế có 3 tình huống thường gặp:

  • Nếu đã có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hoặc mô học là dương tính: cần điều trị đặc hiệu ngay.
  • Nếu chưa có ngay kết quả xét nghiệm vi khuẩn, nhưng lâm sàng lại nghi có bệnh lao (hình ảnh, Xquang rất điển hình): có thể điều trị lao ngay, không cần chờ kết quả xét nghiệm, sau khi đã lấy các bệnh phẩm để xét nghiệm vi khuẩn.
  • Nếu chưa có ngay kết quả xét nghiệm vi khuẩn và các triệu chứng lâm sàng và vi lâm sàng đều không điển hình của lao: có thể tiến hành điều trị thử bằng thuốc chống lao - thái độ xử trí này bị coi như "không chấp nhận được" ở người trẻ tuổi, nhưng trong lão khoa lại "được chấp nhận"  bởi vì chờ đợi quá lâu ở một bệnh nhân cao tuổi là không có lợi, nhất là nếu bệnh nhân lại nằm liệt giường, suy kiệt, trầm cảm.

Sử dụng thuốc chống lao

Ở người cao tuổi, isoniazid (INH) chỉ nên dùng từ 2,5-3mg/kg trong ngày thay vì 5mg ở người trẻ tuổi - Nếu có suy thận, dùng ethambutol (EMB) phải dựa vào độ thanh thải của creatinin. Nếu dùng fyrazinamid (PZA) cần theo dõi sát axit uric máu. Không nên dùng streptomycine (SM).

Nói chung người cao tuổi vẫn có thể dung nạp được những phác đồ chữa lao với 3 thuốc kết hợp (INH, EMB, rifampicin) hoặc 4 thuốc kết hợp (3 thuốc trên + PZA) giống như ở người trẻ tuổi. Cần theo dõi sát diễn biến của bệnh để đánh giá kết quả điều trị cũng như phát hiện những tác dụng không mong muốn của thuốc.

Phòng bệnh lao cho người cao tuổi

Nếu ở nhà có người già, cần lưu ý phòng tránh lao cũng như phát hiện sớm bệnh lao. Đặc biệt lưu ý ở những người có bệnh lý của cơ quan khác như tim mạch, tiểu đường, khớp...khá trầm trọng, những người phải nằm liệt giường hoặc đi lại kém, sức đề kháng thường rất kém. Phát hiện sớm bệnh lao ở người già vừa giúp điều trị sớm dễ đạt hiệu quả, vừa giúp “cắt đứt" một nguồn lây trong gia đình.

Nếu đã mắc bệnh lao, cần phải chú ý động viên người bệnh điều trị và tuân thủ điều trị. Giải thích rõ về căn bệnh và cách chống lây nhiễm bệnh cho người khác, đặc biệt là các cháu nhỏ trong nhà.

Xem thêm: Nhược cơ dẫn đến suy hô hấp nặng cần phải thở máy?

Đang xem: Bệnh lao phổi ở người cao tuổi và những mối nguy hiểm không ngờ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng