Thuốc tiêm Ephedrin - Thuốc giống thần kinh giao cảm
Thông tin dành cho chuyên gia
Ephedrin là một chất chủ vận alpha và beta-adrenergic được chỉ định để điều trị hạ huyết áp khi gây mê, tình trạng dị ứng, hen phế quản và nghẹt mũi. |
Nguồn gốc: Ephedrin lần đầu tiên được mô tả trong tài liệu phương Tây vào năm 1888, như một thành phần tự nhiên của cây ma hoàng, cùng với pseudoephedrin. Ephedrin và phenylephrin vẫn thường được sử dụng để điều trị hạ huyết áp nhưng việc sử dụng chúng trong các chỉ định khác đã giảm do sự phát triển của các chất chủ vận adrenergic chọn lọc hơn. Ephedrin đã được FDA chấp thuận vào ngày 29 tháng 4 năm 2016.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Ephedrine
Tên biệt dược thường gặp: Ephedrin hydroclorid , Ephedrine Aguettant; Forasm
2. Dạng bào chế
Ống tiêm 25 mg/ml, 50 mg/ml
Khí dung, viên nén 10 mg, siro, thuốc nhỏ mũi 1 - 3%.
Ephedrin là thành phần chính trong Sulfarin (thuốc dùng để nhỏ mũi).
3. Chỉ định
- Đường tiêm: Điều trị hạ huyết áp trong gây tê tủy sống. Điều trị hỗ trợ hạ huyết áp trong những trường hợp hạ huyết áp chưa cải thiện khi đã bù đủ dịch tuần hoàn.
- Đường uống và tiêm: Điều trị hoặc dự phòng co thắt phế quản trong hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (nhưng không phải là thuốc được chọn đầu tiên).
- Đường nhỏ mũi: Điều trị triệu chứng sung huyết mũi, thường đi kèm với cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc giống thần kinh giao cảm
Ephedrin kích thích cả 2 thụ thể alpha và beta. Tác dụng trên beta-adrenergic là do kích thích sản xuất AMP vòng bằng cách hoạt hóa enzym adenyl cyclase, còn tác dụng trên alpha-adrenergic là do ức chế hoạt tính của adenyl cyclase. Trái với epinephrin, ephedrin có tác dụng gián tiếp bằng cách giải phóng norepinephrin từ các vị trí dự trữ. Khi dùng ephedrin kéo dài hoặc liều cao, thuốc có thể làm cạn kiệt dự trữ norepinephrin ở các đoạn cuối của dây thần kinh giao cảm và có thể xảy ra hiện tượng giảm nhanh đáp ứng của tim và huyết áp đối với thuốc. Cũng có thể phế quản giảm nhanh đáp ứng với ephedrin, nhưng không phải do cạn kiệt norepinephrin.
Tác dụng chủ yếu của liều điều trị ephedrin là giãn cơ trơn phế quản khi dự trữ norepinephrin không bị cạn kiệt, kích thích tim, tăng huyết áp tâm thu và tâm trương. Ephedrin tác dụng mạnh đến hệ TKTW sau khi uống.
Tác dụng lên hô hấp: Ephedrin làm giãn cơ trơn phế quản do kích thích thụ thể beta2 -adrenergic khi tiêm hoặc uống. Giãn phế quản sau khi uống xảy ra chậm hơn, ít mạnh hơn nhưng kéo dài hơn so với tiêm dưới da hoặc hít qua miệng.
Tác dụng lên tim mạch: Ephedrin tác dụng trên thụ thể β1 - adrenergic ở tim, làm tăng co bóp cơ tim khi dùng liều đơn thấp. Tuy vậy, trên động vật thực nghiệm, lặp lại nhiều lần liều thấp (0,5 mg/kg) hoặc dùng liều cao (2 - 5 mg/kg) có tác dụng giảm co bóp cơ tim. Do tác dụng tăng co bóp cơ tim, ephedrin làm tăng công của tim và làm cơ tim tăng tiêu thụ oxy và thường làm tăng áp lực động mạch phổi. Ephedrin có thể làm giãn động mạch vành một cách gián tiếp, do tăng chuyển hóa ở tim, do kích thích tim trực tiếp. Ephedrin có thể gây giãn mạch do tác dụng lên thụ thể beta2 và gây co mạch do tác dụng lên thụ thể alpha. Thuốc gây co tiểu động mạch ở da, niêm mạc, nội tạng và gây giãn tiểu động ở cơ xương. Các mạch máu ở phổi hoặc ở não có thể co hoặc giãn. Sức cản mạch máu ngoại vi có thể tăng, giảm hoặc không thay đổi sau khi dùng thuốc.
Co mạch máu thận do tiêm ephedrin làm giảm lưu lượng máu qua thận. Ở người hạ huyết áp, ephedrin lúc đầu có thể làm giảm lưu lượng nước tiểu và bài tiết natri và kali. Nếu không bị giảm thể tích máu, lưu lượng máu qua thận và tốc độ lọc cầu thận tăng khi huyết áp toàn thân tăng, nhưng sẽ giảm lại nếu huyết áp tăng thêm theo chiều hướng tăng huyết áp. Ephedrin làm co mạch máu bị giãn ở niêm mạc mũi và làm đỡ sung huyết sau khi dùng tại chỗ, nhưng khi ngừng thuốc có hiện tượng bị ngạt mũi lại. Chưa rõ khi uống liều thông thường có làm hết sung huyết ở mũi không.
Tác dụng khác: Ephedrin có tác dụng kích thích hệ TKTW giống như amphetamin tuy nhẹ hơn. Ephedrin làm giãn cơ trơn đường tiêu hóa, làm co tam giác bàng quang và cơ thắt, làm giãn cơ mu bàng quang và gây bí tiểu tiện.
Thuốc thường làm giảm cơn co tử cung nhưng cũng có tác dụng kích thích đã được báo cáo. Dùng ephedrin trong khi sổ nhau để điều trị hạ huyết áp do gây tê tủy sống có thể cải thiện lưu lượng máu đến tử cung.
Ephedrin có thể làm tăng lực cơ ở người bị bệnh nhược cơ, cơ chế tác dụng chưa rõ.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Ephedrin được hấp thu dễ dàng và hoàn toàn sau khi uống, tiêm bắp và tiêm dưới da.
Phân bố
Thể tích phân bố của thuốc khoảng 220 – 240 lít.
Thuốc qua hàng rào nhau thai và phân bố vào sữa mẹ.
Chuyển hóa
Một phần nhỏ thuốc được chuyển hóa chậm ở gan.
Thải trừ
Ephedrin đào thải nhiều qua nước tiểu dưới dạng không biến đối.
Thời gian bán thải trong huyết tương từ 3 – 6 giờ, tùy thuộc vào pH của nước tiểu: nước tiểu càng acid thì đào thải càng nhanh và T1/2 càng ngắn. T1/2 là 3 giờ khi acid hóa nước tiểu đến pH 5 và là 6 giờ, khi pH nước tiểu khoảng 6,3, T1/2 khoảng 6 giờ.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Điều trị sung huyết mũi kèm theo cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm mũi hay viêm xoang:
- Nhỏ mũi hay xịt dung dịch 0,5% (với trẻ nhỏ: dung dịch 0,25 - 0,5%). Không dùng quá 7 ngày liền, không nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.
Điều trị tụt huyết áp trong khi gây tê tủy sống:
- Tiêm bắp: 25 mg.
- Tiêm tĩnh mạch chậm 5 - 25 mg, nhắc lại sau 5 - 10 phút nếu cần, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 3 - 4 giờ, liều không vượt quá 150 mg/ ngày.
Phòng cơn co thắt phế quản trong bệnh hen:
- Ephedrin hydroclorid hay ephedrin sulfat uống 15 - 60 mg, 3 - 4 lần/ngày, hoặc tiêm dưới da 15 - 50 mg, nếu cần có thể tiêm nhắc lại, tối đa 150 mg/ngày. Hiện nay ephedrin không được coi là thuốc chọn lọc để chữa hen nữa, người ta ưa dùng các thuốc kích thích chọn lọc lên thụ thể beta 2 hơn, ví dụ salbutamol.
Liều dùng cho trẻ em:
- Uống hoặc tiêm dưới da: 3 mg/kg/ngày hoặc 25 - 100 mg/m2 /ngày, chia làm 4 - 6 lần, cách nhau 4 - 6 giờ.
- Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch: 0,2 - 0,3 mg/kg/lần, nhắc lại mỗi 4 - 6 giờ.
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn với ephedrin.
- Tăng huyết áp.
- Đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase.
- Cường giáp và không điều chỉnh được.
- Hạ kali huyết chưa được điều trị.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Bệnh tim do thiếu máu cục bộ.
5.2. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Sử dụng ephedrin như một thuốc nâng huyết áp phải đi kèm với việc bù đủ máu, huyết tương, dịch và điện giải.
- Ephedrrin có thể gây tăng huyết áp và xuất huyết nội sọ, thường xảy ra trên bệnh nhân tăng huyết áp và cường giáp. Thuốc cũng gây đau thắt ngực ở bệnh nhân suy mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim. Thuốc có thể gây loạn nhịp (có thể có tử vong) trên bệnh nhân có bệnh tim. Cần thận trọng trên các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch (suy tim, đau thắt ngực), đang dùng digitalis, bệnh nhân bị đái tháo đường và cường giáp.
- Thông thường không nên dùng ephedrin sau 4 giờ chiều vì thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, gây khó ngủ hoặc mất ngủ.
- Không nên dùng ephedrin cho trẻ dưới 3 tuổi. Các chế phẩm điều trị cảm cúm có thành phần ephedrin không được bán khi không có đơn kê cho trẻ em dưới 2 tuổi.
- Thận trọng khi chỉ định cho bệnh nhân cao tuổi và người suy thận do thuốc qua hàng rào máu - não và có thể gây lú lẫn. Ephedrin có thể làm tăng nhãn áp, do đó cần thận trọng trên bệnh nhân bị glôcôm góc đóng. Dùng ephedrin thường xuyên hoặc kéo dài tại màng nhày niêm mạc có thể dẫn đến hiện tượng sung huyết mũi hồi ứng.
- Dùng ephedrin kéo dài không gây tác dụng tích lũy thuốc, nhưng có thể gây quen thuốc và phụ thuộc vào thuốc, nghiện thuốc và có tác dụng không mong muốn như lo âu hoặc các triệu chứng của tâm thần phân liệt thể paranoid.
- Thuốc có thể bị sử dụng sai mục đích và lạm dụng trong một số trường hợp như: để làm tăng thành tích thể thao và giảm cân (trong ngành thể thao), để kích thích thần kinh trung ương (thường gặp ở trẻ vị thành niên), để tổng hợp methamphetamin và methcathinon là những chất gây nghiện đã bị cấm sử dụng.
- Liều ephedrin dùng dưới dạng khí dung hay thuốc nhỏ mũi vẫn có thể gây tác dụng toàn thân và vẫn có nguy cơ nghiện thuốc.
- Cần hạn chế sử dụng ephedrin như một thuốc giãn phế quản do có các thuốc kích thích beta 2 hiệu quả hơn. Vì ephedrin thực tế khi dùng có tác dụng co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim nên không dùng với các thuốc chống tăng huyết áp
5.3. Tác dụng không mong muốn
Ephedrin có thể gây bí đái. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra ngay với liều thường dùng. Không loại trừ khả năng gây nghiện thuốc kiểu amphetamin.
Tự dùng thuốc quá nhiều có thể dẫn đến loạn tâm thần, nghiện thuốc.
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Hệ miễn dịch | Phản ứng dị ứng | x | |||||
Sốc phản vệ | x | ||||||
Hệ thần kinh | Kích động, mất phối hợp, rối loạn tâm thần và / hoặc ảo giác (đặc biệt với liều lượng cao hơn), tăng thân nhiệt | x | |||||
Phản ứng loạn thần | x | ||||||
Co giật, buồn ngủ | x | ||||||
Nhức đầu, bồn chồn, mất điều hòa, mất ngủ | x | ||||||
Mắt | Rối loạn thị giác (giãn đồng tử, ức chế chỗ ở, mờ mắt, sợ ánh sáng) | x | |||||
Tim | Nhịp tim nhanh (loạn nhịp tim, nhịp tim chậm kịch phát thoáng qua) | x | |||||
Rối loạn nhịp tim, rung thất, đau thắt ngực, tăng huyết áp | x | ||||||
Mạch máu | Giãn mạch | x | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Giảm tiết dịch phế quản | x | |||||
Hệ tiêu hóa | Khô miệng (khó nuốt và nói, khát nước), ức chế phó giao cảm đường tiêu hóa (táo bón và trào ngược), ức chế tiết dịch vị, mất vị giác, buồn nôn, nôn, cảm giác đầy hơi. | x | |||||
Da và mô dưới da | Anhidrosis, mày đay, phát ban | x | |||||
Thận và tiết niệu | Ức chế sự kiểm soát phó giao cảm của bàng quang, bí tiểu | x |
5.4. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Phân loại sử dụng trong thai kỳ (US FDA): phân nhóm C
Ephedrin đi qua nhau thai. Vào lúc số nhau, nồng độ thuốc trong thai bằng khoảng 70% nồng độ trong máu mẹ. Ephedrin trong tuần hoàn thai nhi có thể là nguyên nhân chính làm thay đối nhịp tim thai. Chưa có bằng chứng là ephedrin có tác dụng gây quái thai ở người, nhưng không nên dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ
Cho con bú
Ephedrin được bài tiết qua sữa mẹ. Khó chịu và rối loạn giấc ngủ đã được báo cáo ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Có bằng chứng cho thấy ephedrin bị đào thải trong vòng 21 đến 42 giờ sau khi dùng, do đó cần phải đưa ra quyết định về việc có nên ngừng điều trị bằng ephedrin hay không hoặc ngừng cho con bú trong 2 ngày sau khi dùng thuốc có tính đến lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và lợi ích của liệu pháp đối với người phụ nữ.
Khả năng sinh sản
Không có dữ liệu.
5.5. Tương tác thuốc
Dùng các thuốc ức chế beta không chọn lọc sẽ làm giảm hoặc làm mất hoàn toàn tác dụng của các thuốc kích thích beta.
Ephedrin và dexamethason: Ephedrin làm tăng đào thải dexamethason
Kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicarbonat hay thuốc kiềm hóa nước tiểu khác gây tích tụ ephedrin và pseudoephedrin trong cơ thể; điều này có thể dẫn đến ngộ độc (run, lo lắng, mất ngủ, nhịp tim nhanh). Toan hóa nước tiểu với amoni clorid có tác dụng ngược lại.
Nhôm hydroxyd có thể làm cho tác dụng của pseudoephedrin xuất hiện nhanh hơn.
Ephedrin phối hợp với theophylin không tác dụng mạnh hơn khi dùng theophylin một mình mà có nhiều tác dụng phụ hơn.
Các tương tác khác cũng giống như với adrenalin và với các thuốc giống giao cảm khác:
Các thuốc ức chế enzym monoaminoxydase không chọn lọc: không nên dùng cùng với ephedrin vì có nguy cơ tăng huyết áp kịch phát có thể gây tử vong và tăng thân nhiệt. Nguy cơ này vẫn có thể xảy ra 15 ngày sau khi ngừng dùng thuốc ức chế MAO. Ephedrin có thể làm mất tác dụng hạ huyết áp của guanethidin, bethanidin và debrisoquin.
Cần thận trọng khi phải gây mê bằng các thuốc mê halogen bay hơi. Nếu có thể được thì ngừng dùng ephedrin vài ngày trước khi gây mê. Cần chú ý là người bệnh đang điều trị thuốc chống tăng huyết áp nếu lại tự dùng thuốc khác có ephedrin thì có thể làm cho huyết áp tăng lên
Tương kỵ: Trong dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, ephedrin tương kỵ vật lý với hydrocortison và với một vài barbiturat.
5.6. Quá liều và xử trí
Các triệu chứng:
Trong trường hợp quá liều, biểu hiện sẽ là buồn nôn, nôn, sốt, rối loạn tâm thần hoang tưởng, loạn nhịp thất và trên thất, tăng huyết áp, suy hô hấp, co giật và hôn mê.
Ở người lớn có thể liều gây tử vong là 50 mg/kg. Ở trẻ em tới 2 tuổi, liều tối thiểu gây chết bằng đường uống là 200 mg
Xử lí:
Việc kiểm soát quá liều ephedrin với sản phẩm này có thể cần điều trị hỗ trợ tích cực. Có thể tiêm tĩnh mạch chậm labetalol 50-200mg cùng với theo dõi điện tâm đồ để điều trị nhịp nhanh trên thất.
Có thể làm tăng thải thuốc bằng cách toan hóa nước tiểu
Có thể cần dùng thuốc benzodiazepin và/hoặc chất ức chế thần kinh để kiểm soát tác dụng kích thích thần kinh trung ương.
Đối với tăng huyết áp nặng, các lựa chọn hạ huyết áp qua đường tiêm bao gồm nitrat tiêm tĩnh mạch, thuốc chẹn kênh canxi, natri nitroprussid, labetalol hoặc phentolamin. Việc lựa chọn thuốc hạ huyết áp phụ thuộc vào tình trạng sẵn có, tình trạng đồng thời và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
Viết bình luận