Thuốc, hoạt chất

Thuốc tiêm Heparin - Thuốc tác dụng lên quá trình đông máu

Thuốc tiêm Heparin - Thuốc tác dụng lên quá trình đông máu

Thuốc tiêm Heparin - Thuốc tác dụng lên quá trình đông máu

Thông tin dành cho chuyên gia


Heparin là thuốc chống đông máu được chỉ định để điều trị dự phòng huyết khối và điều trị huyết khối liên quan đến nhiều bệnh lý như thuyên tắc phổi và rung nhĩ.

Nguồn gốc: Heparin không phân đoạn (UH) là một chế phẩm không đồng nhất của các polyme glycosaminoglycan anion, sulfat hóa với trọng lượng từ 3000 đến 30.000 Da. Nó là một chất chống đông máu tự nhiên được giải phóng từ các tế bào mast. Nó liên kết thuận nghịch với antithrombin III (ATIII) và làm tăng nhanh tốc độ ATIII làm bất hoạt các enzym đông máu thrombin (yếu tố IIa) và yếu tố Xa. UH khác với heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) ở những điểm sau: trọng lượng phân tử trung bình của LMWH là khoảng 4,5 kDa trong khi đối với UH là 15 kDa; UH cần truyền liên tục; cần theo dõi thời gian prothrombin một phần (aPTT) được kích hoạt khi sử dụng UH; và UH có nguy cơ chảy máu cao hơn và nguy cơ loãng xương cao hơn khi sử dụng lâu dài. 

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Heparin

Tên biệt dược thường gặp: Heparin Leo

heparin


2. Dạng bào chế

Dạng bào chế: dung dịch tiêm

Các loại hàm lượng: Heparin 5.000 IU/ml


3. Chỉ định

  • Phòng và điều trị huyết khối nghẽn động tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn động mạch phổi) đặc biệt ở người phải phẫu thuật và ở phụ nữ mang thai có nguy cơ cao, ví dụ có tiền sử huyết khối nghẽn mạch và người bệnh cần bất động thời gian dài sau phẫu thuật, nhất là người tuổi từ 40 trở lên. 
  • Xử trí huyết khối nghẽn động mạch bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch ngoại vi cấp và đột quỵ. 
  • Điều trị hội chứng đông máu rải rác nội mạch. 
  • Dự phòng tai biến huyết khối nghẽn tĩnh mạch ở môi trường phẫu thuật hay ở người nằm liệt giường do bệnh nội khoa (sau nhồi máu cơ tim, suy tim, sau tai biến mạch máu não, thiếu máu cục bộ kèm liệt chi dưới).

4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Thuốc chống đông

Heparin là một glucosaminoglycan sulfat hóa, dưới dạng anion, có trong các dưỡng bào, có trọng lượng phân tử khoảng 12000, được điều chế từ niêm mạc ruột lợn hoặc mô phổi bò. Heparin này được gọi là heparin thông thường (standard heparin) hay heparin chưa phân đoạn - để phân biệt với heparin phân tử lượng thấp. Heparin nội sinh bình thường gắn với protein, là chất chống đông máu có tính acid mạnh. Thuốc có tác dụng chống đông máu in vivo và in vitro bằng cách làm tăng tác dụng của antithrombin III (kháng thrombin).

4.2. Dược động học

Hấp thu

Heparin không hấp thu qua đường tiêu hóa nên phải tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch và tiêm dưới da. Thuốc có tác dụng ngay lập tức khi tiêm tĩnh mạch trực tiếp hoặc bắt đầu truyền liên tục tĩnh mạch liều đầy đủ.

Phân bố

Heparin liên kết rộng rãi với lipoprotein tỷ trọng thấp và globulin trong huyết tương, một phần bị trung hòa bởi nhiều yếu tố như yếu tố 4 tiểu cầu, fbrinogen, hệ thống lưới nội mô và bị giữ lại trong tế bào. Thuốc không qua nhau thai và sữa mẹ.

Chuyển hóa

Chuyển hóa chủ yếu tại gan, một phần có thể thành uroheparin, là heparin khử sulfat một phần. Một phần có thể bị chuyển hóa ở lưới nội mô.

Thải trừ

Thời gian bán thải trong huyết tương của heparin trung bình từ 1 - 2 giờ ở người lớn khỏe mạnh. Thuốc được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chuyển hóa, nhưng nếu dùng liều cao thì có tới 50% được thải trừ nguyên dạng. Heparin không loại bỏ được bằng thẩm phân máu.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

Liều dùng này áp dụng với dạng dung dịch tiêm Heparin 5.000 IU/ml

  • Phòng huyết khối tắc tĩnh mạch sau phẫu thuật: Dùng 5000 đvqt tiêm dưới da 2 giờ trước khi phẫu thuật, sau đó 5000 đvqt, 2 - 3 lần/24 giờ cho tới khi người bệnh đi lại được, ít nhất 7 ngày sau phẫu thuật. 
  • Đối với phẫu thuật chỉnh hình lớn, hoặc bệnh khác có nguy cơ cao: 3500 đvqt cách nhau 8 giờ/1 lần, điều chỉnh liều nếu cần để giữ thời gian cephalin - kaolin ở mức cao của trị số bình thường (gấp 1,5 - 2,5 lần số liệu bình thường).

5.2. Chống chỉ định

  • Tiền sử giảm tiểu cầu nặng týp II (giảm tiểu cầu do heparin). 
  • Bệnh hemophilia. 
  • Có vết loét dễ chảy máu, loét dạ dày và u ác tính. 
  • Xuất huyết lớn đang hoạt động và các yếu tố nguy cơ gây xuất huyết lớn.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Không nên dùng heparin bằng cách tiêm bắp do nguy cơ tụ máu. 
  • Tất cả các người bệnh phải được sàng lọc trước khi bắt đầu liệu pháp heparin để loại các bệnh gây chảy máu. 
  • Heparin phải được dùng rất thận trọng khi có nguy cơ tăng chảy máu. 
  • Heparin có thể làm giảm tiết aldosteron và gây ra giảm aldosteron kèm theo tăng kali huyết và/hoặc nhiễm toan chuyển hóa. Nguy cơ tăng kali huyết tăng theo thời gian điều trị và thường hồi phục được. Khi điều trị heparin kéo dài, cần kiểm tra kali huyết ở người có nguy cơ.

5.4. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
Chuyển hóaỨc chế Aldosteron   X  
MắtPhù nề mi mắt hoặc quanh mắt   X  
Tim
 
Hạ huyết áp và trụy tim mạch   X  
Hệ máu và hạch bạch huyếtGiảm tiểu cầu X    
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtThở nhanh không đều   X  
Hệ tiêu hóaXuất huyết tiêu hóa X    
Da và mô dưới daThay đổi màu sắc da mặt, ban da   X  
Cơ, xươngLoãng xương, tụ máu trong cơ   X  
Gan Tăng transaminase X    

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Heparin không qua nhau thai và có thể dùng làm thuốc chống đông máu trong thời kỳ này vì không ảnh hưởng đến cơ chế đông máu của thai. Tuy vậy, cần thận trọng khi dùng heparin trong 3 tháng cuối của thai kỳ và trong thời kỳ sau khi sinh do tăng nguy cơ xuất huyết của mẹ.

Cho con bú

Heparin không phân bố vào sữa mẹ nên không nguy hiểm cho trẻ bú mẹ, tuy nhiên có một số hiếm báo cáo thấy có gây loãng xương nhanh (trong vòng 2 - 4 tuần) hoặc xẹp đốt sống ở các bà mẹ dùng heparin trong thời kỳ này.

5.6. Tương tác thuốc

  • Heparin có thể kéo dài thời gian prothrombin. Vì vậy khi dùng heparin cùng với các thuốc chống đông máu như coumarin hoặc warfarin, phải chờ ít nhất 5 giờ sau khi tiêm tĩnh mạch liều cuối cùng hoặc 24 giờ sau liều tiêm dưới da cuối cùng thì máu lấy để xét nghiệm thời gian prothrombin mới có giá trị. 
  • Digitalis, tetracyclin, các kháng histamin, nicotin, rượu, các penicilin và cephalosporin, diazepam, propranolol, quinidin, verapamil có thể làm giảm một phần tác dụng chống đông máu của heparin. Vì vậy, có thể phải điều chỉnh liều lượng Heparin trong và sau khi phối hợp thuốc.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

Chủ yếu là chảy máu, chảy máu cam, có máu trong nước tiểu, phân đen là dấu hiệu đầu tiên chảy máu. Dễ bầm tím, hoặc đốm xuất huyết có thể thấy trước chảy máu rõ ràng.

Xử trí 

Nếu quá liều nhẹ thì chỉ cần ngừng dùng heparin. Nếu nặng thì phải dùng protamin sulfat để trung hòa heparin.

Đang xem: Thuốc tiêm Heparin - Thuốc tác dụng lên quá trình đông máu

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng