Thuốc tiêm Phenylephrin - Thuốc giải độc
Thông tin dành cho chuyên gia
Phenylephrin là một chất chủ vận alpha-1 adrenergic được sử dụng trong điều trị hạ huyết áp, trong phẫu thuật liên quan đến việc sử dụng thuốc gây mê. |
Nguồn gốc: Phenylephrin là một chất chủ vận thụ thể alpha-1 adrenergic được sử dụng để điều trị hạ huyết áp, làm giãn đồng tử và gây co mạch cục bộ. Tác dụng của phenylephrin, hay neo-synephrin, lần đầu tiên được mô tả trong y văn vào những năm 1930. Phenylephrin đã được FDA chấp thuận vào năm 1939.
Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx
1. Tên hoạt chất
Phenylephrin
Tên biệt dược thường gặp: Phenylephrin Aguettant 50 Microgrammes/ml, Neosynephrine faure 5%,
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: Thuốc tiêm
Các loại hàm lượng: Phenylephrin 50 mcg
3. Chỉ định
- Điều trị hạ huyết áp trong khi gây mê và gây tê vùng tủy sống hoặc ngoài màng cứng để làm thủ thuật ngoại khoa hoặc sản khoa,.
- Điều trị dự phòng hạ huyết áp khi gây tê tủy sống để làm thủ thuật ngoại khoa hoặc sản khoa.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý-trị liệu: Thuốc kích thích tim ngoài glycosid trợ tim
Phenylephrin là một thuốc co mạch mạnh tác động bằng cách hầu như chỉ kích thích các thụ thể alpha-1 adrenergic. Tác dụng co động mạnh này còn đi kèm với co tĩnh mạch, qua đó dẫn đến tăng áp suất động mạch và nhịp tim chậm phản xạ. Sự co mạch mạnh ở hệ thống động mạch làm tăng kháng lực đối với tống máu tâm thất (tăng hậu tải), dẫn đến giảm cung lượng tim, có thể ít rõ rệt trên người bình thường, nhưng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim có sẵn từ trước.
4.2. Dược động học
Hấp thu
Phenylephrin hấp thu rất thất thường qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng của thuốc chỉ đạt ≤ 38%. Thời gian tác động sau khi tiêm tĩnh mạch là 20 phút. Thời gian bán thải là 3 giờ.
Phân bố
Phân bố vào các mô với thể tích phân bố giai đoạn đầu: 26 - 61 lít và ở trạng thái ổn định: 340 lít. Chưa biết thuốc có phân bố được vào sữa mẹ không.
Chuyển hóa
Phenylephrin bị chuyển hóa ở gan và ruột nhờ enzym monoaminoxidase (MAO) nhờ phản ứng oxy hóa khử amin và phản ứng liên hợp với acid glucuronic
Thải trừ
Phenylephrin được thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng acid m-hydroxymandelic và các chất liên hợp phenol.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Liều dùng này áp dụng với dạng thuốc tiêm phenylephrin 50 mcg
- Đường tiêm. Truyền tĩnh mạch hoặc tiêm tĩnh mạch trực tiếp (bolus).
- Tiêm tĩnh mạch trực tiếp: Liều thường dùng là 50 mcg, có thể lặp lại cho đến khi đạt được tác dụng mong muốn. Có thể tăng liều trong trường hợp hạ huyết áp nặng, không được vượt quá 100 mcg tiêm tĩnh mạch.
- Truyền tĩnh mạch liên tục: Liều ban đầu là 25 đến 50 mcg/phút. Có thể tăng liều lên đến 100 mcg/phút hoặc giảm liều để duy trì huyết áp tâm thu gần trị số cơ bản. Những liều từ 25 đến 100 mcg/phút được xem là có hiệu quả để duy trì huyết áp người mẹ.
- Ở người suy thận: Có thể dùng liều phenylephrin thấp hơn trên bệnh nhân có chức năng thận suy giảm.
- Ở người suy gan: Có thể dùng liều phenylephrin cao hơn trên những bệnh nhân bị xơ gan.
- Người cao tuổi : Phải thận trọng khi dùng cho bệnh nhân cao tuổi. Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của phenylephrin trên bệnh nhi chưa được xây dựng. Chưa có dữ liệu khả dụng.
5.2. Chống chỉ định
- Bệnh nhân tăng mẫn cảm với hoạt chất chính của thuốc hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc
- Bệnh nhân cao huyết áp nặng hoặc có bệnh mạch máu ngoại biên vì nguy cơ hoại thư do thiếu máu cục bộ hoặc huyết khối tĩnh mạch
- Dùng phối hợp với thuốc ức chế mono-amin oxidase (IMAO) không chọn lọc (hoặc trong vòng 2 tuần kể từ khi ngưng dùng các thuốc này) vì nguy cơ tăng huyết áp kịch phát và tăng thân nhiệt có thể gây tử vong
- Bệnh nhân bị cường giáp nặng.
5.3. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp động mạch
- Cường giáp không kiểm soát
- Suy mạch vành và các bệnh tim mạn tính
- Suy mạch máu ngoại biên không nghiêm trọng
- Nhịp tim chậm
- Block tim không hoàn toàn
- Nhịp tim nhanh
- Loạn nhịp tim
- Đau thắt ngực (phenylephrin có thể gây ra hoặc làm nặng hơn đau thắt ngực ở bệnh nhân bị bệnh mạch vành hoặc có tiền sử đau thắt ngực)
- Phình động mạch
- Glaucom góc đóng.
5.4. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Hệ miễn dịch | Quá mẫn | x | |||||
Hệ thần kinh | Đau đầu, bồn chồn, mất ngủ, dị cảm, run cơ | x | |||||
Mắt | giãn đồng tử, làm nặng thêm tình trạng glaucom góc đóng sẵn có | x | |||||
Tim | Nhịp chậm phản xạ, nhịp nhanh, đánh trống ngực, cao huyết áp, loạn nhịp, đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim | x | |||||
Mạch máu | Xuất huyết não, cơn tăng huyết áp | x | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Khó thở, phù phổi | x | |||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, nôn | x | |||||
Da và mô dưới da | Đổ mồ hôi, da tái hoặc trắng, nổi da gà, hoạt tử da kèm thoát mạch | x | |||||
Cơ xương và mô liên kết | Yếu cơ | x | |||||
Thận và tiết niệu | Khó tiểu, bí tiểu | x |
5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Các nghiên cứu trên động vật về độc tính sinh sản và khả năng gây quái thai không đầy đủ. Sử dụng phenylephrin trong giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc khi chuyển dạ có thể gây thiếu oxy cho thai nhi và nhịp tim chậm. Sự kết hợp với một số tác nhân oxytocic có thể gây tăng huyết áp nặng
Cho con bú
Một lượng nhỏ phenylephrin được tiết vào sữa mẹ. Dùng thuốc co mạch trên người mẹ có thể làm cho em bé phơi nhiễm với nguy cơ tác dụng tim mạch và thân kinh. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng một lần duy nhất trong khi sinh thì vẫn có thể cho con bú mẹ.
5.6. Tương tác thuốc
Các phối hợp bị chống chỉ định: Các thuốc ức chế monoamie oxidase không chọn lọc (IMAO) (iproniazid, nialamid): Tăng huyết áp kịch phát, tăng thân nhiệt có thể gây tử vong. Do các thuốc lMAO có thời gian tác động dài nên tương tác này vẫn có thể xảy ra trong vòng 15 ngày kể từ khi ngưng dùng các thuốc IMAO.
Các phối hợp không nên dùng
- Thuốc ức chế men monoamin oxidase chọn lọc tuýp A (IMAO) (moclobemid, toloxaton), Alkaloid nấm cựa gà chủ vận trên thụ thể dopamin (bromocriptin, cabergolin, lisurid, pergolid) hoặc có tác dụng co mạch (dihydroergotamin, ergotamin, methylergometrine, methylsergid): Nguy cơ co mạch và/hoặc cơn tăng huyết áp.
- Sibutramin, thuốc chống trầm cảm ba vòng (như imipramine) và thuốc chống trầm cảm noradrenergic-serotoninergic (minalcipram, venlafaxin): Tăng huyết áp kịch phát kèm nguy cơ loạn nhịp (ức chế adrenalin hoặc noradrenalin đi vào các sợi giao cảm).
- Linezolid: Nguy cơ co mach và/hoặc cơn tăng huyết áp.
- Guanethidin và các chất liên quan: Tăng huyết áp đáng kể (tăng tác động liên quan đến giảm trương lực giao cảm và/hoặc ức chế adrenalin hoặc noradrenalin đi vào các sợi giao cảm). Nếu không thể tránh được phối hợp thuốc này, cần chú ý giảm liều các thuốc cường giao cảm.
- Cac thuốc glycosid tim, quinidin: Tăng nguy cơ loạn nhịp.
- Thuốc gây mê halogen dễ bay hoi (desfluran, enfluran, halothane, isofluran, methoxyfluran sevofluran): Cơn tăng huyết áp khi phẫu thuật và loạn nhịp.
Các phối hợp cần thận trọng: Các thuốc gây co bóp tử cung oxytoxin: Tác dụng các amin giống giao cảm chủ vận bị tăng cường. Do đó, một số thuốc gây co bóp tử cung oxytoxin có thể gây cao huyết áp dai dẳng nặng và có thể xảy ra đột quy hậu sản.
5.7. Quá liều
Các triệu chứng
Quá liều có thể gây ngoại tâm thu thất và những cơn nhịp nhanh thất kịch phát ngắn. Có thể xảy ra nhịp tim chậm phản xạ trong trường hợp huyết áp tăng đáng kể.
Các triệu chứng của quá liều bao gồm nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tâm thần hoang tưởng, ảo giác, tăng huyết áp và nhịp tim chậm phản xạ
Xử trí
Điều trị nên bao gồm các biện pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Tăng huyết áp có thể được điều trị bằng thuốc đối kháng chặn thụ thể alpha, chẳng hạn như phentolamin.
Viết bình luận