Thuốc viên Chlorpheniramin maleat - Thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn
Thông tin dành cho chuyên gia
Chlorpheniramin là một chất đối kháng thụ thể histamin-H1 được chỉ định để kiểm soát các triệu chứng liên quan đến dị ứng đường hô hấp trên |
Nguồn gốc: Là một chất đối kháng histamin H1 được sử dụng trong các phản ứng dị ứng, sốt cỏ khô, viêm mũi, nổi mề đay và hen suyễn. Nó cũng đã được sử dụng trong các ứng dụng thú y. Chlorpheniramin là một trong những loại thuốc kháng histamin cổ điển được sử dụng rộng rãi nhất, thường ít gây buồn ngủ và an thần hơn promethazin.
Nhóm: Thuốc không kê đơn
1. Tên hoạt chất
Chlorpheniramin maleat
Tên biệt dược thường gặp: Chlorpheniramin, Chlorpheniramin 4 mg
2. Dạng bào chế
Dạng bào chế: viên nén
Chlorpheniramin 4 mg
3. Chỉ định
- Kiểm soát triệu chứng của các bệnh dị ứng đáp ứng với thuốc kháng histamin, bao gồm sốt cỏ khô hay còn gọi là dị ứng phấn/bụi cỏ, viêm mũi vận mạch, mề đay, phù mạch thần kinh, dị ứng thức ăn, phản ứng thuốc và huyết thanh, côn trùng cắn.
- Thuốc cũng được dùng để làm giảm triệu chứng ngứa do bệnh thủy đậu.
4. Dược lực và dược động học
4.1. Dược lực
Nhóm dược lý: Thuốc kháng Histamin thế hệ 1
Chlorpheniramin làm giảm hoặc làm mất tác dụng histamin trong cơ thể bằng cách cạnh tranh phong bế có đảo ngược với histamin tại các thụ thể H1 ở các mô trên đường tiêu hóa, thành mạch và đường hô hấp. Chlorpheniramin cũng có hoạt tính kháng cholinergic.
Tác dụng của các thuốc kháng histamin là ngăn chặn sự giải phóng histamin, prostaglandin va leukotrien và đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự di chuyển của chất trung gian gây viêm. Tác dụng của chlorpheniramin bao gồm ức chế tác dụng của histamin trên cơ trơn, tính thấm mao mạch và do đó giảm phù nề và mẩn ngứa trong các phản ứng quá mẫn như dị ứng và sốc phản vệ
4.2. Dược động học
Hấp thu
Chlorpheniramin maleat hấp thu tốt nhưng tương đối chậm vì thuốc chuyển hóa nhiều ở niêm mạc đường tiêu hóa và chuyển hóa bước đầu ở gan khi uống và xuất hiện trong huyết tương trong vòng 30 đến 60 phút. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong khoảng 2,5 đến 6 giờ sau khi uống. Khoảng 25-45% liều đơn vào được tuần hoàn toàn thân dưới dạng thuốc không chuyển hóa. Sinh khả dụng thấp đạt 25- 50%.
Phân bố
Khoảng 70% thuốc trong tuần hoàn liên kết với protein. Thể tích phân bố khoảng 2,5-3,2 lít/kg (người lớn) và 3,8 lít/kg (trẻ em).
Chuyển hóa
Chlorpheniramin chuyển hóa nhanh và nhiều. Các chất chuyển hóa gồm có desmethyl- didesmethyl- chlorpheniramin và một số chất chưa được xác định, một hoặc nhiều chất trong số đó có hoạt tính. Nồng độ chlorpheniramin trong huyết thanh không tương quan đúng với với tác dụng kháng histamin vì còn một chất chuyển hóa không xác định cũng có tác dụng. Thời gian tác dụng của thuốc kéo dài từ 4 đến 6 giờ, ngắn hơn dự đoán so với các thông số dược động học
Thải trừ
Chlorpheniramin được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không đổi hoặc chuyển hóa. Sự bài tiết phụ thuộc vào pH và lưu lượng nước tiểu. Giảm bài tiết qua nước tiểu khi pH tăng và lưu lượng nước tiểu giảm. Chỉ một lượng nhỏ được tìm thấy trong phân.
Người lớn có chức năng gan thận bình thường thời gian bán thải của chlorpheniramin dao động từ 12 đến 43 giờ và đối với trẻ em từ 5,2 đến 23,1 giờ. Ở người suy thận mạn thười gian bán thải kéo dài tới 280 - 330 giờ.
5. Lâm sàng
5.1. Liều dùng
Liều dùng này áp dụng với dạng viên nén chlorpheniramin 4 mg
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: uống 1 viên/lần cách nhau 4-6 giờ. Liều tối đa hàng ngày: 6 viên (24 mg) trong vòng 24 giờ.
- Người cao tuổi: Thường nhạy cảm hơn với tác dụng kháng cholinergic ở thần kinh. Cần xem xét việc sử dụng liều hàng ngày thấp hơn (ví dụ như tối đa là 3 viên (12 mg) trong 24 giờ).
- Trẻ em từ 6-12 tuổi: uống 1/2 viên/lần cách nhau 4-6 giờ. Liều tối đa hàng ngày: 3 viên (12 mg) trong vòng 24 giờ.
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi
5.2. Chống chỉ định
- Quá mẫn cảm với thuốc kháng histamin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Các đặc tính kháng acetylcholin của chlorpheniramin được tăng cường bởi các chất ức chế monoamin oxidase (IMAO). Do đó chống chỉ định ở những bệnh nhân đã được điều trị với IMAO trong vòng 14 ngày.
5.2. Thận trọng
Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp:
- Chlorpheniramin, cùng với các thuốc khác có tác dụng kháng acetylcholin, nên được sử dụng thận trọng ở bệnh động kinh; tăng áp lực nội nhãn cầu bao gồm bệnh tăng nhãn áp; phì đại tuyến tiền liệt; tăng huyết áp nặng hoặc bệnh tim mạch; viêm phế quản, giãn phế quản hoặc hen suyễn; suy gan; suy thận. Trẻ em và người cao tuổi thường nhạy cảm hơn với tác dụng kháng acetylcholin ở thần kinh và bị kích thích nghịch lý (ví dụ: tăng năng lượng, bồn chồn, căng thẳng).
- Các đặc tính kháng acetylcholin của chlorpheniramin có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động ở một số bệnh nhân có thể ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng lái xe và sử dụng máy móc.
- Những ảnh hưởng của rượu có thể tăng lên và do đó cần tránh sử dụng đồng thời rượu và chlorpheniramin.
- Không nên sử dụng chlorpheniramin với các thuốc khác có chứa thành phần kháng histamin (Ví dụ: Thuốc ho và thuốc cảm có chứa kháng histamin).
- Thuốc có chứa lactose monohydrat: bệnh nhân có vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu men lactase Lapp hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
- Thuốc chứa tinh hột mỳ: bột mỳ có thể chứa glutten, nhưng chỉ với lượng rất ít, và do đó được xem là an toàn với bệnh dị ứng glutten.
5.3. Tác dụng không mong muốn
Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau:
- (1) Rất phổ biến: ≥1/10;
- (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10;
- (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100;
- (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000;
- (5) Rất hiếm: <1/10.000;
- (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quan | TDKMM | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Chung | Mệt mỏi | x | |||||
Hệ miễn dịch | Phản ứng dị ứng, phù mạch, phản ứng phản vệ | x | |||||
Chuyển hóa và dinh dưỡng | Chán ăn | x | |||||
Hệ thần kinh | An thần, buồn ngủ | x | |||||
Rối loạn chú ý, phối hợp bất thường, chóng mặt, nhức đầu | x | ||||||
Tâm thần | Lú lẫn, kích thích, cáu kỉnh, ác mộng, trầm cảm | x | |||||
Mắt | Nhìn mờ | x | |||||
Tai | Ù tai | x | |||||
Tim | Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh , loạn nhịp tim | x | |||||
Mạch máu | Huyết áp thấp | x | |||||
Hệ thống bạch huyết và máu | Thiếu máu tan máu, rối loạn chức năng máu | x | |||||
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thất | Chất tiết phế quản dày lên | x | |||||
Hệ tiêu hóa | Buồn nôn, khô miệng | x | |||||
Nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu | x | ||||||
Gan mật | Viêm gan, bao gồm cả vàng da | x | |||||
Da và mô dưới da | Viêm da tróc vảy, phát ban, mày đay, nhạy cảm với ánh sáng | x | |||||
Cơ xương và mô liên kết | Co giật, yếu cơ | x | |||||
Thận và tiết niệu | Bí tiểu | x |
5.4. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú
Thai kỳ
Không có dữ liệu đầy đủ về việc sử dụng chlorpheniramin maleat ở phụ nữ mang thai. Những nguy cơ tiềm ẩn đối với con người là không rõ. Sử dụng trong 3 tháng cuối thời kỳ mang thai có thể dẫn đến các phản ứng trong các trẻ sơ sinh hoặc sinh non. Không được sử dụng trong khi mang thai trừ khi thật cần thiết dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Cho con bú
Chlorpheniramin maleat và kháng histamin khác có thể ức chế tiết sũa và có thể được bài tiết vào sữa mẹ. Không được sử dụng trong quá trình cho con bú trừ khi thật cần thiết.
5.5. Tương tác thuốc
- Các thuốc ức chế monoamin oxydase làm kéo dài và tăng tác dụng kháng muscarin của các thuốc kháng histamin.
- Ethanol hoặc các thuốc an thần gây ngủ có thể tăng tác dụng ức chế hệ TKTW của chlorpheniramin.
- Chlorpheniramin ức chế chuyển hóa phenytoin và có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin.
- Các thuốc ức chế CYP3A4 như: Dasatinib, pramilintid làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của chlorpheniramin.
- Chlorpheniramin làm giảm tác dụng của các chất ức chế cholinesterase và betahistidin.
- Người bệnh dùng thuốc ức chế monoamin oxydase (MAO) trong vòng 14 ngày, tính đến thời điếm điều trị bằng chlorpheniramin vì tính chất kháng muscarin của chlorpheniramin bị tăng lên bởi các chất ức chế MAO (xem Chống chỉ định). Tránh dùng chung chlorpheniramin với các thuốc IMAO.
5.6. Quá liều
Các triệu chứng
Liều gây chết của chlopheniramin khoảng 25 - 50 mg/kg thể trọng. Những triệu chứng và dấu hiệu quá liều bao gồm ngủ nhiều, kích thích nghịch thường hệ thần kinh trung ương, loạn tâm thần, cơn động kinh, ngừng thở, co giật, tác dụng kháng muscarin, phản ứng loạn trương lực và trụy tim mạch, loạn nhịp.
Xử trí
Điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sổng, cần chú ý đặc biệt đến chức năng gan, thận, hô hấp, tim và cân bằng nước, điện giải.
Nếu quá liều do đường uống, có thể điều trị bằng than hoạt tính nếu không có chống chỉ định cho người sử dụng và việc quá liều mới xảy ra (điều trị hiệu quả nhất nếu sử dụng than hoạt trong vòng một giờ sau khi uống thuốc quá liều). Khi gặp hạ huyết áp và loạn nhịp, cần được điều trị tích cực. Có thể điều trị co giật bằng tiêm tĩnh mạch diazepam hoặc phenytoin. Có thể phải truyền máu trong những ca nặng.
Viết bình luận