Thuốc, hoạt chất

Viên nén Lisinopril - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Viên nén Lisinopril - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Viên nén Lisinopril - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Thông tin dành cho chuyên gia


Lisinopril là một chất ức chế enzym chuyển angiotensin được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, suy tim và nhồi máu cơ tim cấp tính.

Nguồn gốc: Lisinopril là một chất ức chế men chuyển (ACEI) được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, suy tim và nhồi máu cơ tim. Lisinopril và captopril là những ACEI không phải là tiền dược. ACEI thường được sử dụng như một liệu pháp đầu tay trong điều trị tăng huyết áp, cùng với thuốc lợi tiểu thiazid hoặc thuốc chẹn beta. Lisinopril được FDA chấp thuận vào ngày 29 tháng 12 năm 1987. 

Nhóm: Thuốc kê đơn - Rx


1. Tên hoạt chất

Lisinopril

Tên biệt dược thường gặp: Auroliza, Doprile, Dototril, Linorip, Liprilex, Lotafran, SaVi Lisinopril

Lisinopril


2. Dạng bào chế

Dạng bào chế: Viên nén

Các loại hàm lượng: Lisinopril 2,5 mg; 5 mg, 10 mg, 20 mg, 30 mg và 40 mg


3. Chỉ định

  • Điều trị tăng huyết áp
  • Điều trị suy tim
  • Nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định
  • Điều trị bệnh thận do đái tháo đường

4. Dược lực và dược động học

4.1. Dược lực

Nhóm dược lý: Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin

Cơ chế tác dụng: Lisinopril là thuốc ức chế cạnh tranh enzym chuyển angiotensin và là một dẫn chất lysin có cấu trúc tương tự enalapril với tác dụng kéo dài. Enzym chuyển angiotensin là enzym nội sinh có vai trò chuyển angiotensin I thành angiotensin II. Angiotensin I tăng trong một số bệnh như suy tim và bệnh thận, do đáp ứng với tăng renin. Angiotensin II có tác dụng kích thích tăng trưởng cơ tim, gây tim to (phì đại cơ tim), và tác dụng co mạch, gây tăng huyết áp. Thuốc ức chế enzym chuyển làm giảm nồng độ angiotensin II và aldosteron do đó làm giảm ứ natri và nước, làm giãn mạch ngoại vi, giảm sức cản ngoại vi ở cả đại tuần hoàn và tuần hoàn phổi.

  • Trong tăng huyết áp: Thuốc ức chế enzym chuyển thường làm giảm huyết áp trừ khi tăng huyết áp do cường aldosteron tiên phát. Khi mới điều trị, sự thay đổi huyết áp liên quan chặt chẽ với hoạt tính renin huyết tương và nồng độ angiotensin II trong huyết tương trước khi điều trị. Tuy nhiên sau vài tuần điều trị, phần lớn người bệnh thấy giảm huyết áp khá mạnh và tác dụng giảm huyết áp lúc đó ít hoặc không liên quan đến hoạt tính renin huyết tương trước khi điều trị.
  • Trong suy tim: Các thuốc ức chế enzym chuyển làm giảm hậu gánh và giảm căng thành mạch ở thì tâm thu, làm tăng cung lượng và chỉ số tim, làm tăng sức co bóp của tim và tăng thể tích tâm thu. Thuốc cũng làm giảm tiền gánh và giảm căng thành mạch tâm trương; cải thiện được huyết động tốt hơn do đó tăng khả năng gắng sức và ức chế hệ thần kinh giao cảm mạnh hơn. Lưu lượng máu ở não và mạch vành vẫn duy trì tốt ngay cả khi huyết áp bị hạ.
  • Trong nhồi máu cơ tim: Lisinopril cũng như các thuốc ức chế enzym chuyển khác là thuốc chuẩn trong điều trị người bệnh nhồi máu cơ tim, được dùng trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu cơn nhồi máu. Ngoài ra thuốc cũng có tác dụng dự phòng nhồi máu cơ tim. 
  • Trong bệnh thận do đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường kèm theo tăng huyết áp chắc chắn sẽ dẫn tới bệnh thận do đái tháo đường. Đây là nguyên nhân chính gây suy thận giai đoạn cuối. Lisinopril và các thuốc ức chế enzym chuyển đã chứng tỏ làm chậm suy thận trong bệnh thận do đái tháo đường. Thuốc ức chế enzym chuyển có thể làm chậm bệnh thận mạn tiến triển, như trong đái tháo đường.

4.2. Dược động học

Hấp thu

Lisinopril hấp thu chậm và không hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Sự hấp thu của lisinopril rất khác nhau giữa các cá thể, có thể từ 6 - 60% liều dùng được hấp thu, nhưng trung bình khoảng 25%

Phân bố

Thuốc gắn với protein huyết tương khoảng 25%.

Chuyển hóa

Lisinopril không trải qua quá trình chuyển hóa.

Thải trừ

Thuốc thải trừ qua nước tiểu ở dạng không biến đổi. Thời gian bán thải trừ sau khi uống nhiều liều ở người bệnh có chức năng thận bình thường là 12 giờ.


5. Lâm sàng

5.1. Liều dùng

- Điều trị tăng huyết áp: 

  • Liều khởi đầu: 5-10 mg/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng của người bệnh.
  • Liều duy trì: 20-40 mg/ngày.

- Điều trị suy tim

  • Liều khởi đầu: 2,5-5 mg/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng của người bệnh. 
  • Liều mục tiêu: 20-40 mg/ngày. 

- Nhồi máu cơ tim: Dùng cùng với thuốc tan huyết khối, aspirin liều thấp và thuốc chẹn beta.

  • Liều khởi đầu: Dùng 5 mg trong vòng 24 giờ sau khi các triệu chứng nhồi máu cơ tim xảy ra, tiếp theo sau 24 và 48 giờ dùng liều tương đương 5 va 10 mg.
  • Liều duy trì: 10 mg/ngày, điều trị liên tục trong 6 tuần. Nếu có suy tim thì đợt điều trị kéo dài trên 6 tuần.

- Biến chứng thận của bệnh đái tháo đường: Ở bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo đái tháo đường týp 2 và bệnh thận mới phát, liều là 10 mg x 1 lần/ngày, nếu cần có thể tăng lên 20 mg x 1 lần/ngày  để đạt được huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.

5.2. Chống chỉ định

  • Quá mẫn với lisinopril
  • Người bệnh bị hẹp van động mạch chủ, hoặc bệnh cơ tim thể tắc nghẽn, hẹp động mạch thận hai bên hoặc ở một thận đơn độc và người bệnh quá mẫn với các thuốc ức chế men chuyển ≥ 250 mmol/l hoặc kali huyết ≥ 5 mmol/l. 
  • Bệnh nhân có tiền sử phù mạch liên quan đến điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển trước đó. Phù mạch di truyền hoặc vô căn. 
  • Sử dụng đồng thời với liệu pháp sacubitril / valsartan. Lisinopril không được bắt đầu sớm hơn 36 giờ sau liều cuối cùng của sacubitril / valsartan. 
  • Sử dụng đồng thời lisinopril với các sản phẩm chứa aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (GFR <60 ml /phút /1,73m2 ) 
  • Phụ nữ có thai, nhất là ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ.

5.3. Thận trọng

Thận trọng khi sử dụng trong trường hợp: 

  • Người bệnh có bệnh thận từ trước hoặc dùng liều cao cần phải theo dõi protein niệu. 
  • Người bị suy tim hoặc người có nhiều khả năng mất muối và nước (thí dụ dùng thuốc cùng với thuốc lợi tiểu hoặc cùng với thẩm tách) có thể bị hạ huyết áp triệu chứng trong giai đoạn đầu điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển. Có thể giảm thiểu triệu chứng này bằng cách cho liều khởi đầu thấp, và nên cho lúc đi ngủ. 
  • Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali, hoặc khi bổ sung thêm kali. Vì nồng độ kali huyết có thể tăng trong khi điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển.

5.4. Tác dụng không mong muốn

Việc đánh giá các phản ứng có hại dựa trên định nghĩa tần suất sau: 

  • (1) Rất phổ biến: ≥1/10; 
  • (2) Phổ biến: ≥1/100 đến <1/10; 
  • (3) Không phổ biến: ≥1/1.000 đến <1/100; 
  • (4) Hiếm: ≥1/10.000 đến <1/1.000; 
  • (5) Rất hiếm: <1/10.000; 
  • (6) Không rõ: không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn
Hệ cơ quanTDKMM(1)(2)(3)(4)(5)(6)
ChungMệt mỏi, suy nhược  X   
Hệ miễn dịchPhản ứng phản vệ     X
Hệ thần kinhChóng mặt, nhức đầu X    
Thay đổi tâm trạng, loạn cảm, rối loạn vị gác, rối loạn giấc ngủ, ảo giác  X   
Rối loạn tâm thần, rối loạn khướu giác   X  
Trầm cảm, ngất     X
Chuyển hóaHội chứng tiết ADH không thích hợp   X  
Hạ đường huyết    X 
TimNhồi máu cơ tim, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh  X   
Mạch máuHạ huyết áp X    
Hiện tượng Raynaud  X   
Hệ máu và hạch bạch huyếtGiảm hemoglobin, giảm hematocrid   X  
Suy tủy xương, thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu    X 
Hệ hô hấp, lồng ngực và trung thấtHo X    
Viêm mũi  X   
Co thắt phế quản, viêm xoang, viêm phế nang dị ứng    X 
Hệ tiêu hóaTiêu chảy, nôn mửa X    
Buồn nôn, đau bụng, khó tiêu  X   
Khô miệng   X  
Viêm tụy    X 
Gan mậtViêm gan, ứ mật, vàng da, suy gan    X 
Da và mô dưới daPhát ban, ngứa  X   
Mày đay, rụng tóc, vẩy nến   X  
Đổ mồ hôi, hoại tử biểu bì nhiễm độc, Hội chứng Stevens-Johnson, hồng ban đa dạng    X 
Thận và tiết niệuRối loạn chức năng thận X    
Suy thận cấp   X  
Thiểu niệu, vô niệu    X 
Hệ sinh sảnLiệt dương  X   
Bệnh vú to ở nam giới   X  

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

5.5. Khả năng sinh sản, mang thai và cho con bú

Thai kỳ

Các thuốc ức chế enzym chuyển có nguy cơ cao gây bệnh và tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh nếu trong thời kỳ mang thai, nhất là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, bà mẹ dùng thuốc này. Vì vậy không dùng lisinopril cho người mang thai, nếu đang dùng thuốc mà phát hiện có thai thì cũng phải ngừng thuốc ngay.

Cho con bú

Trên chuột, thuốc phân bố trong sữa, trên người hiện chưa xác định được thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay không, không nên dùng thuốc cho người đang nuôi con bú.

5.6. Tương tác thuốc

  • Các thuốc giống giao cảm và chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của lisinopril. 
  • Ciclosporin, thuốc lợi tiểu giữ kali và các thuốc bổ sung kali có thể gây nặng thêm tăng kali huyết do lisinopril. 
  • Lisinopril có thể làm tăng nồng độ và độc tính của lithi và digoxin khi dùng đồng thời. 
  • Estrogen gây ứ dịch có thể làm tăng huyết áp. 
  • Các thuốc lợi tiểu làm tăng tác dụng hạ huyết áp. 
  • Có thể gây dương tính giả xét nghiệm tìm aceton trong nước tiểu bằng thuốc thử nitroprusid.

5.7. Quá liều

Các triệu chứng

Biểu hiện quá liều có thể là giảm huyết áp.

Xử trí 

Cách điều trị là truyền tĩnh mạch dung dịch muối đẳng trương. Có thể loại bỏ lisinopril bằng thẩm tách máu.

Đang xem: Viên nén Lisinopril - Thuốc điều trị tăng huyết áp

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng